Châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy sự ra đời khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới đang từng bước hình thành thông qua việc soạn thảo và ký kết Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Đây sẽ là động lực mạnh mẽ đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới.

Mô hình thúc đẩy thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực

Theo bà Auramon Supthaweethum, Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan, trong dịp diễn ra Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Thủ đô Bangkok từ ngày 14 đến 19-11 tới, việc thúc đẩy sáng kiến khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương sẽ là chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận. Sau đó, một kế hoạch làm việc kéo dài trong bốn năm sẽ được công bố và 21 thành viên APEC sẽ tập trung hoàn thiện sáng kiến này.

Là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ trở thành trung tâm kinh tế thế giới trong tương lai. Tỷ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050, trong khi 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nằm ở châu Á - Thái Bình Dương.

Khi khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương hình thành, trao đổi thương mại khu vực dự kiến tăng từ 200 - 400%

Khi khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương hình thành, trao đổi thương mại khu vực dự kiến tăng từ 200 - 400%

Có thể nói châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Chính vì thế, trong bối cảnh những quan điểm chống toàn cầu hóa và bảo hộ thương mại đang nổi lên, việc hình thành FTAAP và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương trở thành vấn đề cấp thiết. Khái niệm FTAAP ngày càng được chấp nhận như một mô hình lý tưởng để thúc đẩy thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực.

Trên thực tế, FTAAP không phải là một ý tưởng mới. Kế hoạch này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2004 và được đưa vào Tuyên bố Hà Nội năm 2006 của các nhà lãnh đạo APEC. Năm 2010, tại Nhật Bản, APEC đề ra “Lộ trình hướng tới FTAAP”, trong đó nêu rõ các nền kinh tế thành viên APEC sẽ hướng tới một hiệp định tự do thương mại toàn diện trong khu vực, dựa trên các hiệp định thương mại khu vực (RTA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện hành hoặc đang trong tiến trình đàm phán như ASEAN+3, ASEAN+6 và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tiếp đó, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 (tháng 11-2016) tại Peru, APEC đã thông qua Nghiên cứu chiến lược chung về FTAAP và Tuyên bố Lima về FTAAP, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu đóng góp của các FTAs trong khu vực đối với việc hình thành FTAAP, nhấn mạnh APEC cần tiếp tục vai trò “ươm mầm” và củng cố các sáng kiến hỗ trợ việc hình thành FTAAP trong tương lai, trong đó chú trọng quá trình xây dựng năng lực cho các thành viên đang phát triển.

Địa bàn hợp tác và cạnh tranh giữa các cường quốc kinh tế

Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tồn tại, góp phần thúc đẩy nhất thể hóa khu vực. Trước hết là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Myanmar và Philippines) cùng 5 nước châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Với thị trường khoảng 2,28 tỷ người, chiếm 29,4% dân số thế giới, các thành viên RCEP chiếm hơn 30 tổng GDP thế giới. Sau khi RCEP chính thức có hiệu lực (từ 1-1-2022), 65% thuế quan đã giảm xuống “0” và con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 90% trong vòng 20 năm.

Với tiêu chuẩn cao hơn và tiếp cận thị trường toàn diện hơn so với RCEP, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ 21. CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới.

Điểm đáng chú ý là RCEP đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia vào một hiệp định thương mại tự do. Trước khi đạt được RCEP, Nhật Bản vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại tự do nào với Trung Quốc và Hàn Quốc, cho dù là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Còn CPTPP thì khác biệt bởi tiêu chuẩn cao về độ mở cửa. Tại thời điểm có hiệu lực, trong khi RCEP quy định tự do hóa hoàn toàn 63,4% tổng số dòng thuế, thì CPTPP yêu cầu tới 86,1% số dòng thuế.

Tuy nhiên, cả RCEP và CPTPP đều chưa có sự tham gia của Mỹ, cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới cũng gắn với châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiền thân của CPTPP), Mỹ luôn đứng ngoài khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. Việc không tham gia RCEP và CPTPP không chỉ khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía các nước thành viên và làm giảm thị phần của Mỹ trong thị trường khu vực RCEP và CPTPP, mà còn có thể buộc các doanh nghiệp Mỹ phải xây dựng cơ sở sản xuất ngay trong các khu vực thương mại tự do này mới được hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất tham gia RCEP, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở khu vực còn tăng lên thông qua các công cụ như Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) và Ngân hàng đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB). Tất cả những yếu tố đó đang gây áp lực không nhỏ buộc Mỹ phải xem xét lại vấn đề quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự ra đời của FTAAP sẽ là cơ hội để Mỹ giải tỏa thách thức cạnh tranh từ phía Trung Quốc, giúp Washington mở rộng ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều quan trọng hơn là vì bao trùm cả 21 nền kinh tế APEC thông qua việc tự do hóa thương mại và đầu tư nên khi được thiết lập, FTAAP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, nơi sinh sống của 2,9 tỷ người, chiếm 38% dân số toàn cầu, với tổng GDP trị giá 52 nghìn tỷ USD, tương đương 62% GDP của thế giới. Giá trị thương mại từ 21 nền kinh tế thành viên của APEC là 18 nghìn tỷ USD, chiếm 70% thương mại toàn cầu. Khi kế hoạch FTAAP được hiện thực hóa, khối lượng thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC được cho là sẽ tăng trong khoảng 200-400%. Nó sẽ giúp biến khu vực này thành địa bàn hợp tác và cạnh tranh với nhiều tiềm năng giữa các cường quốc kinh tế, mở ra những cơ hội để châu Á - Thái Bình Dương duy trì sự năng động, trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chau-a-thai-binh-duong-thuc-day-su-ra-doi-khu-vuc-thuong-mai-tu-do-lon-nhat-the-gioi-post521779.antd