Châu Âu chống rửa tiền qua ngân hàng

Ngày 19-12, EU thông báo, chính phủ các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm kiểm soát hoạt động rửa tiền bằng cách tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng thông qua Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA).

Văn bản này được coi là bước tiến quan trọng trong công tác chống rửa tiền tại “lực địa già”. Theo thỏa thuận đạt được, EBA sẽ có thể trực tiếp buộc từng ngân hàng thực hiện các biện pháp chống rửa tiền "như là phương sách cuối cùng", nếu chính phủ không hành động.

EBA cũng có quyền buộc các giám sát viên quốc gia điều tra những trường hợp bị nghi vi phạm quy định chống rửa tiền. Thậm chí trong trường hợp đặc biệt, EBA còn có thể áp dụng các biện pháp nhằm vào ngân hàng bằng cách "yêu cầu họ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để tuân thủ nghĩa vụ của mình”.

EU tìm cách chống rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng.

Theo giới truyền thông, trước khi đạt được thỏa thuận kể trên, các biện pháp cải cách đã được Ủy ban châu Âu đưa ra hồi tháng 9, sau khi có những lo ngại về quy định chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng không phải lúc nào cũng được giám sát và thực thi hiệu quả ở “lực địa già”.

Giới chuyên môn cho rằng, tuy EBA sẽ có thêm quyền và tăng nhân viên, nhưng tiếp tục phụ thuộc vào những luật được cho là khá mơ hồ đã ngăn chặn họ hành động trong quá khứ.

Ngoài ra, các nước thành viên EU có toàn quyền trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và không tạo được một cơ quan chuyên trách về chống rửa tiền ở cấp EU hoặc khu vực sử dụng đồng euro, như đề xuất của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Theo giới chuyên môn, quyết định của EU được đưa ra trong bối cảnh nhiều vụ rửa tiền bị lộ sáng ở châu Âu trong năm nay, đặc biệt là vụ 200 tỷ euro được “rửa” tại chi nhánh Estonia của ngân hàng Danske Bank, về sự sụp đổ của ngân hàng ABLV của Latvia và việc đóng cửa ngân hàng Pilatus của Malta.

Gần 1 tháng trước (29-11), Cơ quan công tố Đức đã khám xét 6 văn phòng của ngân hàng Deutsche Bank tại thành phố Frankfurt vì nghi ngờ rửa tiền. Khoảng 170 cảnh sát và điều tra viên của Văn phòng công tố Frankfurt đã tiến hành cuộc lục soát kể trên.

Văn phòng công tố Frankfurt cho biết, cuộc điều tra tập trung vào các cáo buộc cho rằng, ngân hàng cho vay lớn nhất nước Đức đã giúp khách hàng của họ lập công ty bình phong tại những "thiên đường thuế" để chuyển tiền từ các hoạt động tội phạm. Trong năm 2017, Deutsche Bank đã chịu phạt gần 630 triệu USD sau khi giới chức tài chính Anh và Mỹ tiến hành điều tra liên quan đến các vụ rửa tiền.

Khó chống rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng.

Hơn 3 tháng trước (24-9), Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, đã yêu cầu EBA mở cuộc điều tra đối với vụ bê bối tại ngân hàng lớn nhất Đan Mạch Danske Bank.

Trước đó (7-9), thành viên ban lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Benoit Coeure cho biết, châu Âu cần có một cơ quan chung để chống rửa tiền sau nhiều vụ việc xảy ra trong hệ thống ngân hàng của các quốc gia thành viên EU.

Theo giới truyền thông, báo cáo về vụ rửa tiền tại ngân hàng Danske Bank được đưa ra sau khi EU kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát mới chuyên trách chống tội phạm tài chính.

Liên quan tới bê bối tại ngân hàng lớn nhất Đan Mạch, giá cổ phiếu của Danske Bank đã giảm gần 9% (xuống còn 144,40 kroner/cổ phiếu) trong phiên giao dịch hôm 5-10 tại sàn giao dịch chứng khoán Copenhaghen.

Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Danske Bank đã trượt giá tới gần 40%. Hơn 2 tháng trước (4-10), Danske Bank thông báo, họ đang phối hợp với Bộ Tài chính Mỹ mở cuộc điều tra về vụ bê bối nghi là rửa tiền có tổng giá trị khoảng 200 tỷ euro trong giai đoạn 2007-2015 với khoảng 15.000 khách hàng.

Giám đốc điều hành tạm thời của Danske Bank là Jesper Nielsen khẳng định, họ đang nỗ lực hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ các cuộc điều tra có liên quan tới họ.

Cơ quan giám sát thị trường tài chính Đan Mạch cũng đã yêu cầu Danske Bank lập khoản dự trữ khoảng 10 tỷ kroner (1,3 tỷ USD) đề phòng nguy cơ phá sản do vụ bê bối kể trên.

Hơn 3 tháng trước (17-9), Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã quyết định mạnh tay đối với ngân hàng Credit Suisse - ngoài án phạt, FINMA còn yêu cầu họ phải tăng cường các nỗ lực chống rửa tiền và giao cho "bên độc lập thứ 3" kiểm tra hiệu quả của các biện pháp này. Theo kết quả điều tra của FINMA, trong giai đoạn 2006-2016, khi làm việc với FIFA, ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ này đã không làm đầy đủ các bước để xác định rõ ràng khách hàng của mình, cũng như xác định người thụ hưởng thật sự của tài khoản, cùng các quan hệ làm ăn có "nguy cơ tăng thêm".

Khắc Tuấn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/chau-au-chong-rua-tien-qua-ngan-hang-526585/