Châu Âu chia rẽ vì Huawei

Châu Âu có thể đánh giá cao sự giúp đỡ của Mỹ đối với bảo mật an ninh nhưng sẽ chần chừ khi tẩy chay Huawei.

Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc đã "bám rễ" ở châu Âu hàng chục năm nay, coi đây là thị trường béo bở bên cạnh thị trường Mỹ với sự cạnh tranh gay gắt của SamSung và Apple.

Huawei đang phải đối mặt sức ép gia tăng từ châu Âu. Ảnh minh họa một buổi ra mắt sản phẩm công nghệ của Huawei.

Tuy nhiên, gần đây, Huawei đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay từ các khách hàng châu Âu mà phần lớn là do sức ép từ phía Mỹ.

Nhà báo Laurens Cerulus trên trang tin Politico phiên bản châu Âu cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Washington đã thúc ép các đồng minh EU thông qua các đại sứ của mình để có lập trường mạnh mẽ hơn đối với các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 12/12 đã công khai cáo buộc Chính phủ Trung Quốc “hack” chuỗi khách sạn Marriot và đánh cắp thông tin của khoảng 500 triệu người.

Còn Christopher Krebs - một quan chức an ninh mạng cấp cao tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã tuyên bố trước các Thượng Nghị sĩ Mỹ rằng: "Khi chúng ta chuyển sang mạng 5G, điều quan trọng là nó mang đến cả những rủi ro".

Các đối tác trong nhóm tình báo Five Eyes của Mỹ cũng đã "có nhận thức chung ngày càng tăng về những rủi ro này". Ông Krebs cho biết thêm, Washington cũng đang tiếp cận với các đồng minh quốc tế khác về vấn đề này.

Nhóm đồng minh không ai khác là châu Âu.

Một số quốc gia hành động theo lời cảnh báo an ninh của Mỹ như Canada, New Zealand, Australia và Anh.

Một số quốc gia khác phản ứng "khiên cưỡng" theo lời cảnh báo được phát đi từ Washington đối với công nghệ Trung Quốc. Đây được coi là một cuộc Chiến tranh Lạnh khác - lần này là về công nghệ thông tin.

Nhóm "thuận theo ý Mỹ" như Anh. London đã hối thúc Huawei mở các sản phẩm để chính phủ kiểm tra. Các nước đồng minh như Bỉ cũng đang xem xét các bước đề phòng các nhà cung cấp Trung Quốc.

Ngay cả Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước cũng đã tranh luận về vấn đề này khi một quan chức hàng đầu tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) "nên lo lắng" về các công ty như Huawei.

Ở nhóm miễn cưỡng với Mỹ gồm có Đức. Berlin muốn có bằng chứng từ Mỹ rằng Huawei có nguy cơ về an ninh. Pháp, Bồ Đào Nha và một loạt các quốc gia Trung và Đông EU cũng không "răm rắp" nghe theo cảnh báo của Mỹ nữa.

Đức khẳng định rằng, các biện pháp kiểm tra an ninh của họ là đảm bảo và cho phép các nhà khai thác viễn thông chọn nhà cung cấp của họ.

Các công ty viễn thông lớn nhất của Đức cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác với Huawei để triển khai mạng thế hệ thứ năm - 5G.

Dẫu có sự chia rẽ ở châu Âu về mối lo an ninh đến từ Trung Quốc, phản ứng của châu Âu đối với các mối quan ngại về Huawei là: Hãy đưa ra bằng chứng, sau đó sẽ xem xét các hành động.

Rõ ràng là Huawei đã trở nên lớn mạnh ở châu Âu và nhiều người châu Âu chưa thấy lo ngại về vấn đề tới từ Tập đoàn Trung Quốc. Điều này càng khiến Washington phải định hướng chính trị nhiều hơn với Brussels.

Quay lưng từng phần

Cuối cùng, các chính phủ châu Âu cũng "khiên cưỡng" theo ý của Mỹ dưới một mức độ "chấp nhận được".

Mới nhất là tại Pháp, nhà mạng Orange cho hay họ sẽ không dùng thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 5G. Tuyên bố đưa ra dường như nhằm ủng hộ quyết định của Tập đoàn BT Group của Anh quay lưng với các thiết bị Huawei.

Pháp có biện pháp bảo vệ nhiều thành phần quan trọng của mạng lưới viễn thông. Paris hiện xem xét bổ sung nhiều mặt hàng vào danh sách “cảnh báo cao độ” có ý nhắm đến Huawei.

Ở Đức, Deutsche Telekom tuyên bố khả năng bỏ dùng thiết bị của hãng Trung Quốc.

Hôm 14/12, chính phủ Na Uy tuyên bố đang cân nhắc lo ngại xoay quanh việc sử dụng các nhà cung ứng từ nhiều nước vốn dĩ không có sự hợp tác nào về mặt chính sách an ninh với Na Uy. Đơn cử ở đây là Trung Quốc.

Cùng với sự cắm rễ lâu năm của Huawei, việc tẩy chay Huawei trong thời điểm này khiến châu Âu tiêu tốn hàng chục tỉ USD trong các kế hoạch xây dựng mạng lưới di động thế hệ thứ năm (5G).

Ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách công Global Public Policy Institute (trụ sở Berlin, Đức) nhận xét: "Châu Âu vẫn đang chia rẽ về vấn đề Huawei, nhưng xu hướng đang dịch chuyển khá rõ ràng khi các chuyên gia ở Mỹ đang gây áp lực lên đồng minh trong việc chặn Huawei".

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-chia-re-vi-huawei-3371597/