Chất lượng làm luật

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 14 vừa bế mạc vào sáng 20.11 với 15 dự án luật được thảo luận và thông qua.

Đây là kỳ họp thứ 2 liên tiếp, thời gian làm việc của Quốc hội chỉ hơn 20 ngày, ngắn hơn rất nhiều so với những kỳ họp trước đây.

Tuy nhiên, ngoài 15 dự án luật được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp này, Quốc hội (QH) đã hoàn thành một chương trình làm việc khá đồ sộ với rất nhiều nội dung quan trọng: bầu Chủ tịch nước; phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn…

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn sau 2 kỳ họp gần đây chính là chất lượng công tác xây dựng pháp luật, công việc chính của mỗi kỳ họp QH. Sau chưa đầy 3 năm được thông qua, khi các văn bản hướng dẫn thi hành luật mới vừa được ban hành, tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã kiến nghị sửa luật Đầu tư công vì “nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ”.

Và từ kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của luật, Chính phủ đề xuất đổi thành luật Đầu tư công sửa đổi để sửa đổi toàn diện với 18 nhóm chính sách khác nhau. Tuy nhiên, cả 18 chính sách mà dự án luật đề xuất đều không nhận được sự tán thành của các đại biểu QH cũng như cơ quan thẩm tra. Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH - cơ quan thẩm tra dự án luật - thậm chí còn cho biết có ý kiến đề nghị không trình dự án luật ra thảo luận tại kỳ họp do “hồ sơ dự án chậm, chưa có dự thảo nghị định kèm theo, đánh giá tác động chưa đầy đủ”…

Không khó để tìm những ví dụ về một dự án luật mà chất lượng chuẩn bị rất “chông chênh” như luật Đầu tư công sửa đổi tại kỳ họp lần này cũng như những kỳ họp trước đây. Dự án luật Hành chính công sau nhiều năm chuẩn bị cũng bị Ủy ban Thường vụ QH đề nghị dừng và đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật.

Rồi luật mới có hiệu lực chưa được bao lâu, chưa kịp đánh giá tổng kết quá trình “đi vào cuộc sống” đã phải mang ra sửa, thậm chí, chưa kịp đi vào cuộc sống đã lại phải sửa dường như đang trở thành “chuyện thường ngày” trong công tác lập pháp.

Thực tế, rất khó có thể đòi hỏi chất lượng các dự án luật cao khi chỉ trong vỏn vẹn 20 ngày của kỳ họp, QH thảo luận và thông qua tới 15 dự án luật chưa kể khối lượng công việc đồ sộ khác. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình từng phải thốt lên khi bàn tới vấn đề này: “Phải tìm hiểu xem có nước nào làm luật như chúng ta không?”.

Thế nhưng, từ góc độ khác, quy trình làm luật của chúng ta còn nhiều bất cập khi mỗi dự án luật được giao cho một bộ và khi về đến các bộ, nó lại được giao cho một vụ nào đó phụ trách. Nhiều đề xuất chính sách trong các dự án luật thậm chí chỉ là ý tưởng của một chuyên viên chưa qua bất cứ thẩm định nào.

Bản chất của việc xây dựng pháp luật là hoàn thiện hệ thống các quy phạm để điều chỉnh các quan hệ xã hội đang diễn ra. Nghĩa là, nó phải xuất phát từ chính nhu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống. Do vậy, khi những dự án luật được đề xuất như một cách để tạo ra sự thuận lợi, thậm chí là quyền lợi cho các cơ quan quản lý thì đương nhiên luật ban hành rồi vẫn rất khó để có thể đi vào cuộc sống.

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/chat-luong-lam-luat-1025467.html