Chất lượng - Yếu tố cạnh tranh quyết định

Khi nền kinh tế, xã hội và mỗi gia đình được nâng lên thì tâm lý và nhu cầu mua sắm của người Việt có sự thay đổi. Một bộ phận người tiêu dùng suy nghĩ hàng hóa trong nước không tốt bằng hàng ngoại.

Nhiều người mất tiền để mua hàng ngoại dù giá đắt hơn hàng nội mà chất lượng không tốt bằng… Từ đây cũng cho thấy, để trở thành khách hàng thông minh khi mua sắm không dễ mặt khác các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần giải bài toán cạnh tranh bằng yếu tố quyết định là chất lượng thật.

Chiếm lĩnh bằng chất lượng thật

Tâm lý sính ngoại đã được nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp… cảnh báo từ thị trường mua sắm người Việt. Một bộ phận người tiêu dùng với tâm lý sính ngoại, cho rằng chỉ có các hàng hóa, sản phẩm thương hiệu ngoại mới chất lượng, còn hàng của Việt Nam sản xuất thì không tốt bằng.

Chính vì vậy, không ít người tiêu dùng đã mất tiền để mua hàng ngoại giá đắt mà chất lượng không tốt, thậm chí mua phải hàng rởm. Và đứng trước tâm lý sinh ngoại của một bộ phận người tiêu dùng Việt, đã có những doanh nghiệp Việt chiều theo thị trường, thị hiếu này bằng cách đổi tên các sản phẩm, thương hiệu bằng tiếng nước ngoài.

Những sản phẩm hoàn toàn do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhưng tên sản phẩm gắn tiếng nước ngoài được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, nhìn vào thị trường tiêu dùng Việt cũng ghi nhận những sản phẩm chất lượng cao tự tin gắn nhãn mác “made in Việt Nam” đã và đang lấy được uy tín từ khách hàng. Từ những sản phẩm Việt bình dân cũng tràn ngập đường phố và được người tiêu dùng lựa chọn.

Nhiều mặt hàng “made in Việt Nam” xuất khẩu, hay nông sản Việt Nam chất lượng đã trở thành mục tiêu tìm kiếm của đông đảo người tiêu dùng Việt.

Tại nhiều điểm bán hàng, để người tiêu dùng tin tưởng hoàn toàn đã khẳng định không bán hàng ngoại chỉ bán duy nhất hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn cung cấp rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và việc công khai hàng do Việt Nam sản xuất để tạo niềm tin tuyệt đối cho người tiêu dùng còn đang phân vân.

Giờ đây với sự trỗi dậy mạnh mẽ và khẳng định được thương hiệu, uy tín chất lượng của mình hàng Việt Nam đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng người Việt. Thay vì sính ngoại, nhiều người tiêu dùng đã quay trở lại với hàng Việt chất lượng từ thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày đến các nhu yếu phẩm, bình dân đến cao cấp.

Giờ đây, không khó để nhận thấy tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị, chợ… đã tăng lên đáng kể. Theo quan sát, tại nhiều siêu thị tỷ trọng hàng Việt đã chiếm đến 80-90% các mặt hàng bán ra. Và người tiêu dùng cũng gửi niềm tin vào hàng Việt không nhỏ khi sự lựa chọn mua sắm chiếm đa số là hàng Việt.

Chất lượng thật cạnh tranh thật

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước thì hàng hóa của doanh nghiệp Việt không có nhiều lợi thế khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Điều này không khó hiểu vì các doanh lớn thường có chi phí quảng cáo mạnh, chiết khấu cao và có quy trình sản xuất cũng như chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của siêu thị.

Với phần lớn các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đó lại là những chi phí nằm ngoài khả năng tài chính và thường được tiết giảm để cân đối nguồn vốn. Đó là lý do mà ở các siêu thị, hàng Việt có mặt thường là những tên tuổi quen thuộc và có nguồn lực lớn.

Để bảo vệ cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính trong ngước là việc làm cần được nghiên cứu và thúc đẩy. Xét cho cùng làm được điều này cũng góp phần hình thành thói quen mua sắm hàng Việt và giúp người Việt mua được hàng Việt chất lượng tốt với giá cả ổn định phù hợp.

Thời gian qua nhiêùchương trình quảng bá, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt đã được triển khai và dần được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhiều chương trình đã triển khai và để lại hiệu quả nhất định như: Tuần nhận diện hàng Việt; Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối; Đưa hàng Việt về nông thôn…

Tuần nhận diện hàng Việt được tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt; tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn toàn quốc, tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam chân chính; ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp đã nỗ lực, không ngừng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao vì người tiêu dùng Việt cũng như hướng đến người tiêu dùng toàn cầu.

Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ đầu ra cho hàng chục nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã..., Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các hình thức kết nối các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, thành phố với hệ thống phân phối, hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm tiềm năng và đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.

Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, nhằm trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường.

Thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm và những sản phẩm lương thực- thực phẩm thiết yếu cung ứng vào hệ thống phân phối. Tất cả đều nhằm thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt nhiều hơn, sâu rộng hơn.

Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn được tháo gỡ, những tín hiệu khả quan, thì lĩnh vực sản xuất trong nước vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước như: mẫu mã chủng loại hàng hóa chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh…Để người Việt dùng hàng Việt không cách nào khác buộc các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải cạnh tranh thực sự bằng những sản phẩm chất lượng.

Để người Việt thật sự ưa chuộng, lựa chọn và tin dùng hàng Việt, bên cạnh công tác vận động tuyên truyền để người Việt dùng hàng Việt thì các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng Việt cũng cần phải nâng cao chất lượng thật cho sản phẩm và sức cạnh tranh về mẫu mã và giá cả của hàng Việt.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/chat-luong-yeu-to-canh-tranh-quyet-dinh-3630439-b.html