Chật vật trước cơn bão giá dồn dập

Hơn hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã bào mòn túi tiền của người dân, nay lại gặp bão giá nên Nhà nước cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương.

LTS: Cơn bão lạm phát đang gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa… đều tăng chóng mặt. Trong bối cảnh trên, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải có giải pháp kịp thời để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bớt khó khăn.

Giá cả hầu hết mặt hàng đều tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ đồ ăn thức uống, xăng dầu, gas… cho đến sắt, thép, vật liệu xây dựng. Cơn bão giá khiến không chỉ người dân mà cả cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng cảm thấy đuối sức.

Người dân phải cân đong, đo đếm từng đồng

Hiện những người làm công ăn lương, công nhân nghèo, lao động tự do đang là đối tượng bị tác động nhiều nhất khi giá hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu tăng cao. Đơn cử trước đây, giá một dĩa cơm bình dân khoảng 25.000- 30.000 đồng thì nay vọt lên 35.000-38.000 đồng; một tô bún bò từ 32.000 đồng nhảy lên 40.000 đồng.

Cơn bão giá đang gây áp lực lớn lên người dân lẫn doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Cơn bão giá đang gây áp lực lớn lên người dân lẫn doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Hai vợ chồng chị Thảo Nguyên làm công nhân cho một công ty may mặc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trước dịch COVID-19, thu nhập của hai vợ chồng được gần 20 triệu đồng một tháng. Do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty gặp khó khăn phải giảm công suất, không còn tăng ca nên thu nhập của hai vợ chồng giảm chỉ còn hơn 16 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập giảm nhưng chi phí sinh hoạt hằng ngày lại tăng đột biến do giá cả leo thang khiến gia đình anh chị thêm chật vật.

“Mớ rau, con cá, gas, xăng… đều tăng giá mạnh. Trước đây hai vợ chồng mỗi người đi một xe máy nhưng giờ ráng dậy sớm chút chở con đến trường rồi đi chung xe để tiết kiệm tiền xăng. Buổi chiều nấu cơm nhiều hơn bình thường để dư ra sáng mai ăn sáng chứ chẳng dám mơ ra ngoài ăn tô hủ tiếu. Cuối tuần cũng cố gắng chở con đi dạo công viên chứ không dám vào trung tâm thương mại, khu vui chơi. Cái gì cần thiết lắm mới tiêu, phải đong đếm từng đồng, chứ không thiếu biết vay mượn ai” - chị Nguyên trải lòng.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Chiều 21-6, liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định tiếp tục tăng giá các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, xăng E5 tăng 190 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng/lít; xăng A95 tăng 500 đồng, lên 32.870 đồng/lít.

Cùng với xăng, dầu cũng tăng giá. Dầu diesel tăng 990 đồng, lên 30.010 đồng/lít; dầu hỏa tăng 950 đồng, lên 28.780 đồng/lít; dầu mazut tăng 380 đồng, lên 20.730 đồng/kg.

Tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 13 chu kỳ điều hành tăng giá. Hiện giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm.

Nuôi con học đại học nhưng học phí tăng cao, nếu làm nông ở nhà thì không đủ sức lo cho con, ông Đức Mạnh (quê Quảng Ngãi) đành khăn gói cùng con vào TP.HCM ở trọ. Ông chạy xe ôm công nghệ, con trai thì xin làm thêm ở quán cà phê.

Ông Mạnh kể trước đây mỗi ngày ông chạy Grab kiếm được 400.000 đồng nhưng giá xăng tăng khiến thu nhập giảm chỉ còn khoảng 300.000 đồng. Trong khi học phí của con tính ra mỗi năm gần 35 triệu đồng, học kỳ sau dự kiến tăng lên 40 triệu đồng. Cộng thêm vào đó, giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu như mì tôm, dầu ăn, bột ngọt, sữa, đường… đều nhảy dựng.

“Thu nhập, công ăn việc làm bấp bênh mà phí sinh hoạt lại tăng chóng mặt khiến chúng tôi phải sống tằn tiện. Gạo, cá khô, thậm chí rau phải gửi từ Quảng Ngãi vào chứ mua rau, chai nước mắm, dầu ăn đều tăng… chóng mặt. Cước gửi hàng cũng tăng, may nhà xe quen họ cũng tình nghĩa nên để giá mềm. Hai cha con chỉ biết động viên nhau cố gắng, tiết kiệm chi tiêu tối đa” - ông Mạnh ngậm ngùi.

Nhà kinh doanh đau đầu

Khó chồng khó là tình cảnh của các nhà sản xuất, kinh doanh vào lúc này khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào đều tăng cao 20%-50% so với trước đây, trong khi sức mua giảm.

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn, nhận xét cơn bão giá đang tác động tiêu cực đến nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là nền kinh tế mở nên cũng chịu tác động gián tiếp. Ví dụ, lạm phát tăng cao khiến đồng yen của Nhật bị mất giá khiến xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng.

“Khi đồng yen mất giá, chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh. Nếu trước đây đối tác Nhật Bản mua hàng Việt có lời 13 đồng thì nay đồng yen suy yếu, họ chỉ còn lãi dưới 10 đồng. Chưa kể sức mua giảm, nhà nhập khẩu Nhật không có lãi nhiều nên có thể họ sẽ giảm nhập khẩu hàng từ Việt Nam” - ông Long dẫn chứng.

Chia sẻ về giải pháp vượt qua áp lực chi phí đầu vào tăng cao, ông Long cho rằng quan trọng nhất là phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Để làm được điều này thì DN phải liên kết chặt chẽ với người nông dân, các hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu.

“Ngoài ra, chúng tôi tính toán lại cơ cấu sản phẩm với giá trị lợi nhuận thu được. Ví dụ, những sản phẩm bán được nhiều nhưng lợi nhuận chỉ 5% thì giảm dần, tập trung hơn cho những sản phẩm có giá trị lợi nhuận 10%-15%” - ông Long tiết lộ.

Các công ty trong ngành lương thực, thực phẩm cũng đang chật vật ứng phó với bão giá nguyên liệu đầu vào tăng. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập đã tăng 20%-30%, nguyên liệu trong nước cũng tăng giá. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao khiến các nhà sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn trong phục hồi. Dù vậy, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang nỗ lực để duy trì giữ giá bán hoặc không tăng sốc.

Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cũng thông tin lúc này cộng đồng DN rất khát vốn. “Chúng tôi mong muốn ngân hàng nghiên cứu đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng. Qua đó để các DN sớm tiếp cận có vốn cho sản xuất, kinh doanh và phục hồi” - bà Chi kiến nghị.

Ông LÊ DUY HIỆP,Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam:

Cần giảm, hoãn thu các loại phí đến hết năm

Chi phí xăng dầu chiếm 30%-35% chi phí logistics. Giá xăng dầu tăng không chỉ gây khó khăn cho DN logistics mà còn buộc các công ty trong các lĩnh vực khác phải tăng giá dịch vụ, sản phẩm hàng hóa để bù đắp, duy trì hoạt động. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như khả năng cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam.

Để giảm chi phí logistics, các công ty buộc phải thay đổi phương thức điều hành, thay đổi phương thức vận chuyển sao cho hợp lý cũng như phát triển mạnh đội tàu biển Việt Nam. Ngoài ra, để giảm chi phí, DN logistics nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số cũng như sắp xếp lại tổ chức tinh gọn hơn, hiệu quả hơn.

Ngoài sự nỗ lực của bản thân các DN, chúng tôi kiến nghị TP.HCM hoãn thu phí hạ tầng cảng biển trong bối cảnh chi phí đầu vào đang tăng cao. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét giảm hoặc hoãn thu các loại phí hạ tầng cầu đường từ nay đến hết năm để hỗ trợ người dân lẫn DN.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa,Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa:

Tăng giảm trừ gia cảnh, giảm thuế cá nhân

Mức giảm trừ bản thân 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với mức sống của người dân và trong bối cảnh mặt bằng giá cả hàng hóa tiêu dùng đều đội giá như hiện nay.

Vì vậy cần phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lẫn phụ thuộc. Mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì quy định cứng ở mức cố định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng khấu trừ tiền học phí, tiền thuê nhà, tiền điều trị bệnh nan y, lãi vay mua nhà… cho người lao động.

QUANG HUY - PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chat-vat-truoc-con-bao-gia-don-dap-post685615.html