Chặt vải thiều để trồng cây có múi ở Bắc Giang: Cần thận trọng!

Từ lâu, vải thiều là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân Bắc Giang. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh này đang có hiện tượng người dân chặt vải để trồng cây có múi. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều tất yếu nhưng trong quá trình thực hiện, Bắc Giang nên thận trọng, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt, phá vỡ cơ cấu cây trồng dẫn đến nguy cơ cây thì cung vượt cầu, cây thì cầu cao cung thấp.

Một phần diện tích vải người dân chặt để chuyển sang trồng cây ăn quả khác, nhất là cây có múi.

Chặt vải trồng cây có múi

Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn xảy ra hiện tượng người dân chặt vải để trồng cây có múi. Trong diện tích vải bị chặt có một phần nằm trong chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương và một phần do người dân tự phát chuyển đổi.

Chặt 30 gốc vải để trồng cam cách đây chưa lâu, theo ông Vũ Văn Thắng, thôn Lường, xã Hồng Giang, diện tích vải bị chặt là do cây bị nghẹt rễ không phát triển được. Ông Thắng so sánh, diện tích trồng 1 cây vải có thể trồng được hơn 10 cây cam, trong khi đó cây vải chỉ cho từ 50 - 70kg quả, còn cam cho tới 300kg, về kinh tế thì cây cam vẫn cho hiệu quả cao hơn.

Cùng ở thôn Lường, gia đình bà Đinh Thị Liệu chặt 26 cây vải, với diện tích khoảng 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Theo bà Liệu, do vải già cỗi nên phải chặt để chuyển đổi sang trồng cây khác.

Theo ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang, xã này đã có khoảng 20 - 30 hộ chặt vải với diện tích khoảng 2 - 3ha để chuyển sang cây trồng khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người dân chặt vải nhưng chủ yếu do vải năm nay mất mùa, bên cạnh đó một số vườn vải già cỗi nên bà con quy hoạch lại trồng các loại cây ăn quả khác hiệu quả hơn. Đảng ủy, UBND xã đã quán triệt với các thôn, đoàn thể, tuyên truyền cho bà con giữ nguyên diện tích vải hiện có nên đến nay, trên địa bàn không còn tình trạng bà con chặt vải như trước.

Được biết, diện tích vải hiện nay của xã Hồng Giang là 521ha, giảm hơn 60ha so với cách đây 3 năm. Trong khi đó, diện tích cây có múi đã đạt 300ha, gấp 3 lần so với cách đây 3 năm. Về việc này, ông Bùi Đức Văn, Phó chủ tịch UBND Hồng Giang giải thích, diện tích vải giảm do cây bị cằn cỗi, trồng nhỏ lẻ nên chuyển đổi sang cây khác. Trong đó có một phần diện tích giảm theo quy hoạch, một phần do người dân tự chuyển đổi. Diện tích cây có múi tăng là do xã được chuyển đổi 100% diện tích cây hàng năm sang cây lâu năm, trong đó có cây có múi.

Ông Văn nhấn mạnh, gần đây xã có hiện tượng chặt vải nhưng chỉ là diện tích nhỏ lẻ. Xã đã có văn bản khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân giữ lại diện tích vải, vì đây vẫn là cây chủ lực của địa phương.

Cẩn thận khi chuyển đổi

Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, trong sản xuất nông nghiệp của huyện, không có mô hình nào là bất biến, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã diễn ra từ lâu. Ngày xưa, nông dân Lục Ngạn trồng toàn sắn và bạch đàn, sau đó trở thành vùng trồng cây hồng không hạt, tiếp đó, cây vải thiều lên ngôi với diện tích hơn 20.000ha. Qua quá trình sản xuất, huyện thấy nếu trồng độc canh sẽ rất khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, tạo thu nhập cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì lẽ đó, huyện phải cơ cấu lại cây trồng, diện tích vải từ hơn 20.000ha giờ chỉ còn hơn 16.000ha.

“Chúng tôi cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng là cần thiết. Huyện sẽ tiếp tục chuyển dịch giảm bớt những diện tích không đảm bảo, chứ không phải vì lý do năm nay vải không có quả mới chuyển sang trồng cây ăn quả khác, chuyển dịch này nằm trong quy hoạch của huyện”, ông Thành nói.

Ông Thành khuyến cáo, với điều kiện của Lục Ngạn, trồng được rất nhiều loại cây ăn quả nhưng vải thiều vẫn là cây tạo nên hình ảnh, thương hiệu và là cây chủ lực của huyện nên bà con cần giữ ổn định diện tích vải thiều.

Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), Bắc Giang hiện có gần 30.000ha vải thiều. Trước năm 2010, diện tích lên tới hơn 35.000ha, có thời điểm lên tới gần 40.000ha. Trước việc phát triển quá “nóng” về diện tích, Bắc Giang có chủ trương giảm diện tích vải chuyển dịch sang cây ăn quả khác; đặc biệt là ở vùng thấp, trồng vải không hiệu quả, chất lượng, mẫu mã kém.

Cũng theo ông Hoàng, giá trị cây có múi có phần cao hơn cây vải nên có hiện tượng người dân chặt vải chuyển sang trồng cây có múi. Hiện, diện tích cây nhãn toàn tỉnh đạt hơn 3.000ha; cam các loại hơn 2.700ha; bưởi hơn 2.800ha; na hơn 2.000ha.

Ngày 24/4/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang có văn bản gửi các huyện trồng vải cho biết, hiện nay ở một số địa phương người dân tự ý chặt vải để chuyển sang trồng cây ăn quả khác, nhất là cây có múi. Việc này làm ảnh hưởng đến quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn đến năm 2020, làm giảm diện tích vải thiều của tỉnh. Trước tình hình trên, Sở chỉ đạo các huyện kiểm tra, rà soát bảo vệ diện tích cây vải có giá trị nằm trong quy hoạch sản xuất vải an toàn, chỉ được chuyển đổi sang các cây khác với diện tích kém hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất vải thiều dừng ngay việc chặt phá vải thiều chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác. Việc phát triển, mở rộng diện tích cây có múi phải được rà soát kỹ lưỡng và có định hướng phát triển cụ thể ở từng thôn, xóm, tránh tình trạng tự phát chặt phá vải tràn lan làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, kinh tế địa phương.

Được biết, theo quy hoạch, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 ổn định ở mức 30.000 ha. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, diện tích này giảm còn gần 30.000ha. Vì vậy, ngành chức năng cần tích cực vào cuộc, khuyến cáo bà con giữ ổn định diện tích vải, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt, phá vỡ cơ cấu cây trồng dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Hoàng Văn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/chat-vai-thieu-de-trong-cay-co-mui-o-bac-giang-can-than-trong-post3230.html