Luật hóa các quy định về xóa nợ thuế

Ngày 12/11, Quốc hội đã phê chuẩn thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Liên quan đến những tác động của CPTPP đến thị trường tài chính Việt Nam, ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phóng viên: Xin ông cho biết những cam kết của Việt Nam đối với lĩnh vực tài chính trong CPTPP?

Ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).

Ông Vũ Nhữ Thăng: Trong Hiệp định CPTPP, các cam kết trong lĩnh vực tài chính bao gồm một số nội dung về chính sách thuế xuất nhập khẩu, hợp tác hải quan, chứng khoán, bảo hiểm.

Cụ thể, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không được phép sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) để kiện Chính phủ Việt Nam về việc vi phạm nghĩa vụ tiêu chuẩn đối xử tối thiểu.

Đồng nghĩa, nếu so với WTO, trong CPTPP Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ bảo hiểm mới, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp nước ngoài, như dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ cho bảo hiểm.

Đồng thời, Việt Nam cam kết đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ, như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

Với riêng lĩnh vực thuế thì có các cam kết nào, thưa ông?

Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Cụ thể, sẽ có 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (30/12/2018); 86,5% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình dài hơn hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Về thuế suất bình quân, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CPTPP có mức 5,8% (năm 2019), cao hơn đáng kể so với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực hiện.

Tuy nhiên, đến năm kết thúc lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu, thì thuế suất bình quân CPTPP chỉ còn 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức thuế suất bình quân vào năm kết thúc lộ trình trong một số FTA như ACFTA (3%), AKFTA (4,1%), AANZFTA (2%).

Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế với hàng xuất sang các nước thành viên CPTPP theo lộ trình, lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất.

Bên cạnh đó, là các cam kết không bên nào được đánh thuế nhập khẩu với một mặt hàng, bất kể xuất xứ từ đâu, khi được tái nhập khẩu vào lãnh thổ của bên đó, sau khi được tạm xuất khẩu sang lãnh thổ của một bên khác, để sửa chữa hoặc thay thế.

Ngoài ra, CPTPP còn miễn thuế nhập khẩu đối với hàng thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập khẩu vì mục đích nhất định, bỏ quy định tạm nhập và tái xuất cùng một cửa khẩu và cho phép phương tiện vận tải được phép đi qua bất kỳ tuyến đường nào, để xuất cảnh nhanh chóng và hợp lý.

Riêng các cam kết thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, chủ yếu quy định về nghiệp vụ như: thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh trong vòng 6 tiếng; cơ chế xác định trước đối với các mã số hàng hóa, phương pháp xác định trị giá và xuất xứ hàng hóa.

Cũng cần lưu ý, trong CPTPP các quốc gia được tạm hoãn nghĩa vụ rà soát định kỳ ngưỡng miễn thuế, có tính đến các yếu tố liên quan như tỷ lệ lạm phát, chi phí hành chính của việc thu thuế khi so sánh với số thuế, chi phí giao dịch qua biên giới.

Theo ông, CPTPP sẽ mang lại những cơ hội và thách thức gì cho nền kinh tế?

Có thể nhận thấy, CPTPP đang đặt ra thách thức đối với Việt Nam. Đầu tiên là năng lực cạnh tranh quốc gia khi tiềm lực DN và chất lượng sản phẩm của Việt Nam còn thấp hơn các nước thành viên.

Tiếp đến là, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật và môi trường hiện nay đối với thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với đó là, yêu cầu phải xây dựng các biện pháp quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm phát triển ổn định và bền vững hệ thống các định chế tài chính, phòng ngừa rủi ro từ các biến động của thị trường tài chính bên ngoài.

Mặc dù vậy, CPTPP đem lại rất nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam, trước hết là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của nước ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,2%.

Đồng thời, tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường theo hướng cân bằng hơn, không quá phụ thuộc vào một thị trường. Tiếp đến, cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư, hải quan sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.

Bên cạnh đó, các DN Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới hình thành. Cuối cùng, việc tham gia CPTPP - một FTA có nhiều tiêu chuẩn cao - sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thúy Nga/tapchithue.com.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/luat-hoa-cac-quy-dinh-ve-xoa-no-thue-146327.html