Châu Á 'tuyên chiến' với rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển

Trung Quốc từng là quốc gia nhập khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới cho tới đầu năm 2018, khi chính phủ nước này ban hành lệnh cấm để bảo vệ môi trường cũng như chất lượng không khí. Không thể làm ăn tại Trung Quốc, nhiều nhà tái chế bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á.

Tại Malaysia, các lò tái chế rác thải nhựa mọc lên nhan nhản, thường là hoạt động không có giấy phép. Các lò đua nhau phả khói độc suốt ngày đêm. Rác thải chưa xử lý chất đống ngày một cao khi hàng mới từ các quốc gia xa xôi như Mỹ và Brazil vẫn liên tục đổ về. Mùi hôi thối bốc lên bao trùm nhiều nơi ở Malaysia không chỉ từ các hoạt động tái chế mà cả từ những hoạt động đốt rác thải kém chất lượng không thể tái chế. Trước tình hình đó, ngày 21-5, Reuters dẫn lời bà Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia tuyên bố nước này sẽ trả lại phế liệu nhựa không thể tái chế cho các nước phát triển. “Các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi”, Bộ trưởng Yeo Bee Yin khẳng định.

 Một cơ sở xử lý rác thải nhựa trái phép ở Malaysia. Ảnh: thestar.com

Một cơ sở xử lý rác thải nhựa trái phép ở Malaysia. Ảnh: thestar.com

Theo Reuters, Malaysia đã trả lại 5 container chất thải nhựa ô nhiễm nhập lậu về lại Tây Ban Nha. Bộ trưởng Yeo Bee Yin cho biết, nhiều tấn chất thải nhựa không thể tái chế sẽ được gửi trở lại nơi xuất xứ vào tuần tới. Theo Reuters, từ tháng 1 tới tháng 7-2018, số lượng chất thải nhựa nhập khẩu từ 10 quốc gia vào Malaysia đã tăng vọt lên 456.000 tấn so với 316.000 tấn trong năm 2017 và 168.500 tấn vào năm 2016. Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australia là những nhà xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu sang Malaysia.

Động thái của Chính phủ Malaysia được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel-công ước Liên hợp quốc về buôn bán và xử lý chất thải nhựa. Theo Công ước Basel sửa đổi được 180 nước thông qua, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Trong một thông cáo báo chí, Ban Thư ký Công ước Basel cho biết sửa đổi trên sẽ “khiến hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, trong khi bảo đảm rằng việc xử lý chúng sẽ an toàn với sức khỏe con người và môi trường”. “Sửa đổi Công ước Basel là bước đi đầu tiên để giải quyết tình trạng vận chuyển rác thải nhựa một cách không công bằng từ các nước phát triển gửi sang những nước đang phát triển", Bộ trưởng Yeo Bee Yin nhận định.

Trước đó, Philippines đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao tới Ottawa phản đối vụ rác thải chứa trong hơn 100 container chuyển từ Canada tới Philippines trong thời gian từ năm 2013 đến 2014. Theo tờ khai hải quan, các container này chứa rác thải nhựa nhập khẩu vào Philippines để tái chế. Tuy nhiên trên thực tế trong đó có cả rác thải sinh hoạt và điện tử. Cho đến nay, phía Canada vẫn khẳng định rằng đây là một giao dịch thương mại không được chính phủ hậu thuẫn. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố nước này sẽ duy trì giảm mức hiện diện ngoại giao ở Canada cho đến khi số rác thải trên được đưa trở lại Canada. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí đe dọa sẽ “tuyên chiến” với Canada nếu Ottawa không hành động và nhấn mạnh ông sẽ đích thân áp tải chuyển số rác thải trên trở lại Canada bằng đường biển.

Báo cáo của Liên minh toàn cầu các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và Hòa bình Xanh cho biết, không chỉ các cộng đồng ở Đông Nam Á “ngập lụt” vì rác thải nhựa mà ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia và châu Âu, rác thải nhựa cũng bắt đầu chất đống. Theo báo cáo, các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu rác thải phải kể đến gồm Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Sau khi Trung Quốc cấm nhập rác thải nhựa, các cơ quan quản lý rác thải tại các quốc gia này cũng đau đầu tìm cách “tẩu tán” chỗ rác thải nhựa hiện không có nơi nào tiếp nhận.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chau-a-tuyen-chien-voi-rac-thai-nhua-tu-cac-quoc-gia-phat-trien-574782