Chật vật suất học trường công, vì đâu?

Sau khi Sở GD&ÐT Hà Nội công bố danh sách các trường THPT công lập hạ điểm chuẩn, ngay trong ngày 5/7, một đợt song 'rút - nộp hồ sơ' ồ ạt từ trường ngoài công lập về trường công lập đã diễn ra. Các chuyên gia nhận định, việc Hà Nội chỉ đảm bảo 60% học sinh được học trường THPT công lập, chính là nguyên nhân của việc thi vào lớp 10 căng thẳng hơn cả thi vào ÐH.

Phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ tại trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) sáng 5/7.

Sáng ngày 5/7, tại Trường THPT Nhân Chính, nhiều phụ huynh kéo đến xếp hàng từ sớm để giữ chỗ nộp hồ sơ cho con. Nhiều trường hợp cả vợ chồng đều xin nghỉ việc để chia nhau, người đi rút hồ sơ từ trường tư, người đến nộp ở trường công. Anh Đỗ Văn Hoàng (quận Thanh Xuân) cho biết, khi thấy con điểm thấp hơn kỳ vọng, gia đình đã đến nộp hồ sơ vào trường Lương Thế Vinh. Vậy nhưng, trường vẫn làm khó không cho rút toàn bộ tiền đặt cọc trước đó để tôi mang hồ sơ sang nộp vào THPT Nhân Chính”, anh Hoàng nói.

Trong không khí nóng bức, ngột ngạt nhiều phụ huynh tỏ rõ sự mệt mỏi. Một vị chia sẻ, vì tương lai của con nên phải vất vả thậm chí nhẫn nhục chờ đợi để con được một môi trường học tốt hơn.

Giáo dục phải vì quyền lợi người dân

Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Hà Đông cũng cho rằng, chủ trương của Hà Nội chỉ đảm bảo từ 60-62% học sinh có suất học trường công là nhằm tạo điều kiện để các mô hình giáo dục khác như trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, dạy nghề phát triển.

Phát triển các loại hình khác cũng tốt, tuy nhiên một số trường chưa khẳng định được chất lượng, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ chưa đáp ứng nên người dân chưa yên tâm để lựa chọn. Đây là bài toán buộc sở giáo dục Hà Nội phải giải quyết, vì trước khi cấp phép thành lập trường tư thục phải rà soát các điều kiện nhằm đảm bảo được chất lượng. Vị Hiệu trưởng này đề xuất, trong vài ba năm tới, Hà Nội nên giao thêm chỉ tiêu cho các trường vẫn còn khả năng đảm đương được để “gánh” bớt nỗi khổ cho người dân. “Tại sao phải nhất thiết 60% mà không phải 80% hay hơn thế nữa, trong khi nhiều trường THPT công lập nội thành hiện còn thừa nhiều giáo viên cũng như cơ sở vật chất có thể đáp ứng. Không vì lợi ích của các loại hình khác mà quên đi quyền lợi của con em là được học hành”, vị hiệu trưởng này nói.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, thực tế hiện nay ngoài trường công lập còn có hệ thống các trường đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường tư thục hoạt động. Tuy nhiên, nên đặt quyền lợi của người dân lên trên hết để giải quyết các vấn đề. Nếu họ tốt thật sự, đảm bảo quyền lợi thật sự cho người dân, tại sao người dân không tin tưởng, không lựa chọn? Giáo dục là môi trường nặng về đạo đức, cần có đạo đức để giáo dục lại con người, dù Luật giáo dục cho phép nhưng cũng nên hướng theo chiều có lợi cho học sinh. “Nói thẳng ra, nếu hệ thống các mô hình trường học khác chưa đảm bảo, chưa khiến người dân tin tưởng thì những người phụ trách giáo dục cũng nên xem lại, không nên cứng nhắc”, ông Dong bày tỏ.

Cũng theo ông Dong, trong điều kiện Luật giáo dục đang sửa đổi hiện nay, Bộ GD&ĐT nên chỉnh sửa sao cho đảm bảo chỗ học cho học sinh, và phải được cụ thể hóa bằng Luật chứ không phải bằng lệ. Trong Luật giáo dục hiện nay, chúng ta mới chỉ phổ cập hết THCS. Phổ cập có nghĩa là trẻ em được đến trường, nhà nước phải lo kinh phí. Gia đình nào không cho con đến trường là phạm Luật. “Tôi phản đối việc cho các trường THPT công lập tự chủ. Bởi vì, khi tự chủ anh vẫn chịu trách nhiệm trước nhà nước về trang thiết bị, cơ sở vật chất, học thuật. Tuy nhiên, ngay cả việc trường ngoài công lập được tự chủ, không có nghĩa là được thu các khoản tiền của phụ huynh vô tội vạ”, ông Dong nói.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, vấn đề tuyển sinh lớp 10 tuy chỉ nóng ở Hà Nội và TPHCM nhưng Bộ GD&ĐT cũng cần phải chỉ đạo giải quyết, không thể phó thác hoàn toàn cho các sở được.

Được biết, trên thế giới hiện nay, nhiều nước đã phổ cập giáo dục phổ thông, nhà nước lo chỗ học miễn phí cho học sinh từ mẫu giáo đến hết THPT. Đa số các nước khi học đến THCS, học sinh buộc phải phân luồng: một số sẽ đi học nghề song song học văn hóa, một số tiếp tục học văn hóa hết THPT để vào đại học. Hầu hết thanh niên châu Âu đều có trình độ THPT nhưng được định hướng, phân luồng rõ nét. Một chuyên gia nhận xét, cách làm của nước ta như hiện nay chưa thể gọi là phân luồng được, đó là cách làm nửa vời rất lãng phí thời gian lẫn tiền bạc của cả gia đình và xã hội.

Nguyễn Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/chat-vat-suat-hoc-truong-cong-vi-dau-1296541.tpo