Chất lượng nước nông thôn tại Tiền Giang bao giờ mới cải thiện?

Nhiều vùng nông thôn của tỉnh Tiền Giang, người dân than phiền trạm cấp nước sinh hoạt chảy yếu, chất lượng thì chưa ổn định.

Tỉnh Tiền Giang có hệ thống trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn rộng khắp, cung cấp lượng nước ngầm rất lớn phục vụ thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư, nâng cấp, xử lý đạt tiêu chuẩn nên chất lượng nước từ nhiều trạm cấp nước chưa đạt yêu cầu, thậm chí có biểu hiện kém chất lượng.

Ông Trương Văn Nhung cũng như hàng trăm người dân ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang rất bức xúc vì chất lượng nước từ trạm cấp nước của doanh nghiệp Thủy Nguyên tại địa phương rất kém. Nguồn nước này vừa yếu vừa bị rong rêu, bùn cặn không đảm bảo. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, ngành y tế Thành phố Mỹ Tho đến lấy mẫu kiểm nghiệm và trả lời: “Vẫn trong quy chuẩn cho phép!”.

Người dân ven biển Gò Công (Tiền Giang) nghèo khó lại khó khăn hơn do khan hiếm nguồn nước sạch.

Người dân ven biển Gò Công (Tiền Giang) nghèo khó lại khó khăn hơn do khan hiếm nguồn nước sạch.

“Cây nước này xả ra cặn đen không dùng được. Xả bỏ 20 phút vẫn không dùng được. Mấy ngày nay, thỉnh thoảng khi xả ra nước ra lại bị như vậy. Nhưng không ai quan tâm. Tôi đề nghị các ngành chức năng xét nghiệm lại nguồn nước”- ông Trương Văn Nhung bức xúc.

Vào thời điểm mùa khô hạn như hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh Tiền Giang, người dân than phiền trạm cấp nước sinh hoạt chảy yếu, chất lượng thì chưa ổn định. Ông Lê Văn Ní ở ấp Mỹ Phú A, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè cũng bức xúc khi trạm cấp nước tư nhân chỉ cho chảy khoảng 3 giờ/ngày nên không đủ nước sinh hoạt.

Hiện nay, ngoài nguồn nước từ nhà máy BOO Đồng Tâm, đa số người dân tỉnh Tiền Giang sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung (tức là khoan giếng tầng sâu, đưa lên lắng lọc).

Toàn tỉnh Tiền Giang có số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ các trạm cấp nước đạt trên 67%. Chỉ riêng ở các xã vùng sâu của các huyện Tân Phước, huyện Cai Lậy, Tân Phú Đông… có hàng nghìn hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung.

Đến nay, có hơn 300 trạm cấp nước do các Tổ hợp tác quản lý, 33 trạm do các Hợp tác xã quản lý; 60 trạm do các doanh nghiệp tư nhân và hàng chục trạm do công ty trách nhiệm hữu hạn Một Thành viên Cấp nước Tiền Giang quản lý.

Ngoài 16 trạm cấp nước tập trung có quy mô lớn (trên 1000 m3 trở lên) chất lượng ổn định, số trạm cấp nước còn lại chất lượng nguồn nước chưa đồng đều. Đáng lưu ý là các trạm cấp nước do các tổ hợp tác, hợp tác xã quản lý có tuổi thọ hàng chục năm nay đã xuống cấp, đường ống hư hỏng chưa được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, nên dẫn đến chất lượng nước chưa đạt yêu cầu.

Trên địa bàn đã có hơn 30 trạm cấp nước nhiễm mặn, hơn 50 trạm nhiễm asen cao hơn mức cho phép, 20 trạm nhiễm sắt… Điều đáng quan tâm là nhiều trạm cấp nước sinh hoạt chưa đạt chất lượng theo quy chuẩn của Bộ y tế nhưng do “nhu cầu” nên các trạm cấp nước này vẫn hoạt động bình thường.

Các ngành chức năng chưa có biện pháp chế tài nào “mạnh tay” hay đình chỉ ngay những trạm cấp nước “ có vấn đề”. Ngành y tế Tiền Giang chậm có mặt để lấy mẫu kiểm nghiệm khi có phản ánh từ phía người dân về chất lượng nước; đồng thời cũng chưa nêu ra hậu quả cụ thể khi người dân sử dụng nguồn nước không đảm bảo cho sức khỏe.

Một trạm cấp nước sinh hoạt tại huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.

Trong các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội hay họp Hội đồng nhân dân tỉnh, vấn đề chất lượng nước sinh hoạt là vấn đề “nóng”. Thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã có nhiều biện pháp khắc phục vấn đề kém chất lượng tại các trạm cấp nước như: đầu tư nâng cấp ống nước, trạm cấp nước, khoan giếng mới thay thế giếng cũ, kéo đường ống nước từ nhà máy BOO Đồng Tâm…

Tuy nhiên, việc nâng chất chất lượng nước từ các trạm cấp nước nông thôn vẫn còn chậm. Cá biệt như tại cồn Thới Sơn, TP Mỹ Tho, hàng chục năm qua người dân phải “sống chung” với nguồn nước nhiễm phèn, asen. Do đó, thời gian tới, việc khắc phục kém chất lượng nước sinh hoạt phải được tỉnh Tiền Giang thực hiện quyết liệt.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Để nâng cao chất lượng nước, các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND các xã, vận động các đơn vị thực hiện việc đấu nối các trạm cấp nước với nhà máy BOB Đồng Tâm. Đối với 19 trạm cấp nước bị nhiễm chỉ tiêu asen, phải khoan giếng mới thay thế giếng cũ 9 trạm; đầu tư hệ thống xử lý mới 2 trạm, thực hiện các giải pháp lắng lọc 4 trạm; lấy mẫu theo dõi hàm lượng asen định kỳ. Nếu chất lượng nước không đạt, hàm lượng asen tăng sẽ khoan giếng mới, sẽ chuyễn đổi loại hình quản lý khác./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chat-luong-nuoc-nong-thon-tai-tien-giang-bao-gio-moi-cai-thien-897441.vov