Châu Âu cận kề khủng hoảng năng lượng

Nếu Nord Stream 1 không được hoạt động lại vào cuối tuần, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể nhấn chìm châu Âu. Khối này vẫn đang xoay xở với đợt nắng nóng kỷ lục.

Theo CNN, châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện có thể xảy ra vào cuối tuần này.

Theo kế hoạch, đường ống Nord Stream 1 - huyết mạch quan trọng đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu - sẽ được mở lại vào ngày 21/7 sau khoảng thời gian bảo trì kéo dài 10 ngày.

Tuy nhiên, nguy cơ Nga kéo dài thời gian bảo trì hoặc dừng hoạt động của đường ống dẫn khí đang tăng lên. Moscow có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) kể từ cuối tháng 2.

 Châu Âu có thể rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt. Ảnh: Reuters.

Châu Âu có thể rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt. Ảnh: Reuters.

Kịch bản xấu nhất

Hồi đầu tháng, ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cho biết Đức đang "chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất".

"Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra", CNN dẫn lời ông Habeck nhận định.

Nord Stream 1 cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt/năm cho châu Âu, chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Giới quan sát không loại trừ kịch bản Moscow cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu.

Đức đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra

Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức

Trên thực tế, Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt sang một số nước châu Âu. Tháng trước, Đức tuyên bố "một cuộc khủng hoảng khí đốt" sau khi tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cắt giảm 60% lượng khí đốt xuất khẩu qua ống dẫn.

Lý do được Gazprom đưa ra là phương Tây chậm trả các tuabin họ gửi đi vì đòn trừng phạt. Hôm 18/7, công ty phân phối khí đốt Uniper (Đức) cho biết đã nhận được thư yêu cầu sự cố bất khả kháng từ phía Gazprom.

Với điều khoản sự cố bất khả kháng, các bên có thể được miễn khỏi trách nhiệm pháp lý hoặc bổn phận khi những sự kiện, tình huống bất ngờ, nằm ngoài kiểm soát như thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, nói với CNN, phát ngôn viên của Uniper cho biết đã bác bỏ yêu cầu từ phía Gazprom. Hôm 18/7, công ty phải rút 2 tỷ euro (2,04 tỷ USD) từ khoản vay với ngân hàng KfW. Hoạt động của Uniper bị ảnh hưởng do tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga.

Nắng nóng bao trùm

Theo CNN, cuộc khủng hoảng khí đốt có thể xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất của châu Âu. Nắng nóng kỷ lục đang bao trùm châu lục. Nhiều khu vực tại Pháp và Tây Ban Nha đối mặt với các vụ cháy rừng khi nhiệt độ dự kiến tăng vượt 40 độ C.

Theo Daily Mail, hơn 1.000 người chết trên khắp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha do nắng nóng vượt quá mức chịu đựng của con người.

Nắng nóng dữ dội đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện. Tuần trước, Enagas - công ty điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Tây Ban Nha - cho biết nhu cầu khí đốt tự nhiên để sản xuất điện đã lập đỉnh mới 800 GWh.

"Nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên để sản xuất điện tăng mạnh chủ yếu do nhiệt độ cao vì đợt nắng nóng", Enagas tuyên bố.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lạc quan hơn nhờ các nguồn năng lượng thay thế của châu Âu. Thêm vào đó, đợt nắng nóng có thể kết thúc vào giữa tuần.

"Mức tiêu thụ điện ở EU sẽ tăng nhẹ trong tuần này. Người tiêu dùng sử dụng nhiều điều hòa không khí hơn trong đợt nắng nóng. Tuy nhiên, điều này có thể thuyên giảm phần nào nhờ vào nguồn cung năng lượng mặt trời đạt kỷ lục", ông Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group - nói với CNN.

Trong khi đó, các nước châu Âu đang gấp rút dự trữ khí đốt nhằm tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong mùa đông.

Nắng nóng kỷ lục đang bao trùm châu Âu. Ảnh: Reuters.

Theo ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những tháng tới sẽ là "giai đoạn rất quan trọng" để gia tăng nguồn cung của khối.

"Nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên trước khi châu Âu có thể nâng mức dự trữ lên 90%, tình hình sẽ còn nghiêm trọng và nan giải hơn nữa", ông cảnh báo.

Theo Cơ quan Hạ tầng Khí đốt Châu Âu, mức dự trữ khí đốt của EU hiện đạt khoảng 64%.

Khi dòng chảy khí đốt từ Nga sụt giảm, EU đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung từ những quốc gia khác. Hôm 18/7, Ủy ban châu Âu đã ký một bản ghi nhớ (MOU) với Azerbaijan nhằm tăng gấp đôi công suất của tuyến đường vận chuyển khí đốt quan trọng trong vài năm tới.

Theo dữ liệu của Intercontinental Exchange, hôm 18/7, giá khí đốt tự nhiên Hà Lan (tiêu chuẩn châu Âu) đã tăng 3% so với ngày 15/7 lên 165 euro/MWh (167 USD/MWh).

Đầu tháng này, giá khí đốt đã tăng lên 183 euro/MWh (186 USD/MWh), mức cao nhất kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine. Lo ngại về khả năng các nguồn cung khí đốt chính bị gián đoạn đã đẩy giá lên cao. Tính từ đầu năm, giá khí đốt ghi nhận mức tăng 129%.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-au-can-ke-khung-hoang-nang-luong-post1337181.html