Châu Á 'đi trước, về sau' trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19?

Những chiến lược từng là 'bảo bối' để châu Á trở thành tấm gương trong cuộc chiến với Covid-19 trong năm 2020 có vẻ đang bớt hiệu nghiệm trước những diễn biến mới của đại dịch.

Theo ghi nhận của tờ Le Monde, người dân châu Á dường như vẫn tỏ ra lưỡng lự tiêm chủng ngừa Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Theo ghi nhận của tờ Le Monde, người dân châu Á dường như vẫn tỏ ra lưỡng lự tiêm chủng ngừa Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Nhìn lại hơn 1 năm đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, người ta có cảm giác cuộc đọ sức giữa nhân loại với virus SARS-CoV-2 giống như một trận đấu gồm 2 hiệp.

Hiệp đầu tiên diễn ra năm 2020, thời điểm châu Á đi đầu trong việc kìm hãm đà lây nhiễm của Covid-19, hạn chế được số người thiệt mạng, trở thành tấm gương thành công trong cuộc chiến chống Covid-19.

Không kể Trung Quốc - nước xử lý cuộc khủng hoảng y tế này một cách khác biệt mà phương Tây không thể bắt chước - các quốc gia ở châu Á đã nhanh chóng ngăn chặn được tình trạng lây nhiễm nhờ kinh nghiệm trong cuộc chiến chống dịch SARS trước đây, với việc người dân chấp hành tốt các chỉ đạo của chính quyền và quen thuộc với các công nghệ mới.

Trong khi đó, phương Tây (châu Âu và Mỹ) gần như bị virus SARS-CoV-2 đánh “tơi tả”, số người chết tăng mạnh và gần như rơi vào hoảng loạn.

Một năm sau, trong hiệp 2, kết quả đảo ngược.

Châu Âu và Mỹ dần đẩy lùi được virus SARS-CoV-2 và bắt đầu mở cửa, gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế.

Thiếu động lực tìm kiếm nguồn vaccine

Trong hiệp 2, tại châu Á, đại dịch bùng lên khủng khiếp ở Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhiều nước lần lượt đóng cửa, phong tỏa, giãn cách xã hội..., khiến cho các hoạt động kinh tế trì trệ trở lại.

Trang mạng Bloomberg lý giải nguyên nhân chính là do thiếu vaccine nên nhiều nước châu Á chậm trễ trong việc triển khai tiêm phòng. Tỷ lệ người dân châu Á được tiêm chủng rất thấp, từ 1% đến hơn 2%. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ ở mức 2,3%, trong khi ở Mỹ và châu Âu, số người dân đã được tiêm đầy đủ lần lượt là hơn 50% và 30%.

Tính kỷ luật và sự gắn kết xã hội, cũng như việc chấp nhận các biện pháp giám sát chặt chẽ bằng các phương tiện công nghệ cao - những biện pháp từng làm nên thành công trong cuộc chiến với Covid-19 - lần này đã không giúp ích được cho các nước châu Á.

Châu Á đang trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình. Việc nỗ lực bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong những đợt dịch năm 2020 đã khiến nhiều nước thiếu động lực tìm kiếm nguồn cung cấp vaccine vốn rất khan hiếm. Nhiều quốc gia còn lo sợ về những rủi ro từ những loại vaccine mang tính đột phá như Pfizer/BioNtech và Moderna, hay những hiệu ứng phụ từ AstraZeneca.

Bản thân người dân châu Á dường như cũng không có cảm giác phải tiêm phòng khẩn cấp như người dân ở Milano (Italy) hay New York (Mỹ), những nơi chứng kiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong những tháng đầu tiên của đại dịch.

Theo ghi nhận của tờ Le Monde, người dân châu Á dường như vẫn tỏ ra lưỡng lự về việc tiêm chủng: Kết quả điều tra của IPSOS hồi tháng 1/2021, chỉ có 14% người Hàn Quốc, 22% người Nhật Bản cho biết sẵn sàng tiêm phòng, trong khi đó, tỷ lệ này ở người Mỹ là 53%.

Các nước giàu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia bị ảnh hưởng nặng về kinh tế vì đóng biên giới, trong khi các nước tiêm chủng nhiều nhất như Israel, Mỹ đang dần chuẩn bị thoát khỏi "bóng ma" Covid-19.

Tại Nhật Bản, đợt dịch thứ tư ập đến khiến chính phủ phải kéo dài tình trạng khẩn cấp tại 9/47 vùng, trong đó có Tokyo và Osaka. Chỉ có 6,4% người dân Nhật được tiêm liều đầu tiên. Tỷ lệ khá thấp này đang đe dọa Thế vận hội Tokyo, theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/7.

Chính sự lo sợ về những rủi ro mà vaccine mang lại buộc các chính phủ châu Á đứng trước nhiều tình huống khó xử: Tiếp tục các chính sách kiểm soát dịch bệnh không khoan nhượng, truy vết mọi ca nhiễm bệnh cho đến khi loại bỏ hẳn virus SARS-CoV-2 hay phải chấp nhận dịch Covid-19 như bao dịch bệnh khác và sẽ phải sống chung với chúng ở một mức độ lây nhiễm nào đó như các nước phương Tây đang làm?

Giới hạn của các chiến lược từng là ‘bảo bối’

Cách tiếp cận chưa linh hoạt có thể sẽ có gây ra những hệ quả đối với việc khôi phục nền kinh tế. Việc đóng cửa rồi lại mở cửa tạm thời kéo dài trong nhiều tháng sẽ là một chiến lược tốn kém, nhất là đối với nhiều trung tâm tài chính lớn như Singapore và Hong Kong.

Australia là một ví dụ nổi bật, cho thấy giới hạn của chiến lược đối phó với Covid-19 của nước này.

Nhờ vị trí địa lý bán đảo, Australia đóng cửa biên giới nhanh chóng và áp đặt chính sách cách ly nghiêm ngặt, cùng với hệ thống phong tỏa cục bộ lập tức ngay khi xuất hiện các ca dương tính mới. Chính sách này rất được dư luận ủng hộ, tỏ ra vô cùng hiệu quả với tỉ lệ lây nhiễm rất thấp và cư dân sinh hoạt hầu như bình thường.

Thế nhưng, để tránh những biến chủng mới, Australia phải tiếp tục chính sách "kín cổng cao tường". Canberra vừa thông báo các biên giới của Australia sẽ đóng đến giữa năm 2022. Điều này có nghĩa là Australia phải tự cô lập 2 năm. Tác động của chính sách trên đối với những gia đình bị chia cách, đối với kinh tế và vấn đề nhập cư rất nặng nề.

Trước thực trạng nói trên, điều cần thiết hiện giờ là châu Á phải gia tăng sản xuất, quản lý vaccine một cách hiệu quả, như khu vực này từng làm trong xử lý khủng hoảng dịch tễ trước đây.

Báo Pháp Le Monde kết luận: Chiến dịch loại bỏ hoàn toàn Covid-19 của châu Á đang bị lung lay, và giờ là lúc các nước ở khu vực này cần thức tỉnh để có những biện pháp hợp lý đẩy lùi đại dịch.

(theo Bloomberg/ Le Monde)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-a-di-truoc-ve-sau-trong-cuoc-chien-voi-dai-dich-covid-19-146985.html