Chật vật vẫn chưa thấy hồi kết

Cách đây ít lâu, Sở GTVT TP HCM có trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án hạ tầng nằm trên dự án đường Vành đai 2 với tổng chiều dài là 6km.

Dự án thứ nhất là đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (quận 9 và Thủ Đức), dài 3,5 km. Theo đó, dự án này tiêu tốn khoảng 9.000 tỷ đồng, với 6.200 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự án 2 là đoạn từ nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tại ngã ba Linh Đông (quận Thủ Đức), dài 2,5 km. Đoạn này tổng mức đầu tư hơn 5.569 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.490 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư bằng nguồn tiền ngân sách của 2 dự án trên khoảng 14.600 tỷ đồng.

Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông được UBND thành phố giao chuẩn bị hồ sơ hai dự án. Cơ quan này đã hai lần trình thẩm định. Do thay đổi trong các thủ tục đầu tư công, Sở GTVT sau đó được giao phối hợp các bên hoàn thiện hồ sơ.

Dù 2 dự án trên có được triển khai theo đúng kế hoạch thì tuyến đường Vành đai 2 ở TP HCM vẫn chưa thể khép kín trong vài năm tới. Bởi vẫn còn 2 đoạn khác của dự án gặp vướng mắc. Đặc biệt, vướng mắc của dự án nằm ở phương thức đầu tư.

Cụ thể, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) dài 2,7 km được khởi công từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Công ty Văn Phú Bắc Ái thực hiện. Tuy nhiên, dự án này đã tạm ngưng thi công, được Kiểm toán Nhà nước tính toán lại và đang được điều chỉnh mức đầu tư. Đoạn cuối cùng từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 8, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) dài 5,3 km hiện chưa thống nhất được chủ trương thực hiện.

Mục đích quan trọng của đường Vành đai 2 ở TP HCM là tạo một vòng tròn khép kín và kết nối các đầu mối cửa ngõ (Đông, Tây, Nam, Bắc) của thành phố. Ngoài ra, Vành đai 2 cũng kết nối ở nhiều tuyến cao tốc hiện hữu và cao tốc đang xây dựng. Hoàn thành dự án này thì các phương tiện giao thông có thể di chuyển dễ dàng từ khu vực này tới khu vực khác thay vì luôn phải đi qua trung tâm thành phố như hiện tại.

Ngoài ra, TP HCM cũng có quy hoạch và đang tiến hành thực hiện các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 để kết nối với Vành đai 2 và các tỉnh, thành lân cận. Tình trạng chậm trễ và khó khăn để hoàn thành đường Vành đai 2 sẽ kéo theo nhiều hậu quả, là sự tụt hậu hạ tầng của TP HCM so với các tỉnh, thành lân cận.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chat-vat-van-chua-thay-hoi-ket-524693.html