Chật vật tìm việc làm

Tại hội chợ việc làm vừa được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhằm tạo cơ hội cho người lao động, đặc biệt là những lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trở về tìm được việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống sau khi về nước thu hút được một lượng lớn doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia.

Yêu cầu về tiền lương quá cao?

Tại hội chợ có 72 doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia tuyển dụng với 1.158 vị trí làm việc. Qua đó có thể thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đóng tại Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn tuyển dụng nhân sự có trình độ, chuyên môn.

Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, việc các doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng nhiều ngành nghề cho thấy tình trạng khan hiếm lao động đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là các lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã có tay nghề trong sản xuất, có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và có tính kỷ luật trong công việc cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm lần này cho thấy, cho dù có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng được rất ít so với nhu cầu.

Thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản khi về nước không dễ để có thể tìm được công việc phù hợp.

Lý giải về điều này, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB&XH) cho rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động theo các chương trình EPS và IM Japan rất lớn vì lý do người lao động động tham gia các chương trình này được đánh giá là có kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề và khả năng ngoại ngữ cũng được nâng lên rất nhiều, song thực tế, tỷ lệ lao động đáp ứng được nhu cầu lại chưa cao.

Lí do là trong thời gian làm việc tại nước bạn, số lao động có ý thức và quyết tâm để trau dồi các kỹ năng nghề cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ không nhiều.

“Người lao động luôn muốn tìm công việc với mức thu nhập cao hơn lao động phổ thông nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng. Chính vì vậy, người lao động tham gia xuất khẩu lao động cần có ý thức hơn nữa trong việc tự nâng cao trình độ để sau này về nước có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn”, bà Lan chia sẻ.

Không chỉ là yếu tố tiền lương

Bùi Văn Thanh, một thực tập sinh Nhật Bản về nước đến nay đã được hơn 1 năm. Quê ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) ngay khi về nước, Thanh đã quay trở ra Hà Nội để tìm một công việc phù hợp, thế nhưng sau nhiều lần đi phỏng vấn, Thanh vẫn thất nghiệp. Lý do là không doanh nghiệp nào có ngành nghề phù hợp với công việc mà Thanh đã làm khi thực tập sinh tại Nhật Bản.

“Công việc của em khi đi làm thực tập sinh tại Nhật Bản là chuyên ngành nông nghiệp trong nhà kính. Thực tế kỹ năng của em chỉ chuyên về mảng này, nhưng về đây muốn đi làm lại không có việc. Muốn làm được việc khác thì giờ em lại phải đi học lại từ đầu. Qua các cuộc phỏng vấn, họ đánh giá vốn tiếng Nhật của em khá tốt, nhưng đều lắc đầu vì không có những vị trí việc làm phù hợp”, Thanh chia sẻ.

Với số vốn kiếm được khi đi làm ở Nhật, Thanh dự định sẽ về quê để mở một nhà hàng ăn uống để kinh doanh sau hơn 1 năm tìm kiếm cơ hội việc làm mà không được.

Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Mạnh Hùng (quê ở Kiến Xương, Thái Bình) về nước cuối năm 2016 sau một thời gian đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử. Với vốn ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc nhất định, anh Hùng mong muốn sau khi về nước sẽ kiếm được một công việc ổn định, có thu nhập khá tại các doanh nghiệp lắm ráp điện tử trong nước hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, gần một năm đi xin việc và thử nhiều vị trí khác nhau, anh Hùng vẫn chưa thể tìm được một công việc ưng ý. "Muốn làm ở vị trí tốt như quản lý hay phiên dịch thì kinh nghiệm chưa đủ mà phải đòi hỏi đến bằng cấp. Còn vị trí công nhân mức lương thấp mà công nghệ của doanh nghiệp không cao nên không áp dụng được những kỹ năng tôi đã học được khi đi làm việc tại Hàn Quốc", anh Hùng nói.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khi nghiên cứu về Chương trình thực tập sinh kỹ năng Việt Nam, làm việc tại Nhật Bản, thực tập sinh được đào tạo nhiều kỹ năng lao động chất lượng cao, có thể kiếm được 44.500 USD. Sau khi trừ các khoản chi phí ban đầu, thực tập sinh Việt Nam sẽ tiết kiệm được 23.000 USD sau 3 năm lao động tại Nhật Bản.

Nhưng sau khi về nước, trình độ và nguyện vọng của họ không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo tại một trong những thị trường lao động chất lượng cao của thế giới.

“Công việc tại Nhật Bản của 49% thực tập sinh không liên quan đến công việc mà họ đã làm hoặc từng học trước đó. Hiện nhiều thực tập sinh Việt Nam từ Nhật Bản về không phát huy được các kỹ năng đã được đào tạo tại Nhật Bản, thậm chí khó hòa nhập với xã hội và môi trường làm việc dù có những “kỹ năng quốc gia của Nhật”.

Có đến 61% thực tập sinh sau khi về Việt Nam lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm tại Nhật Bản. Khảo sát thực tập sinh theo loại hình nghề nghiệp thì trước khi đi Nhật, 5,26% thực tập sinh thất nghiệp nhưng sau khi về thì số lượng thất nghiệp lại tăng lên đến 11,4%”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết.

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia lao động TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mới chỉ chú trọng chính sách đưa lao động đi xuất khẩu và chưa có chính sách cụ thể cho việc tái hòa nhập khi trở về để có thể sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã học hỏi được từ nước ngoài.

Việc chưa tận dụng được nguồn nhân lực này là một sự lãng phí, vì thực tế có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nguồn lao động này.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/chat-vat-tim-viec-lam-521905/