Chất vấn Kỳ họp thứ 6: Hỏi – đáp ngay thể hiện sự sắc sảo, nắm vững việc của tư lệnh ngành

Tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ dành thời lượng chủ yếu cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí cho hay, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, hình thức chất vấn có nhiều thay đổi để hoạt động này hiệu quả hơn.

Theo đó, khi đăng ký phát biểu, bảng điện tử sẽ có tên và số của ĐBQH đó, bấm một lần máy nhận chứ không cần bấm nhiều lần và xuất hiện tên mình trên bảng.

"Trước đây, tôi cứ canh cánh tìm tên mình mà không biết nằm ở đâu bởi mình cũng cần biết ĐBQH số 5 hay số 7 đang chất vấn thì tới số 10 như mình phải chuẩn bị rồi"- ĐB Nguyễn Anh Trí nêu.

Lần này, số lượng người đăng ký chất vấn cũng tăng lên tối đa khoảng 100 người, trước đây là 80 ĐBQH.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Nam Nguyễn

Cũng theo quy định mới của Quốc hội, thời gian cho tranh luận khi ĐB giơ biển tối đa là 3 phút, thời gian đặt câu chất vấn là 1 phút.

"Tất cả các cải tiến đó làm cho việc chất vấn, hiệu quả hơn"- ĐB Nguyễn Anh Trí cho biết.

Đáng chú ý, một cải tiến nữa, trước đây, cứ hỏi một loạt câu hỏi từ 6-7 câu thậm chí 10 ý kiến thì Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời. "Với cách thức này, rất nhiều câu hỏi của ĐBQH đã bị quên mất vì lãnh đạo bị nhiều câu hỏi quá chứ không né tránh gì đâu, chuẩn bị không kịp. Còn giờ đây, ĐBQH hỏi câu nào, Bộ trưởng liên quan trả lời luôn câu đó sẽ thể hiện sự sắc sảo, nắm vững việc của đồng chí trưởng ngành ấy"- ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu.

Theo đó, ngay sau khi khai mạc phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Buổi chiều chất vấn cuối cùng ngày 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ với thời lượng 45 phút.

Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời luôn câu hỏi tại chỗ cho các câu hỏi liên quan tới lĩnh vực mình phụ trách.

Ngoài ra, trong tuần này, ngày hôm nay, 29/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Thứ 6, ngày 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Nội dung này sau khi được xem xét báo cáo thẩm tra sẽ được thảo luận tại tổ…/.

Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chat-van-ky-hop-thu-6-hoi-dap-ngay-the-hien-su-sac-sao-nam-vung-viec-cua-tu-lenh-nganh-20181028220034212.htm