Châu Âu: Anh rối, Pháp loạn, Đức mông lung

Đó là những gì người ta cảm nhận được về châu Âu, khu vực từng được coi là bình ổn và phát triển bậc nhất thế giới.

Ngày 25/11, các điều khoản của thỏa thuận Brexit và Tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ EU - Vương quốc Anh hậu Brexit đã được EU thông qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nội bộ nước Anh bị chia rẽ sâu sắc, việc thuyết phục Hạ viện phê chuẩn dự thảo này đang tỏ ra là “nhiệm vụ bất khả thi” dành cho Thủ tướng Theresa May.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Getty)

Thỏa thuận Brexit hiện vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sỹ đảng đối lập và nội bộ đảng cầm quyền. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson hay cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab đều cho rằng dự thảo nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ và bà May trong hai năm đàm phán.

Hiện bà May đang làm tất cả những gì có thể để cứu vãn dự thảo Brexit và chiếc ghế Thủ tướng. Song nỗ lực của bà có đơm hoa kết trái hay không thì chỉ có Hạ viện Anh ngày 11/12 tới mới có câu trả lời.

Trong khi đó, tại Pháp, phong trào phản đối thuế xăng dầu ở Paris đã leo thang thành bạo lực sau nhiều ngày kéo dài, khiến cho giao thông toàn thành phố tê liệt, buộc cảnh sát phải sử dụng vòi rồng và lựu đạn cay để giải tán đám đông. Quan trọng hơn, nó đang dần chuyển thành một chiến dịch phản đối Tổng thống Emmanuel Macron cùng tầng lớp người giàu tại Pháp.

Những bất ổn kéo dài đang thách thức nghiêm trọng uy tín của Tổng thống Macron, khiến tỷ lệ ủng hộ của ông tụt xuống còn 25%, thấp nhất từ trước đến nay. Là nước chứng kiến việc ký kết Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu 2015, Pháp muốn chứng tỏ vị thế đi đầu trong chống biến đổi khí hậu, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đầu tư cho năng lượng sạch. Tuy nhiên, chính sách này bị cho là dành ưu ái cho giai cấp giàu có và vô cảm trước khó khăn của người dân Pháp.

Thêm vào đó, Tổng thống Macron đang trở thành tâm bão giận dữ của những người “áo vàng” khi lo ngại biểu tình có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của nước Pháp. Hành động này chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”, khi nhiều người cho rằng ông quan tâm tới xây dựng hình ảnh hơn là giải quyết vấn đề thiết yếu của người dân.

Một thành viên cốt cán khác của EU là Đức lại đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của đảng cầm quyền. Cuộc họp của đảng CDU diễn ra ngày 7/12 tới sẽ quyết định người thay bà Angela Merkel đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Đảng. Mặc dù bị thất thế trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, song CDU vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất Đức và khó có khả năng bị lật đổ. Do đó, người chiến thắng trong cuộc chạy đua vị trí Chủ tịch Đảng sẽ có nhiều cơ hội trở thành Thủ tướng một khi bà Merkel mãn nhiệm năm 2021.

Hiện Tổng Thư ký của CDU Annegret Kramp-Karrenbauer đang là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch. Là đồng minh thân cận, có nhiều năm làm việc cùng bà Merkel, bà Annegret nhận được 38% sự ủng hộ, vượt trội so với những đối thủ khác là ông Friedrich Merz (29%) và Bộ trưởng Bộ Y Tế Jens Spahn (6%). Thêm vào đó, nếu bà Annegret đảm nhiệm chức Chủ tịch và có thể là Thủ tướng, nước Đức và thế giới sẽ không mất thời gian làm quen với người đã thấm nhuần tư tưởng và phong cách lãnh đạo của bà Merkel.

Không ai biết chắc tình cảnh Anh rối, Pháp loạn, Đức mông lung sẽ kéo dài đến khi nào. Nhưng dù kết thúc sớm hay muộn, một “Ngôi nhà chung” châu Âu ổn định và phát triển vẫn là điều mà tất cả các quốc gia thành viên mong muốn.

Hải Yến

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chau-au-anh-roi-phap-loan-duc-mong-lung-82523.html