Chất thơ, chất thép và điện ảnh trực tiếp trong các phim của Joris Ivens

Lần đầu tiên tôi được gặp Joris Ivens là vào tháng 7 năm 1959 khi ông làm Chủ tịch Ban Giám khảo phim tài liệu tại Liên hoan phim Quốc tế Moscou lần thứ nhất. Năm đó điện ảnh VN dự thi với bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Tôi là phiên dịch Nga văn cho đoàn điện ảnh VN có nhiệm vụ dịch lời thuyết minh của phim ra tiếng Nga. Bộ phim đã đoạt Giải Vàng của Liên hoan phim Moscou năm ấy. Đó là Giải thưởng quốc tế đầu tiên của Điện ảnh VN.

Trong cuộc họp báo tại LHP sau khi trao giải, Joris Ivens đã nói về bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải của Việt Nam như sau: Sức lực con người, với những phương tiện thô sơ, với một nhiệt tình hăng say lao động chưa từng có, được phản ánh chân thực ở trong phim đã chinh phục Ban Giám khảo. Với những lý do đó, bộ phim xứng đáng đoạt giải Vàng (năm đó bộ phim tài liệu Những người chinh phục biển của đạo diễn Liên Xô Roman Các-men được giải Bạc).

Năm 1965 khi Joris Ivens sang Việt nam làm phim, tôi đang công tác tại Trường điện ảnh VN. Năm ấy các sinh viên tại trường chuẩn bị làm phim tốt nghiệp. Tôi được nhà trường phân công cùng một nhóm sinh viên làm một phim tài liệu dài 50 phút về các nhà địa chất đi khảo sát đê lập bản đồ địa chất của Việt nam. Phim làm xong đúng lúc Joris Ivens vừa từ Vĩnh linh ra, nhà trường chiếu mời ông xem. Xem xong ông không có nhận xét gì ngoài những lời động viên những người làm phim trẻ. Sau buổi gặp đó tôi xác định cho mình sẽ đi theo con đường làm đạo diễn phim tài liệu, và lĩnh vực làm phim tài liệu là niềm đam mê đầu tiên của tôi. Nhưng rồi số phận đưa đẩy để bây giờ tôi lại là một đạo diễn chủ yếu làm phim truyện. Tuy vậy khi có cơ hội tôi vẫn trở về với đam mê ban đầu của mình.

Năm 1986 khi sang Pháp thực tập về điện ảnh tôi mới được xem những phim của Joris Ivens. Mặc dù tên tuổi và sự nghiệp của ông tôi đã biết từ lâu qua sách báo bằng tiếng Nga nhưng ở VN thời chiến tranh không có phương tiện để tiếp cận với các sáng tác của ông. Bộ phim đầu tiên của ông mà tôi được xem ở Paris đó là phim “Sông Seine gặp Paris.” Toàn bộ bài trường ca của thi sỹ Jacque Prévert như những lời tâm sự của những con người đã gắn bó cuộc đời mình với con sông đã dẫn dắt bộ phim từ đầu đến cuối. Chất thơ của nó thấm đẫm trong từng thước phim chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn tôi. Tôi còn nhớ mãi mấy câu thơ được ngâm lên ở cuối phim trong điệu nhac phong cầm du dương cùng những hình ảnh thật thơ mộng của đôi bờ sông Seine :

Đã từng có sông Seine

Đã từng có một mối tình

Đã từng có một nỗi đau

Và một lần kia đã quên lãng

Đã từng có sông Seine

Đã từng có một cuộc đời.

(Il était une fois La Seine/ Il était une fois l‘amour/ Il était une fois le malheur/ Et une autre fois l’oubli/Il était une fois la Seine/ Il était une fois la vie).

Có thể nói đây là đỉnh cao của điện ảnh Thơ trong lĩnh vực phim tài liệu, là sự kết hợp tài tình giữa thi ca, âm nhạc và hình ảnh mà Joris Ivens là người đi tiên phong. Từ đó tôi hiểu thế nào là điện ảnh Thơ, điện ảnh của cảm xúc. Nhưng càng tiếp cận với những phim khác của ông dần dân tôi nhận ra rằng trong con người Joris Iven không chỉ có chất Thơ. Trong ông còn có chất Thép của người chiến sỹ dấn thân vì những lý tưởng cao cả của mình. Như một nhà cách mạng VN đã từng viết trong một bài thơ của mình : Nay ở trong Thơ nên có thép / Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Ở đâu có chiến sự, có những cuộc đấu tranh để giải phóng con người là ở đó có mặt Joris Ivens . Ông được mệnh danh là “Người Hà Lan bay” và việc ông có mặt ở Việt nam trong những năm khói lửa là điều tất yếu.Tôi chưa được xem hết những bộ phim tài liệu của ông quay tại mặt trận Tây Ban Nha nhưng bằng vào những thước phim quay ở VN như: Vỹ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân, Bầu trời mặt đất hay Xa Việt nam ( làm chung với một số đạo diễn khác )v.v.. ta cũng thấy chất Thép trong những thước phim của ông. Chất Thép đó là thái độ không khoan nhượng của Joris Ivens trước cái Ác, cho du bất kỳ ở đâu trên trái đất này : ở Tây Ban Nha, Indonesia, Cuba ,Chi lê hay ở Việt nam. Ông luôn đứng bên cạnh những dân tộc bị áp bức, bên cạnh những con người nghèo khổ , bên cạnh những số phận dễ bị tổn thương, những người mà vũ khí là sức mạnh của nhân phẩm và lòng khao khát tự do. Nhà văn Nhật Bản Haruku Murakami trong bài diễn văn đọc ngày 2/3/ 2009 khi nhận giải Văn học ở Jerusalem đã tuyên bố : "Giữa một bức tường cao kiên cố và một quả trứng đập vào đấy, tôi luôn luôn chọn đứng về phía quả trứng". Hơn 70 năm trước, ngay từ cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha Joris Ivens đã chọn chỗ đứng của mình như vậy. Những hình ảnh trong phim Vỹ tuyến 17 và Bầu trời Mặt đất…của Joris Ivens cho ta thấy giữa một bên là những người nông dân đa số là phụ nữ và trẻ em chống lại một guồng máy chiến tranh khổng lồ gieo chết chóc từ trên trời làm ta liên tưởng đến cuộc đối đầu giữa Trứng chọi với Đá. Nhưng Ivens tin tưởng mãnh liệt rằng bức tường kiên cố kia sẽ phải lùi bước trước sức mạnh có tên là Cuộc chiến tranh Nhân dân ( như cái tên mà ông đã đặt cho một bộ phim của mình quay ở Việt nam). Trong những thước phim hừng hực chất Thép đó ta vẫn thoáng nhận ra chất Thơ của Ivens. Đó là những hình ảnh sinh hoạt đời thường trong những phút yên tĩnh hiếm hoi : như cảnh cô gái ngồi viết thư cho người thân rồi đọc cho bạn mình nghe , cảnh các cô gái rửa chân chải tóc bên giếng, tiếng cười của các em vọng lên từ địa đạo Vĩnh Linh, là buổi sáng yên tĩnh ở Hà nội v.v..Chất thơ đó còn toát lên từ cận cảnh những gương măt người già trẻ gái trai…có rất nhiều trong các phim của ông.

Tôi muốn nhấn mạnh đến phong cách nghệ thuật trong các phim của Joris Ivens . Đó là phong cách quay trực tiếp, thu thanh trưc tiếp tại hiện trường , một phong cách mà ngày nay người ta thường gọi là Cinema Direct ( Điện ảnh trực tiếp ). Nên nhớ những ngày ấy ( tức những năm 60 của thế kỷ trước ) phương tiện kỹ thuật quay phim không gọn nhẹ như hiện nay, rất cồng kềnh và đặc biệt việc thu thanh đồng bộ ( sinchrone ) là một việc gần như bất khả thi. Nhưng Joris Ivens vẫn cương quyết theo đuổi ý định của mình. Và người gúp ông thục hiện quan điểm sáng tác đó một cách đắc lực nhất là Bà Maceline Loridan người bạn đời luôn sát cánh bên ông. Phải nói phần âm thanh thu trực tiếp của Loridan tại Vĩnh Linh với tiếng bom đạn, tiếng máy bay gầm rú đã tạo nên những hiệu quả hết sức ấn tưọng,hỗ trợ cho tính chân thật của phim rất nhiều. Ngay cả giọng nói của người dân địa phương đươc thu trục tiếp cũng góp phần tăng giá trị chân thật cho bộ phim. Ngày nay với phương tiện kỹ thuật gọn nhẹ việc thu thanh trực tiếp là chuyện bình thường , bất kỳ ai cũng có thể làm được. Điện ảnh Trực tiếp (Cinema direct ) nở rộ, phổ cập khắp nơi trong điện ảnh cũng như trong truyền hình. Nhưng tôi muốn nhắc để các bạn trẻ bây giờ biết răng người khởi xướng cho trường phái Cinema Direct đó chính là Joris Ivens cách đây đã hơn 60 năm. Trước thời của Joris Ivens tại Nga còn có trường phái Con mắt điện ảnh ( Cine- Eye hay còn goi là Cinema Verité ) mà người khởi xướng là Dziga Vertov một nhà làm phim Xô viết. Hai trường phái làm phim này có đặc đểm giống nhau là tuyệt đối tôn trọng sự thật. Nhưng có sự khác biệt : Đối với Vertov thì máy quay chính là con mắt chủ quan của người làm phim , thể hiện cái nhãn quan bên trong của người làm phim , mang dấu ấn chủ quan của người làm phim. Còn đối với Ivens thì sự quan sát của người làm phim về hiên thực diễn ra xung quanh lại là điều quan trong. Ông không can thiệp mà chỉ quan sát hiện thực. Tôi nghe kể lại một lần đi với các quay phim trẻ VN vào Vĩnh Linh . Khi đi qua một cánh đồng nơi có chục cô thôn nữ đang tát nước gầu sòng, đứng thành một hàng ngang. Ông yêu cầu các học trò của mình quay cảnh đó. Khi quay xong ông hỏi có ai quay cảnh có một cô gái hắt mạnh gầu nước để trêu chọc một thanh niên khi anh đi ngang qua chỗ các cô đang tát nước không ? Không ai quay được chi tiết đó. Ông nói cái động tác tát nước chỉ nói lên công việc làm của họ bên ngoài, một cách máy móc, còn chi tiết một cô gái hắt nước để trêu một thanh niên đi qua nói lên cái bên trong của con người. và cái chi tiết đó mới quan trọng. Đó là những hạt vàng của hiện thực cuộc sống. Người làm phim tài liệu phải biết quan sát để kịp ghi lại những hạt vàng đó. Cùng thời với Joris Ivens còn có một trường phái làm phim tài liệu nữa ở Nga do nhà quay phim Liên xô là Roman Karmen khởi xướng. Theo trường phái này thì ta có thể dựng lại hiện thực như nó đã từng xẩy ra, miễn làm sao trung thực. Bởi không phải lúc nào ta cũng có mặt kịp thời để ghi lại được trong máy quay tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống. Sinh thời tôi chắc cả 3 cây đại thụ này của điện ảnh tài liệu là những người bạn thân của nhau, kính trọng nhau. Nhưng quan điểm nghệ thuật họ không giống nhau. Joris Ivens không quá thiên về cái nhìn chủ quan như Dziga Vertov và cũng không quá thỏa hiệp trước hiện thực bị bỏ lỡ như Karmen. Đối với Joris thì khi sự kiện đã qua mà ta không có mặt thì phải tìm các giải pháp khác để tiếp cận với hiện thực thay vì dựng lại hiên trường cho dù cũng với chính bối cảnh và những con người từng có mặt trong thời điểm ấy.

Joris Ivens là người Hà lan nhưng sống gần như cả cuộc đời mình ở Paris, nơi ông có nhiều bạn bè trong giới văn nghệ sỹ, cũng như những người làm điện ảnh Pháp. Trong những năm 60 của thế kỷ trước các nhà làm phim Pháp say sưa tìm tòi thể nghiệm những hình thức thể hiện mới trong điện ảnh ( phim truyện lẫn tài liệu ). Đó là những năm xuất hiện trường phải Làn sóng mới (Nouvel Vague) trong điện ảnh Pháp. Lối quay phim với máy quay cầm tay gọn nhẹ, tiếp cận trực tiếp với diễn viên trên bối cảnh thực, không dàn dựng của trường phái Làn sóng mới ta thấy có ảnh hưỏng rõ rệt từ phong cách quay tài liệu của Joris Ivens. Đạo diễn phim tài liệu Pháp Chris Marker trong phim Joli Mai ( Tháng 5 đẹp ) với máy quay gọn nhẹ và micro cầm tay phỏng vấn những người bất chợt đi trên đường phố P a ri s cũng cho thấy ảnh hưởng của phong cách đó. Ngay cách kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh để tạo hiệu quả trong phim Guernica của Alain Resnais ta cũng thấy có dáng dấp cách dựng ( montage ) hình ảnh và âm thanh trong các phim tài liệu của Joris Ivens. Đó là cách dựng xen kẽ giữa những hình ảnh động và tĩnh, giữa những âm thanh ồn ào và im lặng. Trong nghệ thuật sự giao thoa ảnh hưởng giữa các trường phái là chuyện bình thường nhất lại trong môi trường nghệ thuật như ỏ Paris. Trong môi trường đó ảnh hưởng của Joris Ivens đối với các các nhà làm phim Pháp là rất đáng kể. Ông là cha đẻ của trường phái Cinema Direct mà các nhà làm phim Pháp theo đuổi sau này. Các khóa đào tạo về phim tài liệu được tổ chức tại Việt nam trong những năm gần đây như khóa đào tạo dưới sự hướng dẫn đạo diễn Robert Kramer, hay các khóa Atelier Varan do người Pháp tổ chức … cũng không ra ngoài ảnh hưởng của phong cách Cinema Direct mà Joris Ivens đã từng đặt nền móng. Phong cách đó đã làm thay đổi cách làm phim quen thuộc của các nhà làm điện ảnh tài liệu VN trước đây (dùng lời bình giải thích cho hình ảnh ), buộc họ phải đề cao khả năng quan sát ,để cho hình ảnh tự nói lên những điều mà người làm phim muốn nói và không can thiệp vào hiện thực diễn ra trước ống kính. Xem phim của các đạo diễn tài liệu trẻ VN gần đây ta thấy có những sáng tạo rất đáng khích lệ theo chiều hướng đó. Joris Ivens đã đi xa chúng ta 29 năm nhưng dấu ấn của ông vẫn còn rõ nét trong các sáng tác của những người làm điện ảnh tài liệu VN và thế giới. Thời gian càng lùi xa ta càng nhận ra giá trị của những thước phim mà Joris Ivens đã quay ở Việt Nam. Chúng là tài sản vô giá mà ông đã để lại cho nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Đặng Nhật Minh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chat-tho-chat-thep-va-dien-anh-truc-tiep-trong-cac-phim-cua-joris-ivens-78177