Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Công an

Hôm nay 13-8, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Toàn bộ phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Dự kiến, trong buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề: việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, đào tạo, y tế…); hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ sẽ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về các nhóm vấn đề: công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm; quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các bộ, ngành liên quan đến vấn đề này.

Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Cùng với xu thế phát triển của đất nước, kinh tế - xã hội miền núi những năm vừa qua có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 vùng Tây Bắc đạt 8,4%, Tây Nguyên 8,09% và Tây Nam bộ là 7,26%. Cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các ngành: dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp tuy giảm nhưng bình quân các tỉnh thuộc vùng vẫn chiếm trên 50%. Hiện trên 95% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, hầu hết số xã địa bàn khó khăn có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa được xây dựng kiên cố, bán kiên cố.

Tuy nhiên, đây vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%, Tây Nguyên 12,86%, các tỉnh Bắc Trung bộ là 8,2% (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%).

Với nhóm vấn đề chất vấn thứ hai, theo nhận định, tình hình an ninh trật tự trên phạm vi cả nước nói chung và tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp nói riêng là “tiếp tục được giữ vững, tuy nhiên, còn nhiều diễn biến phức tạp”. Theo tính toán, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) chiếm khoảng 25% số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc; riêng Hà Nội và TPHCM chiếm khoảng 20%.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chat-van-bo-truong-chu-nhiem-uy-ban-dan-toc-va-bo-truong-bo-cong-an-538547.html