Chất lượng văn bằng đại học: Chuẩn đầu ra là thước đo đánh giá

Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Theo đó, không phân biệt loại hình đào tạo nào, tới đây yêu cầu chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Đào tạo ĐH sẽ công bằng với chất lượng đầu ra. Ảnh: Đặng Mạnh Dũng.

Không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật trước khi Quốc hội (QH) bấm nút thông qua, ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết, về hình thức và trình độ đào tạo giáo dục đại học (GDĐH), một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung; giao cơ sở GDĐH tự chủ quyết định hình thức đào tạo; làm rõ nguyên tắc liên thông giữa các hình thức đào tạo; phân biệt văn bằng các trình độ đào tạo tương ứng với hình thức đào tạo; bổ sung trình độ tương đương hoặc trình độ, văn bằng chuyên gia ở một số lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy loại hình đào tạo chính quy được quy định trong dự luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo.

Do đó, tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Ông Phan Thanh Bình cũng cho biết, khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, dự luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.

Theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ phải công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật. Các trường ĐH công lập đáp ứng các điều kiện trên và tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên thì được tự chủ xác định mức thu học phí. Các trường ĐH còn lại xác định mức thu học phí theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) lần này còn mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Để bảo đảm quyền lợi của người học trong các chương trình đào tạo ở các ngành mới mở, Luật cũng quy định, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định. Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Công bằng với chuẩn đầu ra

Trong quan niệm của nhiều người, chất lượng đào tạo giữa hệ chính quy và tại chức ở Việt Nam vẫn là một khoảng cách khá xa, từ đầu vào, thi cử đến đầu ra. Nguồn gốc của sự “kỳ thị” đó là do những bất cập, yếu kém trong khâu tuyển dụng, thời gian đào tạo ngắn, người học thụ động. Bên cạnh đó, quá trình học tồn tại nhiều tiêu cực nên năng lực của học viên chưa được đánh giá khách quan.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia giáo dục, việc xóa quan niệm bằng cấp giữa các hệ đào tạo sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng “sính” bằng cấp. Ủng hộ đề xuất không phân biệt bằng chính quy và bằng không chính quy, PGS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích: Xã hội chúng ta “sính” bằng cấp nên người ta coi trọng bằng cấp, trong khi tuyển dụng vị trí làm việc phải xuất phát từ nhu cầu và năng lực ứng viên phù hợp với vị trí công việc. Cơ quan/ đơn vị tuyển dụng phải có phương pháp và cách thức tuyển dụng chọn đúng người phù hợp với yêu cầu, trong đó bằng cấp chỉ có thể là một điều kiện.

Tuy nhiên ông Tớp cũng cho rằng, trong hoàn cảnh, bối cảnh hiện nay của chúng ta việc đảm bảo chất lượng của hai hình thức đào tạo như nhau hiện tại là khó, thậm chí rất khó. Người học hệ không tập trung rất khó có đủ thời gian để đảm bảo học và tự học. Thời gian tập trung chỉ khoảng 5-6 tháng so với hệ chính quy là 19 tháng/1 năm. Sinh viên hệ không tập trung cần thời gian dài hơn khoảng 1,6 lần hoặc thời gian tự học phải gấp đôi so với hệ tập trung.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT), Thường trực Tổ Biên tập dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) chia sẻ: Những quy định này nhằm chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình đào tạo, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra. Đồng thời, chuẩn bị cho sự thay đổi của GDĐH trong những năm tới, khi mà công nghệ xâm nhập ngày càng sâu vào GDĐH. Bởi thực tế ở một số nước phát triển cho thấy, thời gian gần đây, tỉ lệ sinh viên theo học hình thức tập trung có xu hướng giảm và theo học hình thức không tập trung (bao gồm cả đào tạo từ xa) ngày càng tăng do có thể sử dụng các giải pháp công nghệ để hỗ trợ việc tổ chức đào tạo. Bà Phụng cũng bày tỏ mong muốn: Các nhà sử dụng lao động sẽ chú trọng đánh giá thực lực của người ứng tuyển, bổ nhiệm…, thay vào việc chỉ căn cứ vào văn bằng như ở một số ngành, địa phương trong thời gian qua.

Người học đang đặt nhiều kỳ vọng, và mong mỏi: Để xóa bỏ sự phân biệt văn bằng tại chức – chính quy, Bộ GDĐT cần sớm có những giải pháp để nâng cao, giám sát chất lượng giáo dục ĐH; hạn chế, loại trừ những bất cập, tiêu cực trong lĩnh vực đào tạo ĐH. Đồng thời, việc tuyển dụng, sử dụng người lao động phải minh bạch, khách quan, khoa học.

Mạnh Dũng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/chat-luong-van-bang-dai-hoc-chuan-dau-ra-la-thuoc-do-danh-gia-tintuc423201