Chất vấn và hỏi - đáp, giống hay khác?

Cùng là thủ tục mà ở đó các nghị sĩ hỏi và các bộ trưởng hoặc Thủ tướng Chính phủ trả lời nhưng ở một số nước đó là phiên chất vấn, ở một số nước khác lại là phiên hỏi - đáp. Vậy hai thủ tục này thực chất chỉ là một hay khác nhau, và nếu khác thì khác ở điểm nào?

Hình thức chất vấn

Chất vấn (interpellation) là quy trình trong nghị viện nhiều nước nhằm yêu cầu Chính phủ giải thích một động thái hoặc chính sách của mình.

Thông thường, hình thức chất vấn được áp dụng ở các nước với chính thể đại nghị (Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển, Nhật Bản, Na Uy…). Nhưng hình thức này lại không được biết đến ở Anh, mà thay vào đó, phiên hỏi - đáp (question time) đóng vai trò rất lớn.

Cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison trong một phiên chất vấn tại Hạ viện Nguồn: ABC News

Cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison trong một phiên chất vấn tại Hạ viện Nguồn: ABC News

Hình thức hỏi - đáp

Phiên hỏi - đáp là một hình thức để Nghị viện giám sát hoạt động của hành pháp. Các câu hỏi được đặt ra xét cho cùng là yêu cầu các thành viên Chính phủ giải thích về một vấn đề nào đó hoặc yêu cầu Chính phủ cho biết thông tin về một vụ việc và yêu cầu Chính phủ giải quyết các vụ việc đó.

Hình thức hỏi - đáp thường chỉ có ở những nước theo chính thể đại nghị, nhưng ở một số nước theo chế độ tổng thống như ở Philippines, vào thứ năm hàng tuần, các thành viên Chính phủ cũng phải ra trả lời trước Nghị viện. Các câu hỏi thường bao trùm mọi lĩnh vực chính sách, và ở nhiều nước theo mô hình Anh, các bộ trưởng trả lời các câu hỏi theo thứ tự, tính trung bình mỗi bộ trưởng xuất hiện một lần trong một tháng. Trong đó, các câu hỏi dành cho người đứng đầu hành pháp có ý nghĩa quan trọng. Chẳng hạn, ở Zambia, Phó Tổng thống đồng thời là nghị sĩ phải trả lời các câu hỏi dành cho Tổng thống.

Phiên hỏi - đáp được thực hiện theo hai hình thức: Câu hỏi miệng và câu hỏi viết. Câu hỏi miệng do nghị sĩ đặt ra để yêu cầu các thành viên của Chính phủ trả lời trực tiếp trong một khoảng thời gian nhất định đã được đưa vào lịch làm việc định kỳ của Nghị viện gọi là “thời gian hỏi đáp” (question time). Ở Viện dân biểu Vương quốc Anh, thời gian hỏi đáp diễn ra trong khoảng từ 2 giờ 20 phút đến 3 giờ 30 phút chiều các ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư, từ 11 giờ 30 phút cho đến 12 giờ 20 phút ở các ngày thứ năm, ngày thứ sáu. Còn ở Thụy Điển, thời gian dành cho các câu hỏi được tổ chức vào các ngày thứ năm hàng tuần. Khá nhiều nước cho phép các nghị sĩ đặt câu hỏi phụ sau khi bộ trưởng trả lời câu hỏi chính, tạo điều kiện làm rõ những điểm mà bộ trưởng vô tình hay cố ý trả lời chung chung hoặc “quên”.

Đối với câu hỏi viết trong hình thức hỏi - đáp, việc trả lời các câu hỏi này được thực hiện bằng cách: các thành viên Chính phủ được hỏi phải soạn câu trả lời bằng văn bản và có thể được gửi trực tiếp đến người hỏi (như ở Thụy Điển) hoặc được đăng tải trong Công báo riêng của Viện (như ở Viện dân biểu của Anh).

Thường thì các nghị sĩ thích đặt câu hỏi miệng hơn vì qua đó họ có thể được đặt thêm các câu hỏi phụ và thủ tục tiến hành cũng linh động hơn, đặc biệt nó có thể chỉ ra những điểm yếu của các chủ thể trả lời khi các câu hỏi chưa được chuẩn bị trả lời kỹ càng.

Một khía cạnh liên quan đến thủ tục hỏi - đáp là vấn đề có cần thông báo trước về câu hỏi hay không, vì nếu phải thông báo quá sớm sẽ làm mất hiệu quả của hình thức giám sát này. Theo một cuộc khảo sát, ở 55 Nghị viện cần phải thông báo trước qua Ban Thư ký Nghị viện mới được nêu câu hỏi tại hội trường trong phiên hỏi - đáp. Thời gian thông báo trước từ một ngày đến 15 ngày, trong đó phần lớn Nghị viện yêu cầu thông báo trước một ngày. Tuy nhiên, đối với những vấn đề cấp bách mới xảy ra, chỉ cần gửi thẳng câu hỏi cho chủ tịch viện, và nhân vật này sẽ quyết định câu hỏi có được nêu hay không. Hình thức đặt câu hỏi ra đời những năm 1835 ở Nghị viện Anh, và bắt đầu được áp dụng đều đặn vào năm 1869. Cho đến nay, hình thức này trở thành thông dụng với trên 200 câu hỏi được đưa ra mỗi ngày.

Sự khác biệt của hai hình thức

Sự khác biệt thứ nhất là về phạm vi vấn đề. Với hình thức hỏi - đáp, các nghị sĩ hỏi Chính phủ về mọi vấn đề trong một phiên họp. Mục đích của loại chất vấn này là để kiểm tra xem vị bộ trưởng có nắm chắc công việc không, hoặc để cảnh báo về những vấn đề đang phát sinh trong xã hội. Câu hỏi chỉ yêu cầu cung cấp thông tin về một sự việc cụ thể nào đó và không được bao hàm sự buộc tội. Khác với hỏi - đáp, hình thức chất vấn có phạm vi vấn đề rộng hơn, thường đề cập đến các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia. Ví dụ ở Hạ viện Bỉ không được chất vấn về các vấn đề địa phương, hoặc các vấn đề lợi ích riêng tư.

Khác biệt thứ hai là về hệ quả của thủ tục. Phiên hỏi - đáp khác với phiên chất vấn ở chỗ không đi đến một cuộc biểu quyết thỏa mãn hay không thỏa mãn với câu trả lời của Chính phủ. Hình thức giám sát này tạo điều kiện cho các nghị sĩ năng lực của Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề của quốc gia. Trong khi đó, một đặc điểm của chất vấn là nó dẫn đến những cuộc thảo luận chung ở Nghị viện. Loại chất vấn này bao giờ cũng dẫn tới việc Nghị viện sẽ thông qua một nghị quyết về trách nhiệm của quan chức có liên quan và về các giải pháp được đề ra để giải quyết vấn đề. Và trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến kiến nghị về bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ.

Nguyễn Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chat-van-va-hoi---dap-giong-hay-khac-i291789/