Chất vấn nóng về amiang trắng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trả lời kiến nghị doanh nghiệp về việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam, sáng nay (3/11), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình liên quan đến vấn đề này. Cuộc trao đổi ngày càng 'nóng' vì nhiều ý kiến chất vấn các nội dung còn chưa rõ khi đề xuất ban hành lệnh cấm amiang trắng từ Bộ ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sợi amiang trắng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và 90% sản lượng sợi amiang trắng nhập về Việt Nam được sử dụng trong phối trộn sản xuất tấm lợp fibro xi măng, chiếm 6 -8% tỷ lệ phối trộn. Tổng công suất thiết kế của các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng tại Việt Nam hiện nay là 94,4 triệu m2/năm, tuy nhiên sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong những năm gần đây giảm mạnh so với công suất thiết kế. Sản xuất năm 2017 chỉ đạt 55,38% triệu m2/năm, bằng 66% so với năm 2016 và 71,4% so với năm 2015. Tiêu thụ năm 2017 đạt khoảng 53,8 triệu m2/năm, bằng 63,7% so với năm 2016. Tồn kho khoảng 7,4 triệu m2. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết “WHO và ILO khẳng định amiăng trắng độc hại, gây ung thư cho con người khi tiếp xúc trong lao động và sử dụng trong cộng đồng, khuyến nghị cách tốt nhất để phòng chống bệnh amiăng gây ra là ngừng sản xuất các loại amiăng. Vì vậy, cả Bộ Y tế và Bộ Xây dựng đều đồng thuận đề xuất Chính phủ ban hành lệnh cấm dừng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tham dự phiên giải trình đều cho rằng việc chỉ căn cứ vào khuyến cáo của WHO, một số công trình nghiên cứu của nước ngoài xét về mặt lý thuyết thì có vẻ hợp lý nhưng về thực tế thì lại không thuyết phục. Bởi chính Bộ Y tế là cơ quan quản lý sức khỏe của người dân và các ngành nghề liên quan nhưng lại chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về ảnh hưởng của amiang trắng đối với sức khỏe của người lao động và người sử dụng tấm lợp, các loại đường ống dẫn nước, bể nước, mái lợp trang trại chăn nuôi… dù loại sợi này đã được sử dụng tại Việt Nam từ hơn 55 năm qua. Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phản biện: “Trong danh mục các chất độc do Hoa Kỳ xếp loại, amiăng trắng xếp 119, trong khi đó chì và thủy ngân vẫn sử dụng, ở nước ta chưa cấm các chất này, vậy tại sao cấm amiăng? Tại sao chỉ cấm amiăng trong sản xuất tấm lợp mà không cấm trong vật liệu khác?”

Là người đứng đầu đơn vị sản xuất tấm lợp chứa amiăng trắng, ông Lê Văn Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tấm lợp Đông Anh cho biết, đơn vị này đã sản xuất tấm lợp chứa amiăng trắng hơn 30 năm qua, đến nay không có bất kỳ người lao động nào mắc các bệnh ung thư phổi hay ung thư trung biểu mô như WHO đã khuyến cáo. “Không nên nói là không có ngưỡng an toàn, vì nếu không có ngưỡng an toàn thì anh em chúng tôi đã chết từ lâu vì chúng tôi tiếp xúc hàng ngày với amiăng trắng. Chúng ta xác định loại vật liệu nào cũng có độc hại, kể cả cát, sỏi, nhưng khi đầu tư vào nâng cao công nghệ sản xuất thì chắc chắn sẽ giảm bớt được rủi ro mắc bệnh. Để có sự khách quan, vô tư, khi xây dựng văn bản, nghiên cứu nào đó thì các cơ quan, đơn vị đó phải xuống cơ sở. Tôi thấy Bộ Xây dựng ít xuống lắm, Bộ Y tế càng không” – ông Nghĩa cho biết.

Theo Phó Chủ nhiệm UBKHCN và MT của Quốc hội Lê Hồng Tịnh: “Việt Nam cần nghiên cứu thấu đáo, khách quan về vấn đề này. Chúng ta đi tới nền kinh tế thị trường thì tất cả nên để thị trường quyết định. Chúng ta cấm sản xuất hay cấm cả tiêu dùng? 10 nước ASEAN không nước nào cấm, nếu chúng ta cấm thì vô tình tạo điều kiện cho hàng từ các nước này tràn vào. Khi đã hội nhập kinh tế quốc tế, nếu chúng ta cấm mà không đưa ra được bằng chứng chứng minh thuyết phục thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác về thương mại” – ông Tịnh nói.

Nêu ý kiến tại phiên giải trình này, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân và đặc biệt phải có đầy đủ cơ sở pháp lý.

“Tôi có 3 nhiệm kỳ làm HĐND TP Hải Phòng, 1 nhiệm kỳ làm bí thư hyện ủy, nhưng chưa có ý kiến nào của dân kiến nghị về việc dừng sử dụng tấm lợp amiăng xi măng. Vậy tại sao chúng ta lại tự nêu vấn đề này ra?”.

Trở lại với báo cáo của Bộ Xây dựng khi xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương về Dụ thảo đề án, ông Tùng nêu băn khoăn: Có 39/42 bộ, ngành, địa phương, nhất trí với dự thảo Đề án hay nhất trí với nội dung gì? Bởi chúng ta vẫn còn tới 6 nhóm vấn đề phải làm rõ. Các vấn đề liên quan pháp lý, khoa học hôm nay đã thấy vướng rồi. Bộ Xây dựng kiến nghị dành thời gian đến tháng 6/2019 trình Thủ tướng thì có kịp không, khi đó quyết định năm 2023 dừng sử dụng amiăng trắng có phù hợp thực tiễn không?

Ngoài ra, một số đại biểu cũng yêu cầu làm rõ việc cấm sử dụng amiăng trắng căn cứ vào văn bản pháp luật nào? Bởi theo Điều 08 Luật đầu tư, căn cứ điều kiện kinh tế xã hội, thì Chính phủ rà soát các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sửa và bổ sung Điều 06, 07 của Luật Đầu Tư theo thủ tục rút gọn trong đó có amiăng trắng để trình lên Quốc hội, vậy cơ sở pháp lý nào để các Bộ Xây dựng, Bộ Y tế nói là có cơ sở pháp lý để trình thủ tướng dừng amiăng trắng vào 2023. Việc thời gian qua, các bộ, ngành đưa ra các khuyến cáo ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, thiệt hại này sẽ do ai bồi thường?

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mai – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một số nước không cấm amiăng trắng vì họ xuất khẩu còn nước cấm như Nhật Bản thì lại tiếp thị các sản phẩm thay thế amiăng, còn Mỹ và Singapore thì đã bỏ lệnh cấm. “Vậy việc cấm này có xuất phát từ sức khỏe người dân không hay chỉ vì lợi ích kinh tế?” – đại biểu Thanh Mai đặt vấn đề.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đức – Thường trực UB Quốc phòng & An ninh Quốc hội cho rằng “có thể có những cạnh tranh không lành mạnh trọng sản xuất bằng cách sử dụng những bài toán về sức khỏe con người, an toàn an ninh, tạo sức ép xã hội. Trường hợp này có thể chuyển cơ quan chức năng để xem mục đích là như thế nào?”.

Tiếp tục nghiên cứu về amiăng trắng

Trước ý kiến của các đại biểu quốc hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định sẽ tiếp thu và làm rõ các yêu cầu. Hiện nay đề án đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng, chưa báo cáo thủ tướng, chưa có quyết định nào, chưa có lệnh cấm nào. “Do đó, chúng tôi đang cố gắng làm sao đề án đảm bảo các quan điểm như chúng tôi vừa nêu trên. Có lộ trình hợp lý, thay thế sợ amiăng trắng bằng các loại sợi khác, an toàn cho sức khỏe. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi; nghiên cứu sợi trong phối liệu sản xuất tấm lợp, đảm bảo chất lượng, giá thành phù hợp. Đảm bảo vẫn có tấm lợp trên thị trường đáp ứng nhu cầu của khối lượng lớn người dân về tấm lợp, cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân. Tức vẫn giữ dây chuyền sản xuất đã đầu tư, chỉ thay thế phối liệu, tỷ lệ sợ amiăng trong phối liệu mà vẫn đảm bảo được các thông số”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói.

Kết luận Hội nghị, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng dù còn ý kiến khác nhau về vấn đề amiăng nhưng trên hết là đều bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ông Phan Xuân Dũng khẳng định amiăng trắng có ý kiến khác nhau nhưng có thể thấy phần lớn các nước trên thế giới vẫn dùng. Chúng ta không thể ban hành chính sách chỉ dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như ý kiến của một số cá nhân mà Việt Nam cũng có nghiên cứu khoa học và đánh giá thực tiễn, phải có cơ sở xác đáng để người dân yên tâm. Do đó, ông Dũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu về sự nguy hại của amiăng trắng, nghiên cứu lý do các nước khác vì sao vẫn sử dụng amiăng trắng để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về việc có dừng, không dừng hay dừng có lộ trình hay tìm các vật liệu khác tốt hơn, rẻ hơn để thay thế. Cơ quan chức năng tham mưu bất cứ vấn đề gì liên quan đến amiăng trắng phải khách quan, liên quan đến lợi ích tổng thể của quốc gia, đặc biệt là đặt sức khỏe của người dân lên hang đầu.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/chat-van-nong-ve-amiang-trang-1342166.tpo