Châu Á trước cơn 'địa chấn dân số'

Già hóa dân số , tỷ lệ sinh giảm kỷ lục đã trở thành một vấn đề tại những nền kinh tế lớn của châu Á. Các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều đang đối diện với bài toán khó này. Đây đều là các nước có tỷ lệ già hóa dân số cao nhất tại châu Á.

"Địa chấn dân số" là một thuật ngữ được đặt ra bởi tác giả và nhà nhân khẩu học người Anh Paul Wallace. Ông đã sử dụng thuật ngữ này để chỉ sức tàn phá của quá trình già hóa dân số đối với một quốc gia với những hậu quả còn lớn hơn nhiều so với thảm họa tự nhiên như một trận động đất.

Dân số Trung Quốc sẽ giảm đến 50% trong vòng 45 năm tới

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 1-10 dẫn một nghiên cứu mới công bố dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm nhanh trong 45 năm tới. Dự báo dựa trên tỷ lệ sinh 1,3 con/phụ nữ vào năm ngoái, dưới mức 2 con/phụ nữ cần thiết để duy trì ổn định dân số hiện tại hơn 1,4 tỉ người. Nếu tỷ lệ sinh giảm xuống 1, dân số sẽ giảm 50% trong 29 năm. Theo các nhà nghiên cứu, những thông tin này đã cho thấy những thay đổi và xu hướng phát triển dân số trong tương lai ở Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc đang dần đánh mất lợi thế “dân số vàng”.

Theo kết quả điều tra dân số, năm 2020, số người từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc lên tới 264 triệu người, chiếm 18,7% dân số, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người, chiếm 13,5% dân số. Đáng nói là ở thời điểm có tỉ lệ người già như Trung Quốc hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc đều cao gấp 2,5 - 3 lần so với Trung Quốc. Mặt khác, dự kiến năm sau, Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số nghiêm trọng, khi tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% dân số. Như vậy, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% dân số chỉ trong 21 năm, mức nhanh nhất trên thế giới từ trước tới nay.

Từ nay đến năm 2050 được dự báo là thời kỳ cao điểm già hóa dân số ở Trung Quốc. Và đây cũng là thời kỳ then chốt của quá trình hiện đại hóa đất nước. Do đó, vấn đề già hóa dân số được xác định là một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc trong quá trình thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai, trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.

Khoảng 15% tăng trưởng kinh tế trong 20 năm qua, được cho là nhờ sự đóng góp của lý do “dân số vàng” này. Có thể nói Trung Quốc đã rất thành công trong khoảng thời gian qua nhờ tận dụng rất tốt lợi thế về quy mô và cơ cấu “dân số vàng”. Chính vì vậy, những lo ngại về mất cân đối cơ cấu dân số, sự già nhanh của xã hội, đang đặt áp lực lớn cho nước này. Bắc Kinh đang chịu áp lực cần thực hiện những biện pháp gồm từ bỏ các chính sách kế hoạch hóa gia đình, thay đổi mô hình kinh tế vốn dựa vào dân số khổng lồ và lực lượng lao động dồi dào, đồng thời lấp đầy những khoảng trống trong y tế và lương hưu.

Đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến việc sinh con, nhưng các chuyên gia cho rằng nhìn chung khó có khả năng tỷ lệ sinh tăng trở lại tại Trung Quốc, nhất là do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm. Sau hơn 35 năm thực hiện chế độ sinh 1 con, năm 2016 Trung Quốc cho phép sinh 2 con. Nhưng liên tiếp 4 năm, nước này ghi nhận trẻ em ra đời giảm mạnh theo từng năm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố kinh tế là lực cản chính với tỷ lệ sinh. Người dân không dám sinh con vì áp lực kinh tế gia tăng. Các dịch vụ nuôi con và chăm sóc con cũng thiếu nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy ở Trung Quốc, cứ mỗi mét vuông đất tăng 1.000 nhân dân tệ thì tỷ lệ người dân sinh 1 con giảm 2%, sinh 2 con giảm 5%.

Lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết Trung Quốc sẽ ban hành một loạt các giải pháp hỗ trợ kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn để khuyến khích sinh 3 con. Các chính sách đưa ra sẽ nhắm đến giảm chi tiêu trong thai sản, khám chữa bệnh, học hành. Ngoài ra, một dự án phát triển các trung tâm cộng đồng tại 150 thành phố để tạo ra 500.000 chỗ giữ trẻ cũng nằm trong kế hoạch 5 năm tới.

Hàn Quốc lần đầu tiên suy giảm dân số tự nhiên

Hồi tháng 2, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố dữ liệu cho thấy nước này lần đầu tiên ghi nhận suy giảm dân số tự nhiên trong năm 2020 trong bối cảnh phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp kéo dài. Theo số liệu sơ bộ, Hàn Quốc ghi nhận số trẻ chào đời trong năm 2020 ở mức thấp kỷ lục là 272.400 trẻ, giảm 10% so với năm 2019, trong khi số người tử vong lại ở mức cao kỷ lục là 305.100 người, tăng 3,4% so với năm 2019.

Do vậy, dân số nước này giảm 33.000 người trong năm 2020, đánh dấu năm đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận suy giảm dân số tự nhiên kể từ năm 1970 khi Cơ quan Thống kê nước này bắt đầu thu thập dữ liệu. Suy giảm dân số tự nhiên là tình trạng số người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra trong cùng một thời điểm

Ngoài ra, tổng tỷ suất sinh (TFR), tức là số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời, tại Hàn Quốc trong năm 2020 ở mức thấp kỷ lục mới là 0,84 con/phụ nữ, giảm so với 0,92 con/phụ nữ trong năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tổng tỷ suất sinh ở Hàn Quốc giảm dưới 1%.

Hàn Quốc cũng là nước duy nhất trong số 37 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) có tổng tỷ suất sinh dưới 1%. Kể từ năm 2018, tổng tỷ suất sinh trung bình ở các nước thành viên OECD là 1,63 con/phụ nữ. Tổng tỷ suất sinh thấp báo động nhiều vấn đề về nhân khẩu học, trong đó có sự sụt giảm lực lượng lao động do tỉ lệ sinh thấp.

Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ vượt qua ngưỡng của một "xã hội siêu già hóa" vào năm 2025. Khi đó, số người già từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 20% dân số. Trong một tuyên bố đăng tải trên Twitter ngày 23/6, Phó thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki nhấn mạnh: “Nếu không có phản ứng triệt để, Hàn Quốc dự kiến sẽ trải qua một cơn địa chấn dân số từ năm 2030 – 2040”.

Hàn Quốc lần đầu suy giảm dân số tự nhiên.

Các nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy dân số già sẽ kéo tụt năng lực sản xuất của một nền kinh tế, dẫn tới Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm. Đối với Hàn Quốc, tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

Theo Nikkei Asian Review, trong thập kỷ qua, dù đã dành 130.000 tỷ won (tương đương 116 tỷ USD) để ngăn chặn sự suy giảm tỷ lệ sinh nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thu được kết quả đáng kể. Hàn Quốc đang vật lộn với tỉ lệ sinh giảm do ngày càng có nhiều người trẻ kết hôn muộn, lựa chọn độc thân hoặc không muốn có con do kinh tế trì trệ kéo dài.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc nên đưa ra những chính sách dài hạn và toàn diện để giải quyết các vấn đề xã hội đang cản trở phụ nữ mang thai, sinh đẻ và chăm sóc con cái. Để thực hiện Kế hoạch cơ bản lần thứ 4 về mức sinh thấp và già hóa giai đoạn 2021 - 2025, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định đầu tư tổng cộng 196.000 tỷ won (172,3 tỷ USD) từ nay cho đến năm 2025. Phó Thủ tướng Hong Nam-ki cũng cho biết chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Dân số Nhật Bản giảm năm thứ 8 liên tiếp

Dữ liệu công bố hôm 4-8 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy dân số nước này tiếp tục chứng kiến mức giảm với biên độ lớn nhất kể từ năm 2014. Kết quả điều tra dựa trên số lượng đăng ký thường trú cơ bản từ ngày 1-1 đến 31-12-2020 cho thấy, tổng dân số Nhật Bản đã giảm xuống còn hơn 126,65 triệu người – tức giảm gần 484.000 người, tương đương 0,38% so với năm 2019, đây là mức giảm lớn nhất và là năm giảm thứ 8 liên tiếp kể từ năm 2014.

Trong khi đó, theo dữ liệu được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố ngày 20-9, số người trên 65 tuổi tại nước này đã tăng thêm 220.000 người so với cùng kỳ, lên tới 36,4 triệu người. Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với 29,1%.

“Tăng trưởng kinh tế” và “phúc lợi xã hội” đang trở thành 2 vấn đề lớn từ hiện tượng già hóa. Tăng trưởng kinh tế bị chi phối bởi lực lượng lao động, song nguồn dân số này lại đang giảm thiểu nhanh chóng do sự gia tăng của già hóa và giảm tỉ lệ sinh. Ngoài ra, lực lượng lao động giảm cũng khiến thị trường nội địa bị thu hẹp, sức hấp dẫn đầu tư giảm. Tiềm năng tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là kinh tế cũng giảm sút theo.

Nhật Bản gồng mình để đảm bảo cuộc sống cho người già.

Còn về phúc lợi xã hội, theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 6-2019 đã thừa nhận hệ thống lương hưu công cộng của nước này sẽ quá tải và không thể đảm bảo mức sống ổn định cho người dân nếu số người già tiếp tục gia tăng. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa 2018.

Để thực hiện chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Dự luật này có hiệu lực từ tháng 4-2021.

Trên thực tế, số người cao tuổi có việc làm tại Nhật Bản tiếp tục kéo dài mạch tăng liên tục từ năm 2004. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên có việc làm đạt 25,1%, cao thứ 2 trong số các nền kinh tế lớn, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Các công ty Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào những người đến tuổi nghỉ hưu để lấp đầy vị trí tuyển dụng. Một nhà bán lẻ thậm chí còn loại bỏ giới hạn độ tuổi của nhân viên.

Ngoài ra, thu hút lao động nước ngoài cũng là một biện pháp giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được. Nhiều quốc gia đang khuyến khích lực lượng lao động nhập cư để giải quyết vấn đề về dân số, nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế nếu tỷ lệ sinh tiếp tục không có dấu hiệu cải thiện.

Bên cạnh việc ứng phó với thách thức thiếu hụt lao động, trước sức ép từ dân số già, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh đẻ tại nước này thông qua chương trình trợ cấp để khuyến khích giới trẻ ở Nhật Bản kết hôn và sinh con. Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản thực hiện, 17,8% phụ nữ và 29,1% nam giới Nhật Bản độc thân từ 25 đến 34 tuổi cho biết lý do họ chưa kết hôn là vì tài chính. Trong khi đó, tài chính cũng là trở ngại lớn nhất khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con dù Chính phủ Nhật Bản đã miễn học phí đối với giáo dục mầm non từ năm 2019.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chau-a-truoc-con-dia-chan-dan-so-i633433/