Châu Á ứng phó với đại dịch Covid-19 như thế nào?

Khi đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra diễn biến phức tạp và khó lường trên toàn cầu, các quốc gia châu Á, dù đã ghi nhận nhiều ca bệnh hay chưa phát hiện ca nhiễm nào, đều chủ động đưa ra biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Nhân viên y tế túc trực bên máy đo thân nhiệt hành khách được đặt trong sân bay Changi, Singapore. (Ảnh: Bloomberg)

Nhân viên y tế túc trực bên máy đo thân nhiệt hành khách được đặt trong sân bay Changi, Singapore. (Ảnh: Bloomberg)

Đông - Nam Á quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh

Theo tờ Straits Times, Đông - Nam Á đã ghi nhận hơn 3.200 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và các điểm nóng nhất tại khu vực này là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Philippines.

Với 1.183 ca bệnh, trong đó có chín ca tử vong, Malaysia đang là quốc gia có số người mắc Covid-19 cao nhất tại Đông - Nam Á. Nước này ngày 22-3 đã huy động quân đội thực thi lệnh hạn chế đi lại trong vòng hai tuần. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, động thái này được đưa ra sau khi một số người dân tiếp tục không tuân thủ các biện pháp hạn chế đi lại có hiệu lực từ thứ Tư vừa qua. “Cảnh sát cho biết 90% người dân tuân thủ, 10% còn lại không phải số nhỏ”, Bộ trưởng Ismail Sabri Yaakob nói thêm.

Đầu tuần này, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã ra lệnh kiểm soát các hoạt động đi lại và lệnh này có hiệu lực đến ngày 31-3. Các hoạt động tụ tập đông người, trong đó mọi các sự kiện tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hóa, đều bị cấm. Tất cả trường học và doanh nghiệp đều phải tại thời đóng cửa. Tuy nhiên, những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích vẫn được phép hoạt động.

Bộ Y tế Malaysia dự báo, số ca bệnh sẽ tăng đột biến vào tuần tới khi nước này truy tìm những người tham gia cuộc tụ tập tôn giáo diễn ra từ ngày 27-2 đến 1-3. Bộ này cam kết sẵn sàng hỗ trợ các nhà chức trách đẩy lùi mối đe dọa do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto, nước này vừa ghi nhận 64 ca nhiễm mới và 10 ca tử vong do SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 541 và ca tử vong lên 48. Indonesia là nước có nhiều người tử vong do Covid-19 nhất tại Đông - Nam Á.

Trong tình hình cấp bách hiện nay, Indonesia đã biến Làng vận động viên phục vụ Asian Games 2018 thành bệnh viện dã chiến với sức chứa hơn 4.000 người bệnh. Bốn trong 10 tòa nhà của Làng vận động viên ở thủ đô Jakarta đã được cải tạo để trở thành một cơ sở y tế có thể chứa hơn 7.000 người, gồm lực lượng chống Covid-19, nhân viên y tế và hơn 4.200 người bệnh. Tùy vào diễn biến dịch bệnh trong nước, giới chức Indonesia có thể sẽ tiếp tục cải tạo các tòa nhà trong Làng vận động viên thành cơ sở y tế. Nếu toàn bộ 10 tòa nhà trong Làng vận động viên được sử dụng thì 20 nghìn người bệnh sẽ có chỗ để chữa bệnh.

Bộ Y tế Philippines cùng ngày ghi nhận thêm 73 ca nhiễm, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên 380. Bộ này cũng thông báo thêm sáu ca tử vong liên quan đến Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 25.

Thái Lan cũng có thêm 188 ca bệnh Covid-19, đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày từng được ghi nhận tại nước này. Theo thông tin mới nhất, Thái Lan đã phát hiện tổng cộng 599 người bệnh, trong đó một người đã tử vong. Người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan Taweesin Wisanuyothin cho biết, phần lớn các ca nhiễm mới tại Thái Lan đều liên quan đến các trường hợp được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi xem một trận thi đấu quyền Anh. Ông Wisanuyothin cảnh báo, đa số ca nhiễm mới được phát hiện tại thủ đô Bangkok và họ là những người trẻ tuổi tham gia nhiều hoạt động xã hội. Do đó, nhà chức trách này hối thúc người dân Thái Lan nên ở nhà trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Chủ động bước vào “mặt trận” mới trong cuộc chiến với dịch bệnh

Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thấy nguy cơ lây nhiễm từ nước ngoài qua những số liệu gần đây và chủ động bước vào “mặt trận” mới trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, Hàn Quốc sẽ áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt tại sân bay đối với tất cả hành khách đến từ khu vực châu Âu và thậm chí yêu cầu những người có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 tự cách ly 14 ngày. Biện pháp sàng lọc này có hiệu lực từ 0 giờ ngày 23-3.

Cụ thể, tất cả công dân Hàn Quốc và người nước ngoài từ châu Âu nhập cảnh vào Hàn Quốc sẽ phải điền vào bản khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt tại sân bay. Sau đó, những người có triệu chứng mắc Covid-19 sẽ được làm xét nghiệm trong các cơ sở cách ly riêng biệt, trong khi những người không có triệu chứng sẽ được đưa tới chỗ ở tạm thời để chờ làm xét nghiệm tại cơ sở y tế gần Seoul. Nếu có kết quả dương tính, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, họ sẽ được đưa tới bệnh viện hoặc cơ sở điều trị triệu chứng nhẹ.

Nếu có kết quả âm tính, những người có dự định ở lại Hàn Quốc lâu dài sẽ được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong hai tuần. Giới chức sẽ đưa những người không có nhà ở tới các cơ sở do chính quyền địa phương bố trí. Trong khi đó, người nước ngoài đến từ châu Âu muốn lưu trú tại Hàn Quốc trong thời gian ngắn sẽ không bị cách ly nhưng sẽ được các nhà chức trách y tế kiểm tra tình hình sức khỏe hằng ngày.

Hàn Quốc khẳng định sẽ xử lý mọi trường hợp vi phạm quy định tự cách ly dù người vi phạm là công dân nước này hay người nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho những người nhập cảnh từ châu Âu tiến hành tự cách ly.

Ước tính, hôm nay hơn 8.500 người từ nước ngoài sẽ nhập cảnh vào Hàn Quốc, trong đó khoảng 1.000 người đến từ châu Âu. Tính đến đầu giờ chiều nay (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, nước này đã ghi nhận 98 ca nhiễm mới và hai ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Trong các ca nhiễm mới, có tám người đến từ châu Âu và năm người đến từ Mỹ. Đến nay, Hàn Quốc có 8.897 trường hợp nhiễm và 104 ca tử vong do chủng virus mới này. Theo KCDC, phần lớn các ca tử vong do Covid-19 tại Hàn Quốc là những người cao tuổi và có bệnh nền.

Sau khi ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên do Covid-19, Chính phủ Singapore cũng đưa ra biện pháp sàng lọc ca nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài nhập cảnh vào đảo quốc này. Theo Bộ Y tế Singapore, trong ba ngày qua, khoảng 80% số ca mắc Covid-19 mới ở nước này là từ bên ngoài, đa số là công dân Singapore và những người có thẻ cư trú dài hạn từ nước ngoài trở về. Đến nay, Singapore đã có 432 ca bệnh Covid-19, trong đó 140 trường hợp đã xuất viện và 14 trường hợp đang được điều trị tích cực.

Bộ Y tế Singapore thông báo từ 23 giờ 59 phút ngày 23-3 (giờ địa phương), tất cả khách lưu trú ngắn hạn sẽ không được phép nhập cảnh hay quá cảnh tại Singapore. Chỉ những người làm việc trong các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và vận tải đã được cấp thẻ làm việc (EP) và người đi theo (DP) được phép trở lại Singapore, nhưng sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày. Thời gian lệnh cấm này có hiệu lực còn tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ, thời gian và số lượng người Singapore từ nước ngoài trở về cũng như diễn biến dịch bệnh hằng ngày tại Singapore.

Từ đầu tháng 3-2020, khi tình hình dịch bệnh trong nước dần được kiểm soát, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược ứng phó sang ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài vào đại lục. Nhằm tăng cường ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài, bắt đầu từ ngày mai, mọi chuyến bay quốc tế đến Bắc Kinh sẽ hạ cánh tại một trong 12 sân bay khác bên ngoài thủ đô. Tại đây, các hành khách sẽ được sàng lọc virus SARS-CoV-2. Sau khi được xác nhận không mắc bệnh, hành khách sẽ lên máy bay tới Bắc Kinh. Trong khi đó, giới chức Thượng Hải và Quảng Châu đều thông báo mọi hành khách đến từ nước ngoài sẽ phải làm xét nghiệm RNA để sàng lọc các ca nhiễm virus.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc sáng nay cho biết, Trung Quốc đại lục ngày 21-3 đã xác nhận thêm sáu ca tử vong và 46 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong và ca bệnh tại nước này lên lần lượt là 3.261 ca và 81.054 ca. Trong số các ca nhiễm mới, chỉ có một trường hợp lây nhiễm trong nước, toàn bộ 45 ca còn lại là người từ nước ngoài đến. Hôm qua đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp TP Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc, không có thêm ca nhiễm mới nào.

Trung Á siết chặt biện pháp kiểm soát

Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Turkmenistan vừa công bố các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan khi số ca bệnh tại khu vực Trung Á tăng lên.

Chính phủ Kyrgyzstan, nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng gấp đôi (từ bảy ca lên 14 ca) trong ngày 21-3, đã công bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng, bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Nhà chức trách cũng thông báo tạm ngừng hoạt động giao thông công cộng ở thủ đô Bishkek. Nội các Kyrgyzstan hối thúc người dân hạn chế đi lại xuống mức thấp nhất, đồng thời khẳng định đã sẵn sàng phong tỏa các khu vực xuất hiện các ca nhiễm chủng mới của virus corona.

Tại Kazakhstan, quốc gia đã ghi nhận 53 ca bệnh, các nhà chức trách sẽ đóng cửa tất cả công viên tại Almaty, thành phố lớn nhất nước này. TP Almaty và thủ đô Nur-Sultan đều bị phong tỏa trong tuần này. Hai ngày qua, cảnh sát và quân đội Kazakhstan đã phong tỏa một số tòa chung cư có ca mắc Covid-19 tại TP Almaty.

Số ca bệnh tại Uzbekistan cũng thấp như các quốc gia Trung Á khác (37 trường hợp). Chính phủ nước này mới đây đã thông báo đóng cửa mọi địa điểm giải trí, quán trà và cấm tổ chức đám cưới quy mô lớn cũng như các nghi lễ khác của gia đình.

Dù chưa ghi nhận ca nhiễm nào nhưng Chính phủ Turkmenistan đã quyết định tạm ngừng mọi chuyến bay quốc tế. Theo những người địa phương đến và rời khỏi thủ đô Ashgabat, nhà chức trách có mặt tại các chốt kiểm tra trên khắp thành phố này để thông báo với người dân rằng những chuyến đi không quan trọng đều bị cấm.

Trước những biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch có hiệu quả của các quốc gia châu Á, truyền thông phương Tây đã phân tích những bài học mà thế giới có thể học hỏi từ châu Á. Đó là kinh nghiệm về hành động nghiêm túc và nhanh chóng, tiến hành xét nghiệm rộng rãi và chi phí xét nghiệm hợp lý, truy tìm người nghi nhiễm virus và cách ly, sớm có biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội, và liên tục cung cấp cho người dân thông tin về tình hình dịch bệnh...

HOÀNG HÀ

Tổng hợp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/ho-so-tu-lieu/item/43725902-chau-a-ung-pho-voi-dai-dich-covid-19-nhu-the-nao.html