Châu Âu chỉ lo thân mình trước trừng phạt Iran

Các nước châu Âu đã gửi tới Mỹ yêu cầu chung được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran.

Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker đã tuyên bố rằng, Châu Âu sẽ đứng lên độc lập và không phụ thuộc vào Mỹ, dư luận chờ đợi những hành động thực tế rõ ràng của châu Âu.

Tuy nhiên, thay vì phản ứng mạnh mẽ liên quan đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước này và cả các nước liên quan nếu có hợp tác làm ăn thì EU chỉ phát đi yêu cầu Mỹ miễn trừ khỏi danh sách trừng phạt.

Châu Âu muốn Mỹ miễn trừ trừng phạt vì Iran

Pháp, Anh, Đức và EU ngày 6/6 đã gửi tới Mỹ một yêu cầu chung chính thức để các công ty châu Âu được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran.

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: "Với tư cách là các đồng minh, chúng tôi mong rằng Mỹ sẽ kiềm chế những hành động gây tổn hại tới lợi ích an ninh của châu Âu."

Các nước châu Âu hy vọng Mỹ "tôn trọng quyết định chính trị" của châu Âu, và khẳng định niềm tin là thỏa thuận hạt nhân Iran là "phương tiện tốt nhất để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân".

Việc EU phát đi yêu cầu mềm mỏng, lấy vị trí đồng minh của mình để hưởng các quyền lợi của một đồng minh Mỹ dường như mâu thuẫn với những tuyên bố trước đó.

Đáng chú ý là Châu Âu đã gửi đi yêu cầu miễn trừng phạt Iran tới Mỹ khi họ đang có những hợp đồng kinh tế lớn với quốc gia này.

Nước Đức là nguồn xuất khẩu số 1 trong Liên Âu sang Iran, với tổng kim ngạch xuất khẩu sang Iran trong năm 2017 lên tới 3 tỉ euro, cao gấp đôi so với của Pháp. Bộ trưởng Tài Chính Đức Peter Altmaier ngày 22/05/2018 phải nhìn nhận là các tập đoàn của Đức sẽ "bị vạ lây" từ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào Iran.

Đứng đầu trong số đó là các công ty dược phẩm, các nhãn hiệu nổi tiếng trong ngành công nghiệp Đức, như Siemens hay Daimler.

Ý đứng thứ hai với 1,7 tỉ euro xuất hàng cho Iran.

Về thứ ba là Pháp với 1,5 tỉ euro. Tổng số vốn đầu tư của Pháp vào Iran năm 2017 đạt 2,5 tỉ euro, tăng gấp ba lần so với thời điểm trước khi hiệp định hạt nhân Vienna được ký kết.

Từ đầu năm 2016, đã có 300 doanh nghiệp Pháp đăng ký hoạt động tại Iran. Từ hãng xe Renault, Peugeot đến tập đoàn dầu khí Total đã ồ ạt đầu tư vào Iran. Riêng Total đã chi ra hơn 1 tỉ USD trong khâu đầu tiên của dự án khai thác mỏ khí đốt South Pars có khả năng cung cấp 400.000 thùng mỗi ngày với hai đối tác là tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia Iran NIOC và CNCP của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực công nghệ chế tạo máy bay, tập đoàn châu Âu Airbus cũng đã ký hợp đồng với hai hãng hàng không Iran Air và Zagos Airlines, bán 100 chiếc máy bay. Tổng trị giá lên tới gần 21 tỉ USD theo như giá rao bán.

Các dự án khổng lồ từ châu Âu đổ vào Iran đã khiến cho các quyết định chính trị, an ninh châu Âu mang sắc thái bảo hộ cho doanh nghiệp của mình. Châu Âu thừa hiểu rằng, họ có lợi thế là đồng minh Mỹ trong nhóm P5+1 và sẵn sàng làm những điều có lợi nhất cho EU.

EU muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân và miễn bị Mỹ trừng phạt

Trong khi đó, EU chỉ bày tỏ quan điểm của mình một cách trung lập đối với tình hình ở Iran.

Trong một tuyên bố mới nhất, người phát ngôn về Chính sách đối ngoại EU, bà Federica Mogherini ̣̣cho biết, theo đánh giá sơ bộ của EU, các biện pháp mà Iran đã cam kết thực hiện trong các hoạt động hạt nhân không vi phạm Kế hoạch hành động chung toàn diện.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng các biện pháp như vậy trong điều kiện nhạy cảm hiện tại sẽ không giúp xây dựng niềm tin vào bản chất chương trình hạt nhân của Iran.

EU khẳng định với Iran sẽ duy trì thỏa thuận nhưng vẫn đề phòng trừng phạt Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết quyết định gần đây của Iran về các hoạt động hạt nhân không có nghĩa là họ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với P5 + 1 và kêu gọi tất cả các bên tham gia thỏa thuận này không tiến tới leo thang. Tổng thống Pháp cho biết ông muốn Iran ở lại thỏa thuận và nhấn mạnh rằng 'không có dấu hiệu' cho thấy Iran đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hồi tháng trước.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên liên quan ổn định tình hình để tránh leo thang căng thẳng dẫn đến nguy cơ xung đột.

Dẫu phản ứng của Thủ tướng Israel - người có quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran - là cần phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các bước tiến về hạt nhân của Iran, nhưng Tổng thống Pháp cũng hát đi thông điệp kêu gọi các đối tác và đồng minh tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy ổn định khu vực bằng cách duy trì thỏa thuận.

Lời khẳng định chắc chắn vào việc duy trì thỏa thuận hạt nhân và yêu cầu Mỹ miễn trừ các biện pháp trừng phạt là phương án tối ưu nhất mà EU lựa chọn. Đối với Brussels, biện pháp này là không gây thiệt hại nhất với nền kinh tế của mình.

EU cũng vừa mới thông báo sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 7.

Mức thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD).

Động thái này nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế suất mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu từ EU. Theo đó, mức áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sau hai tháng tạm miễn.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chau-au-chi-lo-than-minh-truoc-trung-phat-iran-3359570/