Chất lượng nguồn nhân lực cao vẫn yếu và thiếu

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, ngoài việc phát triển kinh tế nó còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất ít LĐ tiếp cận được với công nghệ hiện đại và nhiều đơn vị quản trị doanh nghiệp (DN) yếu. Do vậy, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đây là yếu tố sống còn của nền kinh tế.

Chất lượng nguồn nhân lực - nỗi lo không của riêng doanh nghiệp. Ảnh: ĐT

Chất lượng nguồn nhân lực - nỗi lo không của riêng doanh nghiệp. Ảnh: ĐT

Nhân lực chất lượng cao: Yếu và thiếu

Trong những năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có nhiều đóng góp đáng kể vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, không chỉ tạo ra khối lượng sản phẩm và dịch vụ lớn mà nó đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho NLĐ, nâng cao năng lực công nghệ, năng lực quản lý cho đội ngũ lao động. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng lao động chưa thực sự nắm bắt được cơ hội do FDI tạo ra, chưa đủ năng lực để nắm bắt công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến của thế giới. Cùng đó, lực lượng lao động phổ thông khá dồi dào nhưng lại thiếu hụt lao động có kỹ năng, có tay nghề.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, với nhịp độ tăng trưởng cao như hiện nay thì Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Nhưng vấn đề mấu chốt là chất lượng nguồn nhân lực thì chúng ta lại đang thiếu. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện KHLĐXH, hiện năng suất LĐ ở Việt Nam và trình độ quản trị DN rất thấp và hiện 2/3 NLĐ đang thiếu hụt kỹ năng về LĐ và kỹ thuật, 55% số DN cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn LĐ có chất lượng cao. Trong khi đó hiện trên 60% số DN FDI đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng nếu không nâng cao chất lượng nguồn lao động thì rất khó có thể thu hút đầu tư. Cũng theo ông Lộc, nhiều DN FDI cho rằng nguyên nhân đầu tư vào Việt Nam không phải là chất lượng nguồn nhân lực mà là do nhiều yếu tố, trong đó có giá nhân công rẻ, đây được gọi là bẫy thu nhập trung bình. Do vậy cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là yếu tố sống còn của nền kinh tế. Việc cải cách hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm cấp thiết. Đồng thời phải thực hiện việc giáo dục kép phối hợp giữa nhà trường và DN. Cùng đó, vai trò của DN cũng rất quan trọng trong việc đào tạo dạy nghề có chất lượng cao, đồng thời đặt hàng và tiếp nhận lao động với các cơ sở đào tạo nghề.

Khoảng cách lớn giữa đào tạo nghề và thị trường lao động

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Nguyễn Mại, muốn thu hút thì chúng ta phải điều chỉnh từ chính sách đầu tư, chính sách lao động… Theo kinh nghiệm trước khi tham gia WTO, chúng ta phải chuẩn bị các điều khoản, quy định đối với các DN, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu. TS Trần Mạnh Đức cũng cho rằng cần phải đổi mới tư duy để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội và cũng là thách thức của nền kinh tế, hiện năng suất lao động và kỹ năng của NLĐ sau khi được đào tạo trong các trường dạy nghề phần lớn chưa đạt yêu cầu. Theo bà Nguyễn Thị Nhàn - GĐ Dự án CLS - việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để cạnh tranh, trong khi đó trên 90% số DN Việt chưa có hệ thống đào tạo nội bộ của riêng mình. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế; trong đó tỉ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Nếu không khẩn trương khắc phục thì không tận dụng được những cơ hội tốt để thu hút vốn và công nghệ thông qua FDI, mà còn có nguy cơ các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam sẽ chuyển sang các nước khác, hoặc các nhà đầu tư mới cũng dè dặt khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỉ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao. Xu hướng thất nghiệp gia tăng có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của DN. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động; chưa đưa ra được các dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động và tính hiệu quả chưa cao của hoạt động dịch vụ việc làm đã góp phần làm gia tăng xu hướng này.

ĐẶNG TIẾN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/chat-luong-nguon-nhan-luc-cao-van-yeu-va-thieu-600020.ldo