Châu Âu băn khoăn kế hoạch trừng phạt Nga vì Navalny

EU có rất ít các dữ liệu về vụ việc của ông Navalny nên chưa thể chọn ra danh sách các cá nhân Nga phải chịu trách nhiệm.

Thông tấn TASS dẫn các nguồn tin ngoại giao tại EU cho biết, Liên minh châu Âu có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì những nỗ lực ngăn chặn "một cuộc điều tra minh bạch" liên quan đến vụ việc của ông Navalny.

Nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny.

Nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny.

Được biết, trước đó, EU đã định trừng phạt Nga vì "sử dụng vũ khí hóa học" liên quan đến trường hợp của ông Navalny. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao của 27 nước châu Âu đã không thấy được các bằng chứng hay cá nhân nào có liên quan để... đưa vào danh sách trừng phạt.

Sau cuộc họp 27 Ngoại trưởng ở Luxembourg, các nhà ngoại giao nhận thấy họ có thể chuyển hướng việc trừng phạt, thay vì "sử dụng vũ khí hóa học" thành việc Nga đã nỗ lực ngăn chặn cuộc điều tra minh bạch trong trường hợp của ông Navalny.

EU đang phải đối mặt với vấn đề pháp lý khi thiếu các nghi phạm để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cáo buộc liên quan đến vụ việc Navalny.

Để tránh vấn đề này, các nước EU đang xem xét khả năng tạo ra một cơ chế riêng nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Nga vì nỗ lực ngăn chặn "một cuộc điều tra minh bạch" về vụ Navalny thay vì đặc biệt là "sử dụng vũ khí hóa học".

Một nguồn tin khác khẳng định, EU chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga vì vụ việc của ông Navalny. Danh sách đang được chuẩn bị và sẽ đưa ra vào cuộc họp ở Brussels vào thứ 4 tuần này.

"Ngoại trưởng của 27 thành viên EU đã thông qua một quyết định chính trị nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các thể nhân hoặc pháp nhân được coi là chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexey Navalny.

Các bộ trưởng đã thông qua một quyết định chính trị nhằm đưa ra những hạn chế đối với những người chịu trách nhiệm đầu độc ông Navalny" - nguồn tin nói.

Về phản ứng của EU liên quan đến trường hợp Alexei Navalny, châu Âu đã rất nhiều lần đề cập đến. Từ cảnh báo, đe dọa và ra tuyên bố "chuẩn bị" nhưng đến nay vẫn đang tiếp tục thảo luận. Các cáo buộc đưa ra nhằm vào Nga cũng rất mơ hồ, đặc biệt là liên quan đến chất độc sử dụng nhằm vào ông Navalny.

Trước đó, hôm 6/10, Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) xác nhận rằng, các dấu ấn sinh học của chất ức chế cholinesterase được tìm thấy trong các mẫu máu và nước tiểu của ông Navalny có đặc điểm cấu trúc tương tự như các hóa chất độc hại được thêm vào Phụ lục của Công ước về Vũ khí Hóa học vào tháng 11/2019. Đây là chất được đưa vào danh sách sau khi xảy ra vụ việc liên quan đến nhà điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái.

Tuyên bố của OPCW cũng cho thấy, chất ức chế cholinesterase này là không được liệt kê trong Phụ lục về Hóa chất của Công ước.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhắc lại rằng cả Đức và OPCW đều không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho Nga. Và hơn nữa, họ chỉ tiếp tục đẩy quả bóng trách nhiệm qua nhau. Vị Bộ trưởng nói thêm rằng, Đức đã phớt lờ bốn yêu cầu của Văn phòng Tổng công tố Nga về vụ việc, gạt bỏ luật pháp quốc tế sang một bên. Ông Lavrov tin rằng, cuối cùng thì "bằng chứng" sẽ không được Berlin cung cấp.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhiều lần nói rằng Nga sẵn sàng hợp tác toàn diện với Đức. Ông chỉ ra rằng không có chất độc nào được phát hiện trong cơ thể của ông Navalny trước khi chuyển đến Berlin.

Trước đó vào cùng ngày Nga xuất bản các tin tức về lệnh trừng phạt của EU liên quan đến trường hợp của ông Alexei Navalny thì EU cũng đã gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan tới việc sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học, bao gồm cả những biện pháp liên quan đến vụ ngộ độc của Sergei và Yulia Skripal.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào EU đối với các cá nhân và pháp nhân, cũng như đóng băng tài sản của họ. Chúng được gia hạn đến ngày 16/10/2021.

Trước đó, năm 2018, Brussels đã thông qua một cơ chế mới để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại "những người liên quan đến việc phát triển và sử dụng vũ khí hóa học ở bất cứ đâu, bất kể quốc tịch và địa điểm của họ".

Các hạn chế bao gồm lệnh cấm vào EU và đóng băng tài sản. Ngoài ra, các công dân và tổ chức ở Liên minh châu Âu bị cấm cung cấp tiền cho những người bị hạn chế. Đại diện các nước châu Âu cho biết, các biện pháp mới được thực hiện "trong khuôn khổ thực thi các hành động trong lĩnh vực an ninh sau vụ việc ở Salisbury của Anh".

Đến nay, EU đã liên tục duy trì các biện pháp trừng phạt Nga và vụ việc của ông Navalny xảy ra như một sự trùng hợp để củng cố cho các quyết định gia hạn trừng phạt nhằm vào Moscow.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-ban-khoan-ke-hoach-trung-phat-nga-vi-navalny-3420536/