Châu Á với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

Điều gì xảy ra với chính sách của Mỹ tại Châu Á nếu đảng Dân chủ giành lại Hạ viện hoặc Thượng viện?

Đảng Dân chủ có khả năng giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Ảnh: Diplomat

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp tới, nhiều chuyên gia dự đoán, đảng Dân chủ sẽ giành lại Hạ viện cũng như có cơ hội rất lớn tại Thượng viện.

Lợi thế của đảng Dân chủ

Hiện cả hai viện của Quốc hội đều nằm trong tay đảng Cộng hòa, nhưng nhiều đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện sắp nghỉ hưu trong khi các ứng viên đảng Dân chủ mạnh mẽ có thể giúp đảng này giành lại thế đa số.

FiveThirtyEight, trang mạng phân tích và dự báo nổi tiếng nhất, cho rằng, đảng Dân chủ có 85% cơ hội thắng cử tại Hạ viện, và khoảng 20% cơ hội chiếm lại Thượng viện. Đảng Dân chủ chiếm lại Hạ viện có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách tại Châu Á. Mặc dù nhìn chung Quốc hội đã trì hoãn nhiều chính sách đối ngoại của tổng thống trong 2 thập kỷ qua, nhưng ở Châu Á, Quốc hội vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể - vì khu vực này thường bị các nhà hoạch định chính sách lơ là.

Với thế đa số của đảng Dân chủ tại Hạ viện, ứng viên có khả năng đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sẽ là Eliot Engel. Tuy nhiên, đảng viên Dân chủ nào sẽ tiếp quản các tiểu ban, bao gồm tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương, hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một số chủ đề liên quan đến Châu Á có khả năng xuất hiện tại hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo và một Ủy ban Đối ngoại do Chủ tịch đảng Dân chủ đứng đầu.

Tổng thống Trump sẽ bị đẩy vào thế khó?

Đảng Dân chủ có khả năng đẩy chính quyền Tổng thống Trump vào thế khó khăn hơn đối với việc giải thích và cống hiến các nguồn lực cho chiến lược "Ấn Độ Dương tự do và cởi mở", cũng như việc hồi sinh nguồn lực cho Bộ Ngoại giao đang ngày càng cạn kiệt.

Một số đảng viên Dân chủ cho rằng, chính quyền đã không giải thích đầy đủ về chiến lược "Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương tự do và cởi mở" sẽ được thực hiện chính xác như thế nào, và mục tiêu cuối cùng của nó là gì. Đảng Dân chủ có lẽ sẽ cố gắng mang lại sự ổn định hơn cho Bộ Ngoại giao, nơi đã chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh đạo cao cấp trong 2 năm qua, mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đã đề cử một chuyên gia Châu Á có uy tín và giàu kinh nghiệm, cựu Chuẩn Tướng Không Quân David Stilwell, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Đảng Dân chủ sẽ cố gắng làm như vậy, có thể, bằng cách tạo ra các cơ chế cho phép cựu sĩ quan ngoại giao cấp cao trở lại làm việc.

Đảng Dân chủ cũng có khả năng sẽ cố gắng sử dụng các phiên điều trần của các Ủy ban trong Hạ viện, vốn rất hiếm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng hòa, để tập trung vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Trump đã theo đuổi một chính sách đầy thách thức đối với Bắc Kinh, đảng Dân chủ không nhất thiết phải quay trở lại với cách tiếp cận khó khăn đó.

Tuy nhiên, đa số đảng viên Dân chủ có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn cho Nhà Trắng về sự khôn ngoan của chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc - chẳng hạn như liệu các chính sách này có phản tác dụng đối với nền kinh tế Mỹ hay không, hay nó có làm suy yếu nỗ lực của Washington trong việc tranh thủ Bắc Kinh để đối phó với Triều Tiên hay không. Đồng thời, một Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có khả năng ủng hộ chính sách Triều Tiên của Nhà Trắng, vì nhiều đảng viên Dân chủ tiến bộ ủng hộ các cuộc thảo luận với Bình Nhưỡng và muốn xây dựng một giải pháp ngoại giao với miền Bắc.

Thật vậy, Ủy ban đối ngoại của Hạ viện có thể tổ chức các phiên điều trần liên quan đến các vấn đề như biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với Châu Á, và các nỗ lực chống khủng bố ở Đông Nam Á.

AN BÌNH (Theo Diplomat)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_197257_chau-a-voi-cuoc-bau-cu-giua-nhiem-ky-cua-my.aspx