Châu Âu chia rẽ về thành lập quân đội riêng, hay chỉ là nước cờ đơn độc của Pháp?

Ý tưởng thành lập quân đội riêng của châu Âu được Pháp và Đức ủng hộ, nhưng thái độ các nước còn lại có tương tự?

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Europe One, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại lần nữa đề cập tới ý tưởng hình thành "Quân đội châu Âu".

"Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga, thậm chí là Mỹ", ông Macron nhấn mạnh. "Khi Tổng thống Donald Trump nói muốn rút khỏi một hiệp ước giải giáp vũ khí được hình thành sau cuộc khủng hoảng tên lửa những năm 1980 mà châu Âu chịu ảnh hưởng – ai sẽ là nạn nhân chính? Châu Âu và an ninh của mình".

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ Nhất, diễn ở Paris ngày 10/11/2018 (ảnh: Sputnik)

Tuyên bố của ông Macron nhận được sự đồng tình từ Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13/11. Trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), bà Merkel cho biết: "Chúng ta phải nhìn vào viễn cảnh về một lực lượng quân đội châu Âu… Châu Âu phải tự nắm chắc vận mệnh của mình".

"Chỉ một châu Âu thống nhất mới có thể đủ mạnh để có tiếng nói trên trường quốc tế", bà Merkel khẳng định, đồng thời kêu gọi các nước EU "tìm ra những giải pháp chung trong các lĩnh vực mà các hiệp ước cho phép".

Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga, thậm chí là Mỹ

Emmanuel Macron

Về phần mình, Tổng thống Trump gọi ý tưởng của người đồng cấp nước Pháp là "sỉ nhục". "Emmanuel Macron đề xuất xây dựng quân đội riêng để bảo vệ châu Âu trước Mỹ, Trung Quốc và Nga", ông Trump tỏ ra gay gắt trên Twitter hôm 12/11. "Nhưng chính Đức có vai trò chính trong Thế chiến Một và Hai – Điều này có ý nghĩa gì với Pháp? Họ bắt đầu học tiếng Đức ở Paris trước khi Mỹ xuất hiện. Hãy trả tiền cho NATO hoặc là không gì hết".

Ý định về lực lượng quân đội châu Âu đang được nhắc tới nhiều hơn trong những năm gần đây.

"Về lâu dài, chúng ta cần một lực lượng quân đội châu Âu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker viết trên Twitter ngày 20/5/2014. Tháng 9 năm ngoái, ông Jucker thậm chí dự đoán "đến năm 2025, EU cần có một lực lượng phòng vệ đã đi vào hoạt động".

Tháng Sáu năm nay, bà Merkel bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của ông Macron và cho hay, "một lực lượng can thiệp như vậy với chiến lược quân sự chung, phải phù hợp với cơ cấu hợp tác phòng thủ". Cùng tháng đó, 9 nước EU – Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – đã tham gia Sáng kiến can thiệp châu Âu. Đây là một lực lượng quân đội châu Âu nhằm phản ứng với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng, mà không cần đến sự hỗ trợ từ NATO hoặc Washington.

không ai có thể thực sự tưởng tượng ra tình huống với một NATO hoặc một cơ cấu quân sự đáng tin cậy tại châu Âu – mà không có Mỹ.

Alexander Mercouris

Theo Alexander Mercouris, Tổng biên tập của trang tin chính trị The Duran, việc thành lập quân đội châu Âu "phần nào" có khả thi trong thời điểm hiện tại: "Tôi không thể tưởng tượng được Pháp và Đức hoàn toàn sáp nhập quân đội để có một lực lượng quân Pháp – Đức. Nhưng có thể sẽ có một hiệp định quân sự của Pháp và Đức, độc lập với NATO và bên ngoài cơ cấu NATO".

Tuy nhiên, Mercouris cảnh báo, không chỉ Mỹ, mà cả Anh cũng sẽ phản đối ý tưởng của Tổng thống Macron.

Còn Peter Kuznick, giáo sư lịch sử kiêm giám đốc Học viện nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Mỹ lại không hài lòng khi chủ đề nhạy cảm trên được nhắc tới vào dịp kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ Nhất. "Tôi muốn nghe mọi người nói về hòa bình, hơn là xây dựng quân đội mới", ông cho biết. Ông cũng phân tích, chính việc châu Âu bị mất niềm tin vào chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Donald Trump, đã góp phần dẫn tới ý tưởng thành lập quân đội châu Âu. Ngoài ra không thể không kể đến thái độ thù địch của Mỹ với các sáng kiến do châu Âu đề xuất, từ Thỏa thuận biến đối khí hậu Paris cho tới Thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…

NATO không đủ để bảo vệ châu Âu?

Nhà báo Mercouris lưu ý, các cơ cấu quân sự thay thế tại châu Âu không phải là câu trả lời cho những căng thẳng gia tăng với cả Mỹ và Nga. Thay vào đó, các nước châu Âu nên nỗ lực xây dựng một cộng đồng lớn hơn vì hòa bình và tránh xa chiến tranh.

Trong khi đó, Kuznick không cho rằng, các thành viên EU khác sẽ nghiêm túc cân nhắc ý tưởng của Pháp và Đức, bất chấp lời kêu gọi về một châu Âu thống nhất từ ông Macron khá thích hợp với thời điểm hiện tại.

Sau khi bà Merkel tuyên bố không ra tiếp tục tranh cử vào năm 2021, theo Mercouris, Tổng thống Macron đang cố gắng hành động và thay thế vị trí của bà Merkel để trở thành nguyên thủ lãnh đạo của châu Âu.

"Nếu chúng ta đang nói về một sự thay thế cho NATO, tôi cho rằng, không ai có thể thực sự tưởng tượng ra tình huống với một NATO hoặc một cơ cấu quân sự đáng tin cậy tại châu Âu – mà không có Mỹ", Mercouris nói.

"Có các lý do nguy hiểm cho sự tái vũ trang này giữa các cường quốc lớn, bao gồm cả phát triển thế hệ vũ khí hạt nhân mới", Kuznick cảnh báo. "Thế giới đã trở thành một nơi rất đáng sợ, và chúng ta vẫn chưa học được bài học lịch sử nào".

Giáo sư trường Đại học Mỹ chỉ ra, Tổng thống Macron mô tả Thế chiến thứ Nhất là vì "các giá trị toàn cầu", trong khi thực tế, đây là cuộc chiến vì lợi ích giữa các đế quốc châu Âu. Còn theo Mercouris, "một loạt các cuộc khủng hoảng không thể giải quyết" đã khiến Thế chiến thứ Nhất bùng nổ; trong đó giới lãnh đạo các nước đã không thể, hoặc không sẵn lòng gìn giữ nền hòa bình chung.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chau-au-chia-re-ve-thanh-lap-quan-doi-rieng-hay-chi-la-nuoc-co-don-doc-cua-phap-20181114102220962.htm