Châu Âu chuẩn bị cho làn sóng tấn công khủng bố mới

Phong trào Áo Vàng tại Pháp trỗi dậy, tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo làm dấy lên mối lo về an ninh châu Âu.

Các công tố viên Pháp ngày 25/9 đã mở cuộc điều tra khủng bố sau khi ít nhất 2 người bị thương trong vụ tấn công bằng dao ở Paris cùng ngày.

Tấn công bằng dao bên ngoài tòa soạn cũ của Charlie Hebdo tại Pháp

Tấn công bằng dao bên ngoài tòa soạn cũ của Charlie Hebdo tại Pháp

Vụ việc xảy ra gần văn phòng cũ của tờ báo châm biếm Charlie Hebdo. 2 nghi phạm đã bị bắt. Truyền hình Pháp France 24 dẫn nguồn tin của Sở cảnh sát Paris cho biết, 2 nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Vụ tấn công xảy ra khi phiên tòa xử những kẻ được cho là đồng phạm trong vụ tấn công Tòa soạn Báo Charlie Hebdo cách đây 5 năm. Địa chỉ hiện tại của tạp chí này được giữ bí mật vì lý do an ninh.

12 người, bao gồm một số họa sĩ biếm họa nổi tiếng nhất của Pháp, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của anh em Said và Chérif Kouachi liên quan đến một nhánh của Al Qaeda.

Một nữ cảnh sát bị giết một ngày sau đó, tiếp theo ngày hôm sau là vụ tay súng Amedy Coulibaly giết chết 4 người đàn ông trong vụ bắt con tin tại một siêu thị Do Thái.

Phát biểu tại cuộc họp báo, công tố viên Jean-Francois Ricard cho biết lực lượng chức năng vừa bắt giữ nghi phạm thứ hai trong vụ tấn công.

Thủ tướng Pháp Jean Castex, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin và Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo đã có mặt ở hiện trường vụ tấn công để thực hiện công tác chỉ đạo. Theo Thủ tướng Castex, trong số các nạn nhân có hai nhà báo và hiện thương tích của họ không nguy hiểm đến tính mạng.

Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lên án vụ tấn công ở tòa soạn báo Charlie Hebdo, khẳng định châu Âu không dung túng chủ nghĩa khủng bố. Ông đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và nhân dân Pháp sau vụ việc.

Vụ việc tấn công cũng xảy ra sau các diễn biến từ hồi đầu tháng 9, Charlie Hebdo đã đăng tải lại những hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed ngay trước khi bắt đầu phiên tòa xét xử. Việc đăng hình ảnh của nhà tiên tri là điều cấm kỵ trong luật Hồi giáo.

Mặc dù những ấn phẩm này được bán hết tại Pháp, nhưng nó lại châm ngòi cho làn sóng chỉ trích mới tại một số nước Hồi giáo, thậm chí các phần tử khủng bố thuộc mạng lưới quốc tế al-Qaeda được cho là đe dọa sẽ lặp lại vụ thảm sát tương tự vụ khủng bố năm 2015 nhằm vào Charlie Hebdo. Các cuộc biểu tình phản đối Charlie Hebdo diễn ra ở nhiều nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Iran, Iraq...

Vụ việc làm bùng lên lo ngại về an ninh tại Pháp trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình Áo Vàng ở quốc gia này chưa có dấu hiệu ngừng lại, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19.

An ninh bất ngờ bị động ở Pháp, châu Âu cũng không khỏi lo lắng. Hôm 25/9, một cảnh sát tại Anh đã bị một người đàn ông đang bị tạm giữ bắn chết.

Tờ Guardian dẫn lời cảnh sát London thông báo: “Ngày 25/9, một người đàn ông bị tạm giữ tại một đồn cảnh sát Croydon ở Windmill Lane đã bắn chết một cảnh sát”.

Đồng nghiệp và nhân viên y tế đã cứu chữa cho viên cảnh sát ngay tại hiện trường sau đó anh này được đưa đến bệnh viên cấp cứu. Nhưng viên cảnh sát đã tử vong tại bệnh viện.

Kẻ nổ súng là người đàn ông 23 tuổi bị bắt giữ tại hiện trường và được đưa đến bệnh viện do có vết thương và đang trong tình trạng nguy kịch.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đã gửi lời chia buồn đến gia đình và đồng nghiệp của viên cảnh sát qua đời.

Châu Âu vẫn đang phải đối mặt với những mối lo an ninh đến từ những người tị nạn từ Trung Đông.

Các thành viên của EU hiện đang ủng hộ một dự thảo nghị quyết của LHQ về chống khủng bố bao hàm những quy định về truy tố, cải huấn và tái hòa nhập những phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm mục đích không để cho IS phục hồi hoặc hình thành những dạng tổ chức khủng bố tương tự.

Các nước châu Âu không muốn hồi hương những phần từ khủng bố về đất nước của họ để xét xử bởi ở đây có nhiều công dân tfừng tham gia các tổ chức khủng bố bao gồm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nếu để các phần tử khủng bố trên quay về, thì các nước châu Âu sẽ chịu gánh nặng lớn.

Trại tị nạn ở ngoại ô Thành phố Paris, Pháp.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố các chính sách mới về nhập cư và tị nạn, trong đó siết chặt nghĩa vụ chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU). Theo các nhà quan sát, chính sách trên sẽ là một "cuộc chiến" vô cùng phức tạp và gây chia rẽ. Văn kiện này hiện đang gặp phải sự phản đối của một số quốc gia Đông Âu, những nước luôn từ chối tiếp nhận người tị nạn chuyển đến từ các nước khác.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thừa nhận, những chính sách cũ đã không còn hiệu quả. Theo người đứng đầu EC, EU cần có một thỏa ước mới giữa các nước thành viên để xử lý ổn định vấn đề nhập cư và tị nạn.

Trong số những chính sách đưa ra, yếu tố gây bất đồng nhiều nhất vẫn là hạn ngạch phân bổ nhập cư. Theo đó, mỗi năm EC sẽ xem xét và đưa ra một con số dự tính về số người tị nạn và nhập cư mà mỗi nước thành viên phải tiếp nhận. Quy định này đã được thực hiện 5 năm qua nhưng bị nhiều nước phản đối gay gắt, điển hình là các nước Đông Âu như Hungary hay Ba Lan.

Điều khác biệt so với hạn ngạch phân bổ nhập cư trước đây là lần này, EC ra thêm các quy định về mức phạt đối với các nước không tuân thủ nghĩa vụ. Ngoài ra, EC cũng trợ cấp cho các nước tiếp nhận người tị nạn 10.000 euro cho mỗi người tị nạn mà nước đó nhận về và 12.000 euro nếu đó là trẻ vị thành niên. Những người di cư được cứu trên biển sẽ được tái định cư trong EU, thay vì trả về nơi xuất phát.

Gói chính sách mới này có thể được chính thức áp dụng từ năm 2023.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-chuan-bi-cho-lan-song-tan-cong-khung-bo-moi-3419619/