Châu Á hướng tới phát triển năng lượng hạt nhân

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do xung đột giữa Nga và Ukraine, điện hạt nhân đang dần trở thành lựa chọn tối ưu cho các nền kinh tế tại châu á.

Châu á là khu vực chính trên thế giới có công suất phát điện hạt nhân đang tăng lên đáng kể. Ở khu vực này có khoảng 135 - 140 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động, khoảng 30 - 35 lò đang được xây dựng và các nước có kế hoạch xây thêm 50 - 60 lò.

Quan điểm về điện hạt nhân dần được thay đổi

Mặc dù vẫn còn những lo ngại về mức độ an toàn, nhưng với những lợi ích mà điện hạt nhân mang lại như nguồn điện thải Co2 thấp hơn 70 lần so với than, 40 lần so với khí đốt, 4 lần so với năng lượng mặt trời, hai lần so với thủy điện và tương đương với năng lượng gió, thì đây là giải pháp thích hợp nhất giữa lúc khủng hoảng năng lượng. Tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu ở glasgow hồi tháng 11.2021, năng lượng hạt nhân được coi là giải pháp tiềm năng cho mục tiêu trung hòa carbon. Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 2 cũng đã trao nhãn xanh cho điện hạt nhân, đồng thời khẳng định đây là nguồn năng lượng đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí nhất.

Nguồn: CNN

Nguồn: CNN

Trước đó, sau sự cố thảm họa động đất, sóng thần tấn công nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 đã thay đổi nhiều quan điểm về nguồn năng lượng này và dần coi dầu khí của Nga là nguồn cung chính, cũng như tin rằng nó an toàn hơn năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, sau 11 năm, Nhật Bản đã suy nghĩ lại về việc tái phát triển điện hạt nhân vì lưới điện phía đông, cung cấp điện cho Thủ đô Tokyo, đã bị quá tải, khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình được yêu cầu tiết kiệm điện. Một cuộc thăm dò của Nikkei vào tháng 3 cho thấy, 53% người được hỏi ủng hộ việc tái khởi động các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đặt mục tiêu tối đa hóa sử dụng năng lượng tái tạo và hạt nhân. Ông khẳng định rằng, quốc gia này đã đến lúc cần nghiêm túc suy nghĩ về cách tự chủ nguồn điện. Nhật Bản hiện đối mặt với nhiều thách thức năng lượng, song vấn đề hạt nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Singapore cũng từng là quốc gia “nghi ngờ” khả năng của năng lượng hạt nhân. Theo một nghiên cứu năm 2012 kết luận rằng, công nghệ lò phản ứng cỡ lớn thông thường không phù hợp để triển khai ở singapore. Nhưng một thập kỷ sau, khi công nghệ đã thay đổi, các lò phản ứng ngày nay nhỏ hơn, các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư dạng module nhỏ (SMR) được thiết kế với những hệ thống an toàn nâng cao mà các công nghệ cũ không có.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia chiếm 56% tổng lượng tiêu thụ than toàn cầu năm 2020, cũng coi điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng và mục tiêu trung hòa carbon năm 2060. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Cục Quản lý năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) hồi tháng 3 ban hành hướng dẫn cho biết sẽ duy trì tốc độ xây dựng và bảo đảm an toàn cho các dự án điện hạt nhân ven biển mới.

Những mục tiêu tham vọng

Trái ngược với Bắc Mỹ và phần lớn Tây Âu, nơi tốc độ tăng trưởng công suất phát điện và đặc biệt là điện hạt nhân bị hạn chế trong nhiều năm, một số quốc gia ở châu á đang lên kế hoạch và xây dựng các lò phản ứng điện hạt nhân mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện sạch của họ. Hiện khoảng 2/3 số lò phản ứng đang được xây dựng trên toàn thế giới là ở châu Á. số liệu công suất cung cấp dưới đây là ròng cho các lò phản ứng có thể hoạt động và tổng cho các lò đang được xây dựng và có kế hoạch. 53 lò phản ứng có thể hoạt động (50,8 GWe net), 19 lò đang xây dựng (tổng 20,9 GWe), 34 lò dự kiến (tổng 38,1 GWe).

Trung Quốc được dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực sản xuất điện hạt nhân. Quốc gia này đang tiến nhanh trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Các đơn vị hiện đang được xây dựng là sự kết hợp giữa thiết kế bản địa và phương Tây. Trong khoảng thời gian từ tháng 12.2011 đến tháng 12.2021, hầu hết các lò phản ứng mới đã được bổ sung ở Trung Quốc (39 trong tổng số 68) và sản xuất điện hạt nhân trong giai đoạn 10 năm đã tăng khoảng 400%. Động lực cho năng lượng hạt nhân ở Trung Quốc là do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than cũng như biến đổi khí hậu.

Trung Quốc đã đặt nhiều tham vọng vào điện hạt nhân, cũng như khẳng định đây là mảnh ghép quan trọng trong mạng lưới năng lượng nước này. Điều đáng lưu tâm là bảo đảm an toàn, hiệu quả cao và phương thức xử lý chất thải phóng xạ. Trung Quốc đã đặt mục tiêu sở hữu 70 GW điện hạt nhân năm 2025. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, tính đến cuối năm 2019, tổng công suất điện hạt nhân của Trung Quốc đạt gần 66 GW, cao thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Nếu tính thêm công suất của 53 lò phản ứng đang xây dựng, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về điện hạt nhân, Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng to lớn của điện hạt nhân, một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu á vẫn canh cánh nỗi lo rằng nhân loại có thể đã đủ thông minh để phát triển năng lượng hạt nhân, song vẫn chưa đủ khôn ngoan để quản lý chúng một cách an toàn.

Chính quyền đảo Đài Loan (Trung Quốc) tháng 12.2021 đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm xác định số phận nhà máy hạt nhân thứ tư trên đảo - Lungmen, khởi công năm 1980 nhưng chưa được hoàn thiện đến nay. Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy gần 53% phản đối tiếp tục xây dựng nhà máy. Việc phát triển nguồn cung năng lượng hạt nhân là rất quan trọng, đặc biệt với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây và ngành công nghiệp sản xuất chip vốn đòi hỏi lượng tiêu thụ điện khổng lồ, Đài Loan sẽ phải đối diện với khủng hoảng năng lượng. Một số chuyên gia lập luận rằng, từ bỏ năng lượng hạt nhân có thể gây ra rủi ro an ninh, bởi có thể khiến đảo Đài Loan phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn LNG nhập khẩu từ Australia, Qatar và Mỹ.

Trong khi đó, Chính phủ ấn Độ cam kết tăng công suất điện hạt nhân như một phần của chương trình phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ. Chính phủ dự kiến công suất hạt nhân sẽ đạt khoảng 22,5 GWe vào năm 2031. Nhật Bản 33 lò phản ứng có thể hoạt động (31,7 GWe) mặc dù nhiều lò trong số này tạm thời ngừng hoạt động, 2 lò đang được xây dựng (2,8 GWe), 1 theo kế hoạch (1,4 GWe). Nhật Bản đã sản xuất tới 30% điện năng từ điện hạt nhân cho đến năm 2011. Đóng góp hạt nhân đã có dự kiến sẽ tăng lên 41% vào năm 2017 và các kế hoạch dài hạn hơn là tăng gấp đôi công suất hạt nhân (lên 90 GWe) và tỷ trọng hạt nhân vào năm 2050. Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima các kế hoạch này đã bị hủy bỏ, với hạt nhân dự kiến sẽ cung cấp khoảng 20% điện năng sau khi kết thúc quá trình khởi động lại lò phản ứng. Nhật Bản cam kết tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng để thu hồi uranium và plutonium để tái sử dụng trong sản xuất điện.

Pakistan có 5 lò phản ứng có thể hoạt động (2,2 GWe), 2 trong số đó đang xây dựng (2,2 GWe), 1 đã được lên kế hoạch (1,2 GWe). Pakistan sản xuất khoảng 7% điện năng từ hạt nhân, và việc mở rộng công suất hạt nhân từ lâu đã trở thành yếu tố quan trọng trong chính sách năng lượng của Pakistan. Các kế hoạch năm 2014 của chính phủ vạch ra mục tiêu đạt 8,9 GWe công suất hạt nhân tại 10 địa điểm vào năm 2030.

NHƯ Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chau-a-huong-toi-phat-trien-nang-luong-hat-nhan-i287697/