Chất xúc tác mang tên nới 'room'

Càng đến gần thời điểm ngày 1/9/2015 khi Nghị định 60/2015/ NĐ – CP có hiệu lực về nới 'room', giới đầu tư càng nhìn nhận tích cực về các cơ hội đầu tư mới. Theo quy định trước đây,...

Càng đến gần thời điểm ngày 1/9/2015 khi Nghị định 60/2015/ NĐ – CP có hiệu lực về nới “room”, giới đầu tư càng nhìn nhận tích cực về các cơ hội đầu tư mới.

Theo quy định trước đây, các doanh nghiệp bị giới hạn tối đa 49% “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Quy định này quả thực đã gây khó khăn cho cả hai phía doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, câu chuyện nới “room” đang được giới đầu tư nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, khi việc này sẽ giúp dòng vốn ngoại vào Việt Nam một cách bền vững hơn.

Cởi trói

Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD), hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản và là một doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE làm ăn khá hiệu quả và lợi nhuận tốt, nhưng đến năm 2012 đã quyết định hủy niêm yết. Nguyên nhân là Gò Đàng muốn kêu gọi đối tác ngoại tham gia đầu tư để có nguồn vốn xây dựng nhà máy và mở rộng thị trường, nhưng vướng tỷ lệ room quy định giới hạn chỉ 49%. Để đạt mục tiêu phát triển, không cách nào khác buộc Gò Đàng phải rời sàn.

Không chọn cách làm như Gò Đàng, để bán được 80% mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondeléz, Kinh Đô đã phải sử dụng thủ thuật chuyển mảng bánh kẹo cho một công ty con và sau đó bán cổ phần công ty con này cho Mondeléz. Cách làm này cũng để “lách” quy định về “room” và tìm cách hợp tác với đối tác ngoại.

Việc nới “room” vừa cởi trói cho doanh nghiệp, vừa thúc đẩy các thương vụ M&A sôi động hơn

Trước đây, các doanh nghiệp bị ràng buộc bởi quy định giới hạn 49% “room” cho phía nước ngoài nên buộc phải tìm đường lách. Còn bây giờ, câu chuyện có thể khác đi. Nghị định 60 đã mở ra cơ hội mới về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng, không hạn chế tỷ lệ góp vốn, trừ những trường hợp đặc biệt có quy định về giới hạn “room”.

Ngay lập tức, những chuyển động của nhiều doanh nghiệp nhằm đón đầu cơ hội này đang gia tăng thấy rõ. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đang nhìn thấy nhiều lợi ích từ hợp tác với đối tác nước ngoài. Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, nới “room” là cơ hội lớn cho CII. Nhà đầu tư nước ngoài hiểu rất rõ về CII, nhưng trước đây chưa thể đầu tư trong khi tiềm lực tài chính của các quỹ đầu tư Mỹ sẵn sàng vào cuộc với quy mô lớn từ 50-100 triệu USD. Và khi các quy định nới “room” đã thông thoáng hơn, chắc chắn các quỹ đầu tư lớn sẽ quan tâm nhiều hơn đến CII.

“Ý thức được điều này nên từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ có những chuyến đi gặp gỡ các nhà đầu tư ASEAN, Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn để tìm kiếm sự hợp tác và để huy động nguồn vốn lớn, dài hạn và rẻ”, ông Bình nói.

Tương tự, hai công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã có kế hoạch nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu HSC đang triển khai các thủ tục pháp lý để tăng tối đa tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì SSI phát đi thông báo lấy ý kiến cổ đông về sửa đổi điều lệ không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại. Công ty Nhựa Bình Minh (BMP) cũng tính đến chuyện nới “room” trong năm 2016, nhằm tìm kiếm nguồn vốn mới đa dạng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nới “room” còn thúc đẩy các thương vụ M&A, thu hút dòng tiền ngoại và hỗ trợ đáng kể cho việc bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước.

Săn hàng “nóng”

Hiện nay, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán là không thiếu. Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2015 nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1.298 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch hơn 39 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch mua vào và bán ra của nhà đầu tư nước ngoài lần lượt chiếm 15,17% và 13,36% giá trị giao dịch toàn thị trường (tăng 1,78% và 2,15% so với cùng kỳ năm trước). Rõ ràng là Nghị định 60 đã đem lại sự lạc quan cho thị trường chứng khoán lẫn nhà đầu tư ngoại. Và đây cũng là động thái không chỉ khơi thông cho dòng vốn ngoại mà còn từng bước đưa thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, gia tăng tính hấp dẫn đối với dòng vốn quốc tế.

Hiện nay, các ngành đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại là: chăm sóc sức khỏe đạt tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là 37,3%, dầu khí 29,8%, công nghệ 29,4%, thực phẩm và đồ uống 28,2%, bán lẻ 27,3% … và đây vẫn là những lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư ngoại khi Nghị định 60 có hiệu lực. Tuy nhiên, câu chuyện nới “room” cũng không phải hoàn toàn chỉ lạc quan. Hiện nay có khá nhiều công ty đang đầy “room” ngoại như: Vinamilk, FPT, DHG, BMP, HSC, PNJ… nhưng không phải công ty nào cũng có thể hút dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào. Thử nhìn vào hai tên tuổi lớn là VNM và DHG sẽ thấy, cho dù có mở “room” thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng khó “xuống tiền”. Nguyên nhân là do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm một lượng lớn cổ phần tại đây, như tại VNM là 45% và tại DHG là gần 44%.

Với quan điểm kinh doanh là đầu tư lâu dài, vì thế những ngành nghề hiệu quả thì SCIC có khả năng không giảm tỷ lệ sở hữu. Ngay cả việc một số doanh nghiệp nhà nước sắp cổ phần hóa thì nhà đầu tư ngoại cũng khó chen chân, do bị phụ thuộc khá nhiều vào quy định pháp luật về cổ phần hóa và quyết định của ban chỉ đạo cổ phần hóa ở từng doanh nghiệp.

Minh Phương

Doanh Nhân

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/chat-xuc-tac-mang-ten-noi-room/