Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về phát triển nguồn lợi thủy sản và xử lý vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản

Thực hiện Chương trình Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng 06/11, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về phát triển nguồn lợi thủy sản và xử lý vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung làm việc.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, chỉ rõ: hiện nay việc đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản cả nước chủ yếu là do người dân tự chủ về kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt, Bộ trưởng chưa có những giải pháp để giúp người dân tham gia đánh bắt ở kỹ năng, kỹ thuật cao hơn nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các tàu lớn mới đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc đó có đúng không và có giải pháp gì để giúp người dân trong thời gian sắp tới?

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, tổng các phương tiện của chúng ta vào khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có 2.618 với phương tiện rất hiện đại, có công suất từ 800 mã lực trở lên. Tất cả những tàu khai thác hậu cần có công suất lớn khuyến khích ngư dân đóng sau này cũng như ngư dân cùng các địa phương tự tổ chức bỏ tiền ra đóng, đây là những phương hiện đại. Bộ trưởng cho biết rõ, những người dân tham gia đánh bắt thủy hải sản đã được trang bị bằng các trang thiết bị nghề, kể cả máy dò cá, các trang bị phù hợp với phương thức đánh bắt, đấy là những phương tiện lớn. Còn những phương tiện dưới 15m, đặc biệt phương tiện dưới 12m và những phương tiện 6 m thì trang thiết bị còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến năng suất khai thác, hiệu quả kinh tế chưa cao, kể cả về năng suất, kể cả về hao hụt, về hậu cần đều còn chưa đáp ứng được. Về vấn đề này Bộ chủ quản từng bước khắc phục, phải tái cơ cấu lại ngành thủy sản, hải sản theo hướng từng bước hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của chúng ta.

Cũng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn lợi thủy sản, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, đưa ra vấn đề sản phẩm cá ngừ đại dương được xác định là một trong những ngành chủ lực của thủy sản Việt Nam. Hiện giá bán của một con cá ngừ phụ thuộc rất lớn vào khâu bảo quản sau thu hoạch, nếu chúng ta làm tốt khâu bảo quản cá ngừ đại dương nó sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô hoặc thậm chí 2 tỷ đô. Tuy nhiên, việc bảo quản cá ngừ của ngư dân còn lạc hậu, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp và giá trị giao dịch trên thị trường không cao. Vậy, để sản phẩm cá ngừ xứng đáng tiếp tục là một ngành xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng có chỉ đạo như thế nào trong việc xây dựng giải pháp tổng thể dài hạn, trong việc hỗ trợ giúp ngư dân bảo quản tốt cá ngừ sau đánh bắt?

Giải đáp mối quan tâm của đại biểu về vấn đề sản xuất chuỗi cá ngừ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay cá ngừ là một sản vật từ quá trình khai thác vùng biển của chúng ta. Chúng ta đã xuất khẩu tới 650 triệu đô. Phải khẳng định đây là một loại hải sản rất giá trị. Tuy nhiên, Bộ rất đồng tình rằng nếu chúng ta làm tốt hơn thì sản phẩm sẽ cho ra giá trị cao hơn. Về những hạt nhân mô hình hiện nay thì chúng ta đã có những mô hình rất tích cực của tỉnh Khánh Hòa, Bình Định đã có những doanh nghiệp chế biến trên 30 sản phẩm cá ngừ không chỉ xuất khẩu sang Nhật mà hiện nay các siêu thị lớn ở Hà Nội cũng được phân phối sản phẩm đó. Tuy nhiên, sản xuất đại trà thì chưa làm được điều này. Chính vì thế, chuỗi giá trị của chúng ta còn thấp, mới chỉ có 650 triệu đô.

Hơn nữa về tổ chức liên kết sản xuất khai thác thì hiện nay mô hình của Khánh Hòa đã có một doanh nghiệp, một nhà máy liên kết phương tiện của ngư dân của 3 tỉnh, 145 tàu để khi ra khai thác câu được cá ngừ là có ngay tàu hậu cần của chính các công ty này đón nhận, cung cấp nhu yếu phẩm, đưa sản phẩm vào để đưa về sản xuất ngay. Đây cũng là mô hình rất tốt. Như vậy, tới đây chúng ta phải song song cả hai hướng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi trên biển, khai thác trên biển và tập trung nhiều hơn ở công nghệ chế biến để từ đó phát triển ra những sản phẩm chuỗi giá trị đơn giản. Bên cạnh đó cũng cần phát triển thị trường đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cũng tham gia chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nêu rõ, thời gian qua thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo động lực phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn. Chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ cũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đến nay có 55 tàu, trong đó có đến 36 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không duy tu, bảo dưỡng, không thực hiện đăng kiểm trở lại khi hết thời hạn theo quy định. Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Nợ xấu trong lĩnh vực này chiếm 27,8%, trong đó như Quảng Nam nợ xấu trong lĩnh vực này chiếm đến 52,17% tổng dư nợ xấu trên địa bàn. Đồng thời, thời gian qua cũng đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ để trục lợi. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên? Giải pháp nào để các tàu cá không tiếp tục dừng hoạt động và các ngân hàng có thể thu hồi được nợ, chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi?

Bộ trưởng trả lời chất vấn

Bộ trưởng trả lời chất vấn

Xung quanh vấn đề về Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là nghị định của Chính phủ ban hành năm 2014 trong bối cảnh chúng ta rất cần hỗ trợ đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế, cùng với đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Hai nội dung này song trùng, vì năm 2014 xuất hiện hiện tượng các vấn đề của biển Đông rất phức tạp. Do đó, Nghị định số 67 được ra đời, bao gồm năm nhóm nội dung lớn: hỗ trợ, khuyến khích bảo hiểm để cho thuyền viên ra khơi yên tâm; hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm chia sẻ bớt một phần; hỗ trợ công tác hậu cần để có nguyên liệu chia sẻ, đảm bảo các chuyến ra khơi như thế có lời hoặc đảm bảo khuyến khích được; hỗ trợ để phát triển phương tiện mới.

Theo Bộ trưởng, tính đến thời điểm này, về phát triển phương tiện chúng ta đã phát triển được 1.030 phương tiện với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên bằng ba loại vật liệu, đó là vật liệu sắt, vật liệu Composite và vật liệu gỗ. Trong đó, 358 chiếc tàu, bằng 34,2% trong tổng số 1.030 tàu được đánh giá có nhược điểm là phương tiện mới, do vậy quá trình đóng còn để xảy ra chuyện 40 tàu hỏng, trong đó có 21 tàu của Bình Định, còn 19 tàu khác hỏng nhỏ, sửa chữa được ngay. Chỉ riêng 21 tàu này của 20 công ty cần phải tập trung quan tâm, đặc biệt tỉnh Bình Định vào cuộc ráo riết, cho đến hơn một năm sau toàn bộ số tàu này được khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay còn 55 chiếc tàu đóng theo Nghị định số 67 nằm bờ không ra khơi được. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này được xác định là có 5-6 nhóm nguyên nhân: đánh bắt không hiệu quả, bởi vì ngư trường hiện nay quá tải; có hai đối tượng chủ tàu đã chết; một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động rất muốn chuyển đổi; một số chủ tàu không tích cực tham gia, dẫn đến có hơn 30% tàu đến kỳ bảo dưỡng nhưng không đi bảo dưỡng. Chính vì thế, trước tình hình này Bộ đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách. Cụ thể xác định rõ về vấn đề tiềm năng ngư trường của chúng ta không khuyến khích nhiều; phương thức đầu tư hỗ trợ tín dụng không phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay một Nghị định, theo tinh thần ai có đủ điều kiện ra khơi, ai có năng lực, kinh nghiệm, có tiềm lực thì tự người đó đóng tàu và Nhà nước hỗ trợ một lần tối đa 35%, với trị giá từ 6-8 tỷ tùy loại công suất.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 28 tỉnh thành tổng kết sâu sắc Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Tính đến thời điểm này, các tỉnh đã tổng kết xong. Trong tháng 12 này, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết tất cả 28 tỉnh thành để đưa ra các quyết sách riêng, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách để khuyến khích ngư dân; đồng thời kiên quyết loại bỏ những phương thức, chính sách đã không còn phù hợp./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42720