CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ, MẠNG XÃ HỘI

Thực hiện Chương trình Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, ngày 08/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung liên quan đến công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.

Chưa ngăn chặn triệt để được tình trạng các tài khoản giả mạo, tung thông tin giả mạo

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội từ cuối năm 2013 đến nay (thời điểm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có hiệu lực), tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội đều phải có giấy phép. Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép sẽ do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ hoặc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ cấp. Khi hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp đều phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về: Kỹ thuật, hoạt động quản lý thông tin, tổ chức nhân sự, tên miền… được quy định cụ thể tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo một số nội dung

Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp khi hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đều phải tuân thủ quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Đồng thời người sử dụng mạng xã hội cũng phải tuân thủ quyền và trách nhiệm được quy định tại 02 Nghị định này.

Theo Bộ trưởng, có thể thấy rõ, kết quả đạt được trong công tác quản lý đó là: Đã dần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý; Có sự phân cấp quản lý, tăng tính chủ động của địa phương; Hầu hết các trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn chấp hành tương đối tốt các quy định pháp luật; Đã xây dựng được cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm; Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính được tiến hành thường xuyên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể: Còn một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động nhưng không có giấy phép. Một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tập trung trích dẫn những thông tin về những tiêu cực, mặt trái xã hội, tạo cảm giác u ám, bất an, không phản ánh đúng hiện thực xã hội. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp lách luật, liên kết với cơ quan báo chí để hoạt động giống như báo chí, dẫn đến tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp. Một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, trích dẫn các tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm. Đồng thời, chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng các tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tung thông tin giả mạo, thông tin vi phạm pháp luật lên mạng xã hội nước ngoài. Công tác đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài để buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam đã có những kết quả bước đầu, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, do các Công ty nước ngoài như Facebook, Google chưa tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam.

Đề nghị có biện pháp quyết liệt xử lý thông xin xấu, độc

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Công Nhường- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đưa ra vấn đề hiện nay người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là báo chí nhân dân, trong đó có nhiều trang mạng xấu, độc, nhưng cũng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác dụng xấu đến đời sống xã hội. Ví dụ, trang của "Khá bảnh". Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục bất cập nêu trên không bị động, chạy theo xử lý hậu quả?

\

Đại biểu Lê Công Nhường chất vấn

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tin xấu, độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với vấn đề tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội. Về hành lang pháp lý, chúng ta đã có Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đều phải có một quy định pháp luật riêng nhằm xử lý tin sai, tin giả. Những nước gần chúng ta trong ASEAN đã ban hành một đạo luật về xử lý tin giả, đấy là Singapore. Theo đó, những người tung tin giả không phải phạt vài chục triệu như chúng ta mà có thể phạt đến hàng triệu đô la và phải đi tù, có thể đi tù đến 10 năm. Các mạng xã hội cũng bị xử phạt mạnh tay hơn, thậm chí một số quốc gia người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải đi tù. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ để sớm có một quy định pháp luật để xử lý vấn đề tin giả.

Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta gặp vấn đề tin giả và xấu, độc chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài, các nền tảng trong nước cơ bản chúng ta quản lý được, nền tảng ở nước ngoài chủ yếu là Facebook và Google. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách, làm việc cùng với Tổng cục Thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, làm việc chuyên về hai nền tảng này hàng tháng. Nền tảng đó phải có công cụ tự động để những tin xấu, độc đã được định nghĩa thì tự động xóa bỏ. Đồng thời hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin xấu, độc. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông từ cấp học phổ thông; rèn luyện kỹ năng ứng xử, phải phân biệt được cái đúng, cái sai.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, chỉ rõ, thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành thì dấu hiệu tin nhắn rác lại xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ đối mặt bị kẻ xấu tấn công và không thể có dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt, chịu thiệt hại cả vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo đe dọa khủng bố. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp sắp tới xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật An ninh mạng chúng ta đã giải quyết những vấn đề trên không gian mạng vì chúng ta đã có những cơ sở pháp lý khác. Gần đây, khi Luật An ninh mạng ra đời có hiệu lực từ đầu năm nay thì việc này mạnh mẽ hơn, mặc dù hiện nay còn thiếu khoảng 6 điều khoản trên Luật An ninh mạng phải được chi tiết hóa thông qua nghị định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được Bộ xử lý quyết liệt. Ví dụ như kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới, trước đây đối với Facebook chúng ta đưa ra 100 yêu cầu thì họ chỉ thực hiện khoảng 20 - 30 yêu cầu. Và do gần đây có tổ chức được nhóm chuyên trách nên tỷ lệ đã nâng lên đến 70% yêu cầu. Đối với Google ngày trước chúng ta nói 100 thì họ chấp hành cỡ khoảng 40-50 yêu cầu, hiện việc chấp hành của họ đã lên đến mức 85%, thậm chí có một số nội dung lên đến hơn 90%. Ví dụ như, gỡ các game xấu độc, game đánh bạc thì tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây là 92%. Cách đây 2 ngày, Facebook cũng chính thức tuyên bố chặn những quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra một số giải pháp đối với việc quảng cáo trên môi trường mạng, cụ thể: đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, yêu cầu gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, các nội dung vi phạm pháp luật; Có văn bản cảnh báo các đại lý quảng cáo, doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo bị gắn trên video xấu độc trên Youtube; Cảnh báo, nhắc nhở các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong nước phải thận trọng trong việc hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới (Google Adsense, Mgid, Ad Networks….) để bán quảng cáo; Tăng cường công tác phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng trong nước có hành vi vi phạm; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế - Bộ Tài Chính, Bộ Công an để có giải pháp kinh tế, kỹ thuật xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42774