Chất vấn trách nhiệm, Bộ trưởng cam kết xem xét

Ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn. Những dự án tiền tỷ nằm đắp chiếu gây lãng phí, thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân; và việc khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra là những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm yêu cầu các tư lệnh ngành làm rõ.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt chất vấn bộ trưởng tại hội trường ngày 15/11.

Xử lý hình sự nếu cố tình vi phạm

Tôi rất lo ngại khi mà cơ quan nhà nước chỉ quyết chủ trương còn lại do chủ đầu tư thực hiện. Nói công nghệ không phù hợp thì vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ đến đâu, trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu trong quản vốn, không thể khoán trắng đến khi thua lỗ thì lại báo cáo Quốc hội”- ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh.

Bộ trưởng Bộ Công thương là người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn. Mở màn, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn sai phạm liên quan đến 5 dự án thua lỗ hơn 30 ngàn tỷ gồm: Xơ Sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Nguyên liệu sinh học Ethanol Dung Quất. “Đâu là trách nhiệm của cơ quan quản trị doanh nghệp và đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước?” - ông Sinh nói.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: 5 dự án này đều được đầu tư từ năm 2003 đến năm 2008 và kéo dài đến nay. Từng dự án cụ thể do đặc thù nên diễn biến khác nhau, đánh giá chung tổng thể thì rất khó. Nhưng có điểm chung là đều kéo dài so với thời hạn đã được phê duyệt, có dự án như Đạm Ninh Bình không quyết toán được dù nhà máy đã vận hành. Điểm chung là các dự án đều được đầu tư trong thời gian thị trường thế giới có biến động, tác động rất mạnh vào hiệu quả và tính khả thi các dự án. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nguyên nhân là do năng lực chủ đầu tư các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là các ban quản lý dự án còn hạn chế. Hay như năng lực của chúng ta trong đàm phán, ký kết thực hiện dự án liên quan khả năng thực hiện của các nhà thầu. Quá trình thực hiện có vướng mắc, đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước nhưng giải pháp chưa hiệu quả do nhiều lý do. Phải đánh giá đầy đủ khách quan, chủ quan, căn cứ pháp lý để làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ là các giải pháp cần được nghiên cứu xem xét tổng thể, đảm bảo mục tiêu bảo vệ vốn, lợi ích tài sản nhà nước và doanh nghiệp. Các giải pháp đưa ra phải dựa trên kinh tế thị trường phù hợp với hội nhập và cam kết quốc tế.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau kỳ họp Quốc hội này Chính phủ sẽ có hướng giải quyết triệt để. Việc xử lý trách nhiệm và rút ra bài học để không xảy ra tình trạng tương tự. Tuy vậy cần làm thận trọng, đánh giá đúng, đầy đủ theo quy định pháp lý, nhất là từng giai đoạn khác nhau, xem xét trách nhiệm các cấp quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân trong đó phân định làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, vô tình hay cố tình.

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Trong thời gian tới doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới mô hình quản trị, thực hiện quản lý với nguồn vốn mà Nhà nước chủ sở hữu, làm rõ khung pháp lý và chủ trương phát triển vai trò doanh nghiệp nhà nước, rồi vai trò các bộ quản lý của nhà nước, đặc biệt trong quy hoạch cần đổi mới phương thức quản lý và chất lượng công tác quản lý, nhân lực để xây dựng quy hoạch chiến lược và thực hiện chiến lược.

Không đồng tình, ông Sinh cho rằng “Bộ trưởng chưa trả lời trách nhiệm quản lý nhà nước gây ra thua lỗ thì Bộ làm rõ đến đâu và quản trị doanh nghiệp thế nào?”

Giải trình tiếp, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 5 dự án nói trên kéo dài đã lâu, từ lúc chưa có vai trò của bộ chủ quản nên đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm cần có thời gian. Bởi trước đây là giao cho các tập đoàn, tổng công ty quản lý, còn sau năm 2012 mới thực hiện chế độ Bộ chủ quản nên sẽ được xem xét làm rõ trách nhiệm. Còn quản trị doanh nghiệp thì sẽ xem xét trong khuôn khổ pháp luật xem làm sai cố ý hay vô tình. Hiện một số dự án còn đang tiếp tục thanh tra, phải có thời gian mới xử lý triệt để.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Không loại trừ cố tình làm sai, làm không đúng
trong quản trị doanh nghiệp, dự án. Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra
Chính phủ, có dự án có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, có dự án có kết luận
của Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và sau đó
báo cáo đại biểu Quốc hội. Nếu cố tình sai phạm thì chắc chắn
xem xét trách nhiệm, kể cả hình sự”.

Nhiều nơi không biết thông tin thủy điện xả lũ vì...mất điện

Nhiều ĐB bày tỏ bức xúc trước việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, chưa bao giờ tính mạng con người lại mong manh đến thế. Thủy điện Hố Hô, An Khê- Ka Nak bất ngờ xả lũ gây ngập lụt, khiến người dân thiệt hại. Bộ trưởng sẽ xử lý thế nào? Trách nhiệm sai phạm đến đâu, bao giờ người dân được đền bù. Bất cập xoay quanh vận hành cái gọi là đúng quy trình có được loại bỏ không? Giải pháp của Bộ trưởng thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Về cơ bản chúng ta đã khai thác hết các tiềm năng thủy điện lớn của đất nước, các dự án thủy điện nhỏ và vừa đã thực hiện theo Nghị quyết 62 của Quốc hội để xem xét, đánh giá lại và đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không đảm bảo làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống xã hội của nhân dân. Hiện có hơn 336 các dự án thủy điện, qua quá trình phát triển thì chức năng quản lý nhà nước về thủy điện được phân bổ cho các Bộ ngành như Bộ Công thương là chủ đạo trong quản lý nhà nước về vấn đề năng lượng và thủy điện; còn các Bộ như: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham gia quản lý trong các khía cạnh khác.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, có thực tế tồn tại trong thời gian qua là các đập khi xả lũ thường gây ra bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Qua quá trình kiểm tra, Bộ Công thương thấy rằng quy trình của chúng ta có nhưng việc chấp hành quy trình nhiều khi còn máy móc, nguyên tắc.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tới đây Bộ sẽ đánh giá lại toàn bộ chất lượng quy trình xả lũ cũng như các phương án tham gia phòng chống lụt bão vùng hạ du; làm rõ trách nhiệm kể cả chính quyền địa phương các cấp cũng như chủ đập thực hiện nghiêm các chế tài. Các doanh nghiệp mà thực hiện không đúng sẽ không cho tham gia hoạt động điện lực và sẽ rút phép các dự án đó.

Bà Dung tiếp tục tranh luận: Vấn đề này không mới và cho đến nay ngày càng trầm trọng hơn. 5 giờ chiều mới thông báo thì người dân không biết đi đâu và nước ngày càng dâng cao vậy bà con đi đâu?

Trước vấn đề này, trả lời về việc Bí thư tỉnh không biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: Vì chủ nhà máy thủy điện báo cho Ủy ban phòng chống lụt bão tại địa phương. Do mất điện nên thông tin không đến được Chủ tịch các xã tại địa phương. Quy trình này cho thấy có vấn đề vì vậy chắc chắn thời gian tới Bộ sẽ đánh giá lại toàn bộ tất cả việc xây dựng thẩm định phê duyệt quy trình xả lũ cũng như quy định pháp lý liên quan đến đảm bảo an toàn của địa phương khi các thủy điện xả lũ ở hồ thủy điện và tham gia phòng chống lụt bão ở địa phương và sẽ báo cáo tới các ĐBQH.

Liên quan đến vấn đề vỡ đường ống dẫn thủy điện sông Bung 2 mà ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đặt ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là sự cố đáng tiếc. Ngay sau khi xảy ra sự cố Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra do một Thứ trưởng làm trưởng đoàn. Qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu cho thấy vấn đề thiết kế và giám sát thi công. Hiện Bộ đang chỉ đạo EVN và địa phương làm rõ nhưng đang đợi khi bớt lũ mới xét nghiệm và đánh giá được, cho nên xin báo cáo Quốc hội sau nhưng chắc chắn sẽ có trách nhiệm trong xử lý và hướng khắc phục.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Về sự cố Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm. Sau khi xác định, chỉ ra được các vi phạm của Formosa, chỉ ra các nguyên nhân cũng như nguồn gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ra sự cố ô nhiễm môi trường chúng ta đã xác định rõ và tập trung vào 3 nhóm, thứ nhất liên quan đến nước thải, nhóm hai là khí thải và nhóm ba là chất thải rắn, các vấn đề về công nghệ sản xuất, quy trình và công nghệ xử lý".

Giám sát chất thải của Formosa 24/24

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn chất vấn. Vấn đề Formosa gây ô nhiễm môi trường vậy biện pháp nào để xử lý ô nhiêm trong thời gian tới và giám sát Formosa không gây ô nhiễm nữa được nhiều ĐB đề cập yêu cầu Bộ trưởng Hà làm rõ. Theo ông Phương, việc đền bù hỗ trợ cho các hộ dân do Formosa gây ra chỉ mới áp dụng đối với 7 đối tượng và 6 tháng. Có nhiều điểm chưa hợp lý đặc biệt để sót một đối tượng như: Dịch vụ du lịch, dịch vụ kinh doanh buôn bán hải sản, đơn vị thu mua chế biến thủy hải sản gây băn khoăn khiếu kiện làm cho tình hình phức tạp thêm gây sức ép đến cán bộ thôn. Vậy Bộ trưởng giải quyết vấn đề tồn đọng này như thế nào?

Theo ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) sự cố Formosa gây ra đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này, các dự án đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt nhưng có trường hợp báo cáo dự án này lại có tên công trình khác. Vừa qua cử tri lo lắng khi trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, Bộ trưởng cho biết khả năng chịu đựng môi trường của chúng ta đã giới hạn. Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đây là nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm. Trước tiên là chúng ta đã dồn sức giải quyết hậu quả do sự cố gây ra cũng như quan tâm đời sống của người dân trước mắt và lâu dài. “Bộ đã thành lập đoàn liên ngành gồm nhà khoa học của các Viện có uy tín để cùng nhau xem xét và đánh giá kế hoạch để yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. Tổ công tác do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ trực tiếp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập một Ban trực tiếp giám sát 24/24 về chất lượng nước thải khí thải và quản lý chất thải rắn của Formosa”-Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Về biện pháp xử lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Về quy chuẩn, nếu quy chuẩn Việt Nam chưa có thì áp dụng mức cao nhất của quốc tế. Còn chúng tôi tập trung vào vấn đề công nghệ xử lý đối với nước thải thì đối với tất cả các khâu nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và sinh hóa phát sinh từ các nguồn thải nhà máy luyện cốc, hay cảng của Formosa thì đều được xem xét và có quy trình xử lý cụ thể. Kèm theo là luôn luôn tính toán nếu xảy ra sự cố thì có các biện pháp phòng ngừa sự cố, tức là có hồ để xử lý sự cố và cá nguồn thải được kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị tự động quan trắc đầy đủ các thông số và được chuyển thẳng về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chúng tôi có tính toán tồn tại về công nghệ sản xuất trong giai đoạn từ nay đến năm 2018 Formosa mới hoàn thành nên có yêu cầu các nguồn có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường như khí thải thì yêu cầu tái tuần hoàn xử lý nước luyện cốc kèm theo các chất nguy hại và cuối đường ống yêu cầu có bồn sinh học rộng hơn 10ha được giám sát chất lượng để đáp ứng được quy chuẩn về môi trường, và kèm theo các quy chuẩn đó là đặt ra nghiêm ngặt hơn áp dụng các quy chuẩn với nguồn thải cuối cùng.

Để đảm bảo tính bền vững theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ đã thiết kế hệ thống giám sát toàn diện vấn đề môi trường biển ở 4 địa phương. Hệ thống này giám sát tự động các thông số và có thể hoàn toàn kiểm soát được nguồn thải của Formosa từ khí thải cho đến nước thải. Còn riêng về chất thải rắn và bùn thải nguy hại, Bộ đã yêu cầu Formosa trong thời gian chưa ký hợp đồng với doanh nghiệp có đầy đủ năng lực, điều kiện để xử lý thì lưu giữ trong kho theo đúng quy định hiện nay về quản lý đối với chất thải công nghiệp và nguy hại, đồng thời phối hợp với Hà Tĩnh để thúc đẩy tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp cũng như chất thải nguy hại.

ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên): Những người thực hiện quy trình xả lũ phải thấy trách nhiệm trước dân

Nghe phần trả lời của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về thủy điện Hố Hô, An Khê-Ka Nak xả lũ gây thiệt hại cho người dân, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nói: Tôi chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Công thương. Năm 2013 chính tôi đã chất vấn về vấn đề này khi đó chính là thủy điện An Khê, thời gian thông báo cho đến người dân thì người dân không biết gì. 5 giờ chiều mới xả lũ và 3 bề 4 bên là lũ người dân không biết đi đâu về đâu. Chính quyền cơ sở thì bắc loa gọi bà con hãy leo lên chỗ cao nhất. Tôi rất đau lòng chính vì thế tôi mới phải chất vấn và cho đến nay thì tình hình chưa khả quan hơn.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng

Bộ trưởng trả lời như vậy chưa thuyết phục, chưa đi vào câu hỏi. Ý tôi muốn nói là Bộ trưởng đánh giá cam kết trước đây của Bộ Công thương về vấn đề này thế nào, hay nói cách khác là trách nhiệm của Bộ ở đây ra sao để từ đó tìm ra giải pháp?- ĐBQH Thúy nêu ví dụ, ngay cam kết trước đây và báo cáo gửi đoàn giám sát, gửi Thường vụ Quốc hội năm 2014, Bộ Công thương đã có kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ trong dự án bauxite Nhân Cơ vì thiết kế có độ an toàn quá cao, tôi thấy vấn đề này không logic. Khi duyệt thiết kế hồ sơ bùn đỏ này Bộ Công thương căn cứ vào tiêu chuẩn nào để phê duyệt mà bây giờ báo cáo đoàn giám sát cho rằng tiêu chuẩn quá cao, xin giảm xuống? Trong khi chúng ta biết rằng, trên thế giới, người ta sợ nhất bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ bauxite vì nó chứa độ kiềm cao đến 12pH, mà công nghệ trên thế giới hiện nay lại chưa giải quyết được. Tôi mong muốn có được câu trả lời thỏa đáng.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Khá hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

Theo ông Phương “trả lời này không phải trả lời cho bản thân tôi mà Bộ trưởng đã thổi niềm tin của Bộ trưởng đến người dân Quảng Bình nói chung và nhân dân các tỉnh miền trung nói chung, cũng như cử tri cả nước quan tâm đến vấn đề Formosa sả thải thời gian vừa qua”.

Còn về vấn đề xử lý trách nhiệm quản lý Nhà nước vụ Formosa, ông Phương cho biết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có trả lời bằng văn bản gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Trong văn bản, Bộ trưởng có nói rằng, sẽ có những giải pháp để quy trách nhiệm và xử lý, cũng như nêu ra những nguyên nhân trậm trễ trong việc xử lý trách nhiệm. Trong đó, có nói do tính chất phức tạp nên cần thời gian để điều tra.

H.M-T. Dương (ghi)

H.Vũ- M.Loan

Từ khóa

chất vấn trách nhiệm bộ trưởng cam kết xem xét

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/chat-van-trach-nhiem-bo-truong-cam-ket-xem-xet/134777