Chất Việt Nam đậm đặc của huấn luyện viên Riedl

Không phải HLV nước ngoài đầu tiên làm việc ở Việt Nam, nhưng Alfred Riedl là người đầu tiên để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng học trò và người hâm mộ.

 HLV Riedl qua đời tại nhà riêng ở Vienna, Áo, hưởng thọ 70 tuổi. Ảnh: VFF.

HLV Riedl qua đời tại nhà riêng ở Vienna, Áo, hưởng thọ 70 tuổi. Ảnh: VFF.

Giữa năm 1998, HLV Riedl nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Khi ấy, bóng đá nước nhà đang hòa nhịp giao thời cùng nền kinh tế.

Cầu thủ đa phần vẫn quen với lề lối làm việc kiểu cũ, và bị buộc phải tiếp cận với những kiến thức mới của xu hướng bóng đá đương đại. Một HLV ngoại ở đội tuyển gần như là điều bắt buộc, bởi họ vừa có cái uy ngoại quốc, vừa dày dạn kinh nghiệm để chia sẻ với học trò.

Khác với những tiền nhiệm như Edson Tavares hay Karl-Heinz Weigang, Riedl rất cởi mở với học trò. Ông dành nhiều thời gian trò chuyện với cầu thủ, tìm hiểu tâm tư tình cảm, những khó khăn trong cuộc sống cũng như định hướng sự nghiệp cho họ tại CLB.

Tất nhiên, kiến thức chung về bóng đá và chiến thuật của thế hệ cầu thủ thập niên 90 có nhiều điểm hạn chế. Ông Riedl biết được điểm này và luôn chuẩn bị sẵn giấy bút trong túi áo.

Mỗi khi học trò tỏ ý không hiểu hoặc chưa nắm bắt hết được ý đồ, ông không ngần ngại vạch lại sa bàn, thậm chí viết chi tiết mọi thứ ra giấy cho cầu thủ để họ cầm về nhà nghiên cứu.

Thói quen mặc quần áo nhiều túi của Riedl cũng hình thành từ ấy. Ngoài giấy bút, ông còn chuẩn bị một ít tiền lẻ để mua đồ dùng học tập, sách vở để quyên tặng cho những trẻ em nghèo ở xung quanh khu vực Nhổn. Việc làm từ thiện này của HLV Riedl ít người biết, bởi ông thường tự đặt taxi và đi một mình, hoặc không thì thuê xe chở đồ tới tận nhà nơi cần tặng.

Câu chuyện cảm động nhất của HLV Riedl trong 3 giai đoạn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là với một nữ công nhân làm cỏ ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn.

Thông qua những nhân viên tại đây, nhà cầm quân người Áo biết được công nhân này có gia cảnh khó khăn, chồng mắc bệnh tim, con còn nhỏ.

Vì vậy, mỗi khi nhận lương hàng tháng từ LĐBĐ Việt Nam, ông đều trích ra một khoản vài trăm USD để tặng cho người này. Vào những năm 2000, đó là số tiền lớn bởi nó gần tương đương với trị giá một cây vàng.

Tình cảm với đất nước Việt Nam của HLV Riedl càng thêm sâu đậm vào năm 2007, khi ông được một tình nguyện viên Việt Nam hiến tạng, giúp ông chữa được căn bệnh suy thận mãn tính.

Dù vẫn giữ nhiều thói quen của một người châu Âu, ông luôn cố gắng đem lại nhiều chất Việt Nam nhất có thể vào cuộc sống ngoài sân cỏ. Căn nhà của ông tại Áo có nhiều vật dụng như hàng rào, tranh giống Việt Nam. Đồ dùng trong nhà ông cũng ưu tiên mua hàng có xuất xứ Việt Nam.

Thậm chí, sau này khi làm việc tại Lào và Indonesia, ông vẫn không ngần ngại thưởng thức những món ăn thuần Việt vào buổi sáng như phở, bún và rất thích dùng cơm vào buổi trưa.

Tổng thời gian 5 năm ở Việt Nam không phải quá dài với một đời người. Nhưng trong suốt quãng thời gian ấy, HLV Riedl luôn tranh thủ thời gian để tìm hiểu thêm văn hóa của quê hương thứ hai, như đi thăm các viện bảo tàng, triển lãm.

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chat-viet-nam-dam-dac-cua-huan-luyen-vien-riedl-d272742.html