Chất vấn lĩnh vực nông nghiệp: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm rất chắc vấn đề

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu, minh chứng rất cụ thể, đưa ra giải pháp thực hiện và trách nhiệm của ngành cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8

Sáng nay (6/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ là vị tư lệnh ngành đầu tiên "ngồi ghế nóng" trong phiên chất vấn và trả lời chất kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Cụ thể, đầu giờ sáng, sau phần khai mạc phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề thứ nhất liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn gồm: Chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành: Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đầu giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan;... Tiếp đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất.

11/06/2019 08:30

Các Bộ trưởng cần thể hiện trách nhiệm và đề ra giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn đúng phạm vi chất vấn vào các nhóm chuyên đề.

"Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cần trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi và đặc biệt là phải thể hiện trách nhiệm và đề ra giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện", bà Ngân nói.

Kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để Chính phủ, các bộ ngành triển khai thực hiện và làm cơ sở cho các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát

"Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan và sự tích cực, chủ động của các vị đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn diễn ra dân chủ sôi nổi đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

11/06/2019 08:34

Năm 2019 là năm thử thách đặc biệt cho ngành nông nghiệp

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo bằng các quyết sách trong từng gia đoạn. Chỉ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, khu vực nông nghiệp được thông qua 5 luật rất quan trọng.

Bên cạnh đó có 3 nội dung căn cốt được giám sát gồm: xây dựng nông thôn mới, an toàn thực phẩm và cơ cấu nông nghiệp. Các nội dung này đều giám sát tối cao, tạo bước bứt phá và sự phát triển rất tích cực.

Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, năm 2019 là năm thử thách đặc biệt cho ngành nông nghiệp, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm đạt kết quả, ngành sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất tác hại dịch bệnh, thị trường có nhiều mục tiêu tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường "ngồi ghế nóng" trả lời chất vấn tại nghị trường

11/06/2019 08:37

Số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) về tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền trong cả nước; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp,...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, “số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”.

Bộ trưởng kỳ vọng vào việc sắp tới thông qua luật PPP để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt hướng PPP sẽ tiếp làn sóng đầu tư vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng còn dư địa và thể hiện khát vọng của doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang

11/06/2019 08:59

Khắc phục tình trạng được mùa, mất giá

Trả lời đại biểu Ngô Thanh Danh về giải pháp để tránh tình trạng "được mùa, mất giá", thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng cho biết những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn và đang đi theo chiều hướng tích cực, với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng.

"Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện được mùa, mất giá", ông Cường nói.

Dẫn chứng về việc thừa hạt tiêu, Bộ trưởng Cường cho biết, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.

Do đó, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...

11/06/2019 09:28

Còn 55 'tàu Nghị định 67' nằm bờ

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về việc thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Đại biểu Phan Thái Bình

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển.

“Chúng ta đã phát triển được 1.030 phương tiện, với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên với 3 loại vật liệu: sắt, composite và gỗ. Riêng tàu sắt, thì đây là loại hình đóng mới. Hiện nay có 358 chiếc, tương đương với 34,2%”, Bộ trưởng cho hay.

Hiện nay, còn 55 tàu nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu chết qua đời, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, hay chủ tàu không tích cực tham gia, tàu đến kỳ bảo dưỡng nhưng không đem đi bảo dưỡng, một số chủ tàu muốn chuyển đổi...

Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi, Bộ trưởng phân tích.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.

Bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay, tổng dư nợ và cho vay theo NĐ 67 vào khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu khoảng 33%. Trước tình hình trên, cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo bộ ngành cùng địa phương liên quan để triển khai các biện pháp và gần đây nhất là 30/10/2019, sau khi làm việc với các địa phương và bộ ngành liên quan, cơ quan này đã tiếp tục có báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp căn cơ và sẽ triển khai.

Ngân hành Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng, UBND các tỉnh thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018 trong đó tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp, trong những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ, còn trong trường hợp khác có biểu hiện chây ì thì phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ.

Thống đốc Lê Minh Hưng

11/06/2019 09:40

Xây dựng kế hoạch đầu tư cho nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025

Tham gia giải trình, làm rõ các nội dung thuộc vấn đề nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay đã tương đối đầy đủ.

Có thể kể đến như Nghị định 57 ngày 14/4/2018, hiện đã được các bộ ngành triển khai rất tích cực để xây dựng các chính sách cụ thể, hay Nghị quyết 53 ngày 17/7/2019 của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã chủ trì xây dựng Nghị định 57 và sẽ tham mưu cho Thủ tướng để rà soát quá trình triển khai các giải pháp đã quy định trong Nghị định 57 và Nghị quyết 53.

Về tham mưu bố trí nguồn lực cho đầu tư giai đoạn tới, Bộ trưởng Dũng giải thích, vừa qua chưa triển khai vấn đề này do chính sách mới ban hành, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thông qua và triển khai ở giai đoạn cuối.

Như vậy một số chính sách cần đầu tư theo Nghị định 57 sẽ triển khai vào giai đoạn 2021-2025. Chúng tôi sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương và theo chính sách của Nghị định 57 để xây dựng chương trình dự án cho giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

11/06/2019 10:47

Resort, khách sạn bịt kín đường ra biển, sao lại hỏi Bộ Nông nghiệp?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tình trạng resort, khách sạn bịt kín đường ra biển.

“Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời. Song ông cũng cho rằng “tất nhiên Bộ cũng có trách nhiệm phối hợp với địa phương”.

Câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khiến nhiều đại biểu có mặt tại hội trường bật cười.

Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải, việc này cũng có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp ở khía cạnh hỗ trợ ngư dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở góc độ đó thì bộ ủng hộ, bộ sẽ cùng bà con ngư dân và có trách nhiệm nêu vấn đề đó lên để tháo gỡ.

11/06/2019 10:58

Cây dừa có thể trở thành cây tỷ phú

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cây dừa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cây dừa là cây lợi thế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên của chúng ta.

Hiện nay tích trồng dừa của thế giới đang giảm, trong khi dừa là cây lâu năm, cho nên chúng ta cần phải tập trung. Bên cạnh đó, cây này chịu được độ mặn, nếu tập trung phát triển tốt thì cây dừa có thể là cây tỷ phú được, bởi không chỉ riêng Bến Tre, mà 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đều có loại cây này.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp như: Nghiên cứu các đề tài khoa học, đã giao cho Trà Vinh và một doanh nghiệp nhân giống vô tính cây dừa, vùng nào trồng giống dừa lấy dầu, vùng nào trồng dừa phục vụ công nghiệp chế biến để đem lại hiệu quả... Bộ Nông nghiệp sẽ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai chủ trương này.

11/06/2019 11:05

Vì danh dự, phải gỡ cho được “thẻ vàng EU”

Về vấn đề "thẻ vàng EU", Bộ trưởng cho biết, đây là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác. Hiện nay, Việt Nam bị rút thẻ vàng, theo đó thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.

Trước đây, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo, do đó ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng với Việt Nam. Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU như Luật Thủy sản, ban hành 2 nghị định, 8 thông tư. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác có trách nhiệm, bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, các bộ ngành và 28 tỉnh thành.

Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các địa phương phải quyết liệt, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn và cả bà con ngư dân cũng phải thực hiện đúng quy định vì thương hiệu lâu dài, danh dự của Việt Nam, để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, vì tương lai tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.

11/06/2019 11:30

Trung Quốc yêu cầu 100% mặt hàng phải nhập chính ngạch

Nói về vấn đề khai thác thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đã khai thác được lợi thế khi tiếp giáp thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu thụ nông sản hai nước gần như nhau và có nhóm nông sản bổ trợ cho nhau.

Tuy nhiên, vừa qua Trung Quốc có bước chuyển căn bản về vấn đề tổ chức thị trường nhập khẩu. “Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc thay đổi. Đến nay, Trung Quốc yêu cầu 100% mặt hàng phải nhập chính ngạch. Khó khăn thứ ba là những năm gần đây, Trung Quốc quay trở lại rất chú ý đến nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định cần tính toán 3 nguy cơ trên để cơ cấu lại hướng sản xuất, tổ chức lại thị trường Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ và các địa phương biên giới nắm bắt tình hình để có chương trình hành động chủ động.

11/06/2019 14:02

Đúng 14h00, Quốc hội làm việc, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Theo kế hoạch, sau khi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn đến 14h45, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình làm rõ thêm về nhóm vấn đề nông nghiệp.

11/06/2019 14:28

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về khó khăn của ngành mía đường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận điều này và cho biết, Việt Nam đã đạt được mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn đường, tuy nhiên giá đường Việt Nam đang cao hơn các nước.

Trước tình hình này, nhóm giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Hiệp hội mía đường đưa ra là tăng năng suất mía lên 80-100 tấn/ha; cơ cấu lại các nhà máy đường. Theo ông, hiện tổng công suất các nhà máy mía đường là 2 triệu tấn, trong đó chỉ 31 nhà máy có công suất 3.000 tấn mía/ngày, còn nhà máy công suất 6.000 - 8.000 tấn/ngày rất ít.

11/06/2019 14:54

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu giải trình, làm rõ thêm các nội dung mà đại biểu quan tâm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại nghị trường chiều 6/11

11/06/2019 15:32

'Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm rất chắc vấn đề'

Phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên chất vấn đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi và 14 đại biểu tranh luận. Còn 5 đại biểu chất vấn nhưng chưa được trả lời, 24 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Cùng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.

Chủ tịch Quốc đánh giá, phiên chất vấn đầu tiên đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã diễn ra sôi nổi. Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề.

Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu, minh chứng rất cụ thể, nêu rõ các tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian vừa qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra giải pháp thực hiện và trách nhiệm của ngành cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.

Các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành nông nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này đã được nêu trong phiên chất vấn.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/toan-canh-chat-van-linh-vuc-nong-nghiep-bo-truong-nguyen-xuan-cuong-da-nam-rat-chac-van-de-d110428.html