Chật vật vượt qua 'cái bóng' của mình

Một vấn đề dễ nhận thấy trong dòng nhạc underground thời gian gần đây là sự xuất hiện và biến mất rất nhanh chóng của một số gương mặt trẻ. Có hàng triệu fan hâm mộ nhờ một ca khúc hit trở thành hiện tượng sau một đêm là chuyện không lạ trong thị trường nhạc Việt thời công nghệ số. Tuy nhiên, với những hiện tượng này, để vượt qua cái bóng của chính mình là điều không hề dễ dàng.

Nổi danh sau một đêm và ca khúc hit duy nhất

Sự phát triển của internet và mạng xã hội được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo tiền đề cho sự công phá của dòng nhạc underground. Khoảng hai năm trở lại đây, rất nhiều ca khúc mới, gương mặt mới đã xuất hiện, lấn át cả những sản phẩm âm nhạc chính thống trên các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến và "càn quét" nhiều giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ trong nước.

Cái tên Xesi từng được khán giả chờ đợi sẽ "làm nên chuyện" trong showbiz Việt với những ca khúc ấn tượng có giai điệu huyền ảo, ma mị được viết khi còn là học sinh trung học. "Túy âm" ra đời tháng 9-2017 với sự kết hợp của ba gương mặt trẻ là Xesi, Masew, Nhật Nguyễn. Đây được coi là một trong những ca khúc thành công nhất của giới underground. Ngay lập tức, "Túy âm" đã tạo nên cơn sốt thực sự trong cộng đồng bạn yêu nhạc.

Sơn Tùng M-TP, một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất showbiz Việt "xuất thân" từ dòng nhạc underground.

Sơn Tùng M-TP, một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất showbiz Việt "xuất thân" từ dòng nhạc underground.

Sau cái bóng quá lớn của ca khúc đầu tay, phải rất lâu sau đó, Xesi mới "trình làng" ca khúc tiếp theo có tên là "Vô tình", kết hợp cùng Hoaprox. Tuy nhiên, "Vô tình" không được khán giả đánh giá cao, bị cho là "bình mới, rượu cũ" vì mang dáng dấp của "Túy âm". Hiện Xesi chưa có thêm sản phẩm âm nhạc mới mà chỉ tập trung cover ca khúc hit của Vpop.

Tương tự như vậy, Osad trở thành hiện tượng sau thành công vang dội của bản hit "Người âm phủ" ra đời đầu năm 2018. Sự mới lạ trong ca từ, giai điệu, ca khúc đã đưa cái tên Osad đến với hàng triệu fan hâm mộ trên khắp cả nước. Osad nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các ca sĩ trẻ nổi tiếng như Trịnh Thăng Bình, Đinh Mạnh Ninh, Hà An… Tuy nhiên, sau "Người âm phủ", Osad không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ cho những sản phẩm rap kế tiếp như "Củ lạc", “Yêu đương", "Em có thể"…

Ca khúc "Hong kong 1" của chàng sinh viên Nguyễn Trọng Tài được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên internet khi ra đời hồi tháng 10-2018. "Hongkong 1" được đánh giá cao ở sự mới mẻ, chất nhạc và lối xử lý độc đáo. Sự thành công quá nhanh và bất ngờ của "Hong kong 1" đã khiến Nguyễn Trọng Tài quyết định thực hiện bước ngoặt trong cuộc đời là trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Sau ca khúc "hiện tượng bàn nhậu" này, Nguyễn Trọng Tài chưa có thêm được sản phẩm âm nhạc gây chú ý với khán giả ngoại trừ việc ra mắt phiên bản mới của "Hongkong 1".

Với ca khúc "Cô gái M52", cái tên HuyR trở thành một hiện tượng trong thị trường âm nhạc. Với giai điệu dễ nghe, ca từ hài hước, dí dỏm, "Cô gái M52" trở thành "đối thủ" đáng gờm của nhiều ca khúc hit trên những bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến. Phải sau một thời gian dài, HuyR mới phát hành thêm sản phẩm âm nhạc tiếp theo là "Yêu anh em nhé" vào tháng 9-2018 và "Đây là bài nhạc Tết" vào tháng 1-2019. Cả hai sản phẩm âm nhạc mới của HuyR không tạo được tiếng vang như bản hit đầu tay "Cô gái M52".

Nhiều khán giả dùng cụm từ "nổi danh sau một đêm và ca khúc hiện tượng duy nhất" để nói về những nghệ sĩ của dòng nhạc underground. Với chủ đề lạ, giai điệu, ca từ dễ nghe, đánh trúng tâm lý, thị hiếu khán giả, ra đời đúng thời điểm, cộng với sự "hậu thuẫn" mạnh mẽ của mạng xã hội, các ca khúc tạo hit là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, giống như một quy luật, cái gì đến nhanh cũng sẽ qua nhanh. Tuổi thọ của những ca khúc hit ngắn và hào quang từ sự nổi tiếng quá nhanh đã đặt ra rào cản vô hình mà người trẻ phải rất chật vật, thậm chí là không thể vượt qua.

"Nguồn" tìm kiếm những gương mặt mới cho showbiz

Có nhiều cách lý giải khác nhau về hiện tượng nhiều ca sĩ dòng nhạc underground vắng bóng sau khi nổi danh nhờ ca khúc đầu tay. Có quan điểm cho rằng, hầu hết nghệ sĩ trong thế giới nhạc underground là những người trẻ, đam mê ca hát. Họ không theo đuổi âm nhạc chính thống nên không bị áp lực với việc phải ra sản phẩm âm nhạc thường xuyên.

Chính vì vậy, các nghệ sĩ không quan trọng việc phải đặt mục tiêu vượt qua cái bóng của ca khúc trước hay bị đánh giá là "bom xịt". HuyR cho hay, sau thành công của "Cô gái M52", anh đã nhận được nhiều lời mời cộng tác của ca sĩ trẻ nhưng từ chối vì lý do, anh sản xuất âm nhạc để thỏa mãn đam mê chứ không ham nổi tiếng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cách lý giải này. Sau thành công của ca khúc đầu tay, các nghệ sĩ trẻ nhận được nhiều lời mời biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp. Điều này có nghĩa rằng, các nghệ sĩ đã từ "thế giới ngầm" bước chân vào showbiz. Lúc này, hoạt động của nghệ sĩ không còn là "underground" nguyên nghĩa nữa.

Xesi chưa có sáng tác mới vượt qua được ca khúc đầu tay "Túy âm".

Khi đã bước chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, đòi hỏi nghệ sĩ phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, khát khao chinh phục khán giả bằng những sản phẩm âm nhạc mới. Bên cạnh đó, với sự phát triển của Youtube và các mạng xã hội, khái niệm làm nhạc vì đam mê, phi lợi nhuận sẽ không tồn tại. Theo quan điểm này, nghệ sĩ chưa có ca khúc mới không phải vì không muốn mà chưa thể vượt qua cái bóng của chính mình.

Nhạc underground lên ngôi, thậm chí có thể nói là lấn át thị trường nhạc Việt trong vài năm trở lại đây. Điều này có thể thấy rõ rằng, nhiều ca khúc liên tiếp tạo hit, đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc, dẫn đầu top thịnh hàng trên Youtube. Nhiều nghệ sĩ đã thành công khi bước vào showbiz từ "điểm tựa" là nhạc underground, như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Suboi, Karik, Yanbi…

Âm nhạc Underground vẫn bị đánh giá là thế giới tạp nham khi ở đó tồn tại đan xen nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực. Không ít ca khúc của dòng nhạc này bị đánh giá là có nội dung phản cảm, ca từ nhí nhố nhưng thu hút rất đông lượt xem, lượt nghe trên mạng. Sự tự do, phóng khoáng - một trong những nét đặc trưng của dòng nhạc underground đã cho phép các nghệ sĩ tiếp cận, khai thác nhiều mảng đề tài rất "đời sống", gần gũi với các bạn trẻ.

Không hiếm ca khúc tự do, xuồng xã khi đề cập trực diện đến các vấn đề rượu, ma túy, sex… khiến người xem, người nghe đỏ mặt như "Thôi anh không chơi" của Binz, "Quăng tao cái boong" của Huỳnh Jame - Pjnboys, "Tan ka ka - Ganjia ka" của nhóm JGKiD, Black, EmceeL, KraziNoyze, DSK…

Nhiều nhà phê bình âm nhạc lên tiếng nói rằng, sự ảnh hưởng của nhạc underground ngày càng lớn. Nếu các nghệ sĩ chỉ nằm trong bóng tối như chính tên gọi của dòng nhạc thì không có gì phải bàn luận. Tuy nhiên, khi đã "bước ra ánh sáng" với số lượng fan hâm mộ đông đảo thì những sản phẩm âm nhạc không còn là câu chuyện đơn thuần của đam mê, thú vui mang tính cá nhân. Điều đó đòi hỏi, những sản phẩm âm nhạc phải phù hợp với chuẩn mực xã hội, hướng tới các giá trị vì cộng đồng.

Quay lại câu chuyện của những nghệ sĩ, ca sĩ hiện tượng ở phần trên. Họ là những cái tên được mong đợi sẽ là những tài năng trẻ của cộng đồng underground nói riêng, thị trường nhạc Việt nói chung. Showbiz luôn phát triển và trong dòng chảy đó luôn cần có lớp nghệ sĩ mới. Dòng nhạc underground cũng là một "nguồn" để tìm kiếm, bổ sung những gương mặt mới tài năng. Chính vì vậy, sự vắng mặt của họ sau khi bỗng chốc tỏa sáng khiến khán giả nuối tiếc cũng là điều dễ hiểu.

Xem thêm

Tường Phạm

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/chat-vat-vuot-qua-cai-bong-cua-minh-76962.html