Chất lượng nhân lực - chìa khóa để phát triển khoa học và công nghệ

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức, đơn vị khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, góp phần đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức doanh nghiệp KH&CN, góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ KH&CN.

Theo thống kê của Sở KH&CN, toàn tỉnh hiện có trên 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (tương đương với 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian, đạt 3,5 người/vạn dân), tăng 8% so với năm 2015; đội ngũ cán bộ KH&CN trong các tổ chức KH&CN là 1.706 người (trong đó có 201 tiến sĩ, 706 thạc sĩ, 23 phó giáo sư). Nhân lực có trình độ tiến sĩ chủ yếu tập trung tại các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) (2 cơ sở giáo dục ĐH có 191 tiến sĩ, 8 tổ chức nghiên cứu phát triển có 2 tiến sĩ - tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa; 29 tổ chức KH&CN, dịch vụ KH&CN có 8 tiến sĩ). Sự gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng của nguồn nhân lực KH&CN trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn... Đơn cử như trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, bảo quản nông sản sau thu hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Lĩnh vực y dược cũng đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, phát hiện, phòng và điều trị bệnh, đánh giá thực trạng một số bệnh trong cộng đồng có xu hướng gia tăng cùng với biến động của môi trường, khí hậu. Tiêu biểu như kỹ thuật phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật mở điều trị dị tật không hậu môn và kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động tại Bệnh viện Nhi; kỹ thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa. Trong nông nghiệp, một số giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, một số kỹ thuật tiên tiến đã được chuyển giao vào địa bàn tỉnh, như: lúa thơm, lúa ngắn ngày, lúa chịu mặn; các giống ngô, đậu xanh, đậu tương, lạc; các sản phẩm công nghệ cao như dưa Kim Hoàng hậu, giống cam không hạt V2... Kết quả của việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên các lĩnh vực đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế và tiềm năng của các địa phương.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, nhìn chung, lực lượng cán bộ KH&CN đã tích cực tham gia vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH, nghiên cứu KH&CN tại các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp KH&CN... Trong quá trình công tác, đội ngũ cán bộ KH&CN trên cơ sở năng lực, trình độ chuyên môn, đã được các cơ quan, đơn vị bố trí, sử dụng chủ trì các nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ cá nhân hoạt động KH&CN tham gia hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; tham gia các chương trình, dự án đầu tư, hợp tác KH&CN; phản biện các đề án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh..., góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, chính sách do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN để tham gia các hội đồng KH&CN chuyên ngành; tham gia giải quyết các vấn đề KH&CN của địa phương; đồng thời tập hợp và thu hút nhiều cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động tham gia công tác nghiên cứu và đào tạo KH&CN.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh còn những hạn chế, như, nhân lực KH&CN tuy có gia tăng về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Còn thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực công nghệ trình độ cao. Nhân lực KH&CN phân bố không đồng đều, cơ cấu, trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động; phần lớn tập trung ở khu vực Nhà nước, thành thị, ở các khu vực tư nhân, doanh nghiệp và nông thôn còn thấp... Tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm của lực lượng KH&CN còn hạn chế. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm, tranh thủ nguồn nhân lực khoa học từ Trung ương. Chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN chậm được đổi mới, chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Một số công trình nghiên cứu vẫn còn hạn chế về chất lượng, hàm lượng khoa học thấp...

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với phát triển nhân lực KH&CN của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển nhân lực KH&CN. Máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là nhu cầu nhân công giá rẻ kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu đối với nhân lực trình độ cao. Vì vậy, hơn lúc nào hết, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực KH&CN càng trở nên cấp bách. Đặc biệt, quá trình hội nhập quốc tế toàn diện đang đặt ra yêu cầu nhân lực KH&CN phải có những kỹ năng mang tính toàn cầu, cập nhật và theo kịp xu thế mới trong sự phát triển của KH&CN.

Trước những khó khăn, thách thức, để tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực KH&CN, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh phát triển nhân lực KH&CN bao gồm việc đào tạo, đào tạo lại gắn liền với sử dụng và trọng dụng nhân tài; thực hiện tốt chính sách để nuôi dưỡng tài năng đối với cán bộ khoa học trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đưa nhân lực KH&CN đi thực tập, làm việc tại các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường ĐH của nước ngoài; tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế song phương và đa phương. Đồng thời, xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài và mở rộng các chương trình đào tạo ở nước ngoài, để cán bộ KH&CN được cọ xát môi trường học thuật quốc tế và được đào tạo trong hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc tế. Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chính sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nhân lực KH&CN. Qua đó, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ KH&CN, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chat-luong-nhan-luc-chia-khoa-de-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe/136328.htm