Chất vấn Bộ trưởng Giao thông, 'nóng' chuyện BOT

Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 vào sáng nay (4/6), có 36 đại biểu đăng ký chất vấn và nhiều đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, trong đó nội dung liên quan đến vấn đề BOT chiếm phần lớn thời gian. Nội dung chất vấn, tranh luận và trả lời sôi nổi, hấp dẫn nhờ áp dụng phương thức 'hỏi nhanh- đáp gọn', vì vậy chỉ trong buổi sáng có tới 30 đại biểu chất vấn và 20 đại biểu tranh luận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng 4/6. Ảnh: Quochoi.vn.

Giảm thời gian thu phí vì không sử dụng hết nguồn dự phòng?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn: Đề nghị Bộ trưởng làm rõ chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán với kết quả Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố? Việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng, nâng cấp đường Quốc lộ 1A sắp tới sẽ khắc phục thế nào?

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cứ gọi Trạm thu phí

Liên quan đến tên gọi Trạm thu phí hay Trạm thu giá đường BOT, ông Nguyễn Văn Thể nói: “Tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉnh sửa tên trạm thu phí thành một tên khác phù hợp. Chúng tôi xin hứa sẽ thực hiện việc này nghiêm túc”.

Ngay sau khi ông Nguyễn Văn Thể nói về vấn đề đổi tên “Trạm thu phí”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói không phải nghiên cứu hay trình gì nữa, cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn.

Chủ tịch Quốc hội nói tên “Trạm thu phí” là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong dự án BOT vừa qua có nhiều phần dự phòng như dự phòng vật giá, dự phòng khối lượng, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và những vấn đề phát sinh kinh phí… Do đó dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh nên có giá trị lớn.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ GTVT chủ động kiến nghị KTNN cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán. Thời gian qua, với 56 dự án BOT, KTNN đã kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có 1 điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.

“Việc KTNN phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà KTNN đã chỉ ra”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, số liệu của KTNN và số lượng quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, số lượng quyết toán của Bộ GTVT trong nhiều dự án còn thấp hơn cả số liệu của KTNN.

Trả lời một số ý kiến tranh luận của đại biểu sau đó Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định lại “Việc giảm năm thu phí như kết quả kiểm toán là do không sử dụng đến khoản dự phòng, không phải do thất thoát”.

Vì sao nhiều dự án BOT chỉ định thầu?

Liên quan đến vấn đề BOT, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu chất vấn vì sao hầu hết dự án BOT được thực hiện chỉ định thầu?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các dự án BOT đều được tổ chức đầu thầu. Riêng hai dự án (mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), đây là các dự án quan trọng, cấp bách, Bộ Giao thông vận tải có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu để xử lý nhanh dự án và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý.

Đại biểu Lý Tuyết Hạnh (Bình Đình) chất vấn: Quốc lộ 1A qua Bình Định nhiều lần sửa hiện vẫn có chất lượng rất xấu, bao giờ chính thức khởi công sửa toàn bộ tuyến đường này? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong việc đảm bảo tiến độ? Hiện Quốc lộ 1A đi qua Bình Định với khoảng 200 km song có tới 3 trạm thu phí, có nhiều quá không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: Quốc lộ 1A đã nâng cấp và hoàn thành vào năm 2015. Đến năm 2016, thời tiết diễn biến khắc nghiệt, mùa hè kéo dài nắng nóng, bão lũ nhiều… sau bão có đoạn nước tràn qua mặt đường, kết hợp với lượng phương tiện lưu thông lớn, tải trọng nặng... trong khi công tác tuần tra kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa được tốt, vì thế đã có một số đoạn hư hỏng nặng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân trần: Bộ GTVT đã chỉ đạo duy tu bảo dưỡng, nhưng kinh phí duy tu sửa chữa rất hạn chế, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, do đó chưa đáp ứng được.

“Bình Định có đến 3 trạm BOT, việc này bám sát theo Thông tư 159/2013/TT-BTC, quy định là khoảng cách bình thường giữa 2 trạm BOT là 70 km, còn dưới 70 km thì có thỏa thuận với địa phương. Và việc này đã có sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên tôi cũng đánh giá là một số nơi trạm BOT còn dầy, bà con cũng khó khăn. Tôi kính mong đồng bào cử tri, nhất là tỉnh Bình Định thông cảm. Chúng tôi ưu tiên giảm giá, để chi phí xã hội thấp nhất”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn: Một trong những vấn đề bất cập trong thể chế về thực hiện trong đầu tư đối tác công tư (PPP), gây nhiều bức xúc chưa giải quyết được căn bản, Bộ trưởng giải quyết thế nào? Đâu là giải pháp căn cơ?

Theo Bộ trưởng Thể: Vừa qua thể chế thực sự chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai đã gặp một số vướng mắc, nhất là thời điểm Luật đầu tư công chưa ra đời. Liên quan tới biểu hiện sai phạm thực hiện BOT, Bộ đang tiếp thu và khắc phục triệt để, xử lý cương quyết, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, của Nhà nước và nhà đầu tư.

“Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các luật liên quan, trong đó quy định trách nhiệm, cơ chế chính sách liên quan. Chúng tôi mong muốn hoàn thiện luật này sớm”- Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chat-van-bo-truong-giao-thong-nong-chuyen-bot.aspx