Chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô Hà Nội: Những vấn đề đặt ra

nhiễm không khí (ÔNKK) là một trong 10 nguy cơ đe dọa sức khỏe con người. Theo tổ chức Y tế toàn cầu (WHO), 9/10 người dân trên thế giới phải hít thở không khí ô nhiễm, hiện có khoảng 4 tỷ người sống trong những khu vực dễ bị phơi nhiễm, gây hại đáng kể đến sức khỏe.

Cùng với biến đổi khí hậu, ÔNKK có chiều hướng tăng nhanh, đặc biệt nhiều siêu đô thị đã vượt quá mức hướng dẫn của WHO. Tháng 9 năm 2019, tổ chức Airvisual toàn cầu nhận xét, Hà nội là một trong 10 thành phố hàng đầu có chất lượng không khí kém với chỉ số AQI luôn trên mức trên 200. Ở Việt Nam, ÔNKK luôn thu hút được sự quam tâm của mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là tại những thành phố lớn. Không ít lo lắng, băn khoăn đã đặt ra nhiều vấn đề cần được làm rõ cả về số lượng, chất lượng không khí, nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm và biện pháp phòng ngừa.

Để rộng đường trao đổi, bài viết đề cập đến một số nhận xét đã được các nhà nghiên cứu; các tổ chức quản lý và bảo vệ môi trường thế giới và trong nước gợi ra.

Ô nhiễm không khí nguy cơ đối với sức khỏe nhân loại

Ô nhiễm không khí được xác định là sự thay đổi của thành phần không khí. Thành phần này bao gồm những hạt bụi, hơi và các loại khí có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, gây hại cho động thực vật, và tác động xấu đến môi trường toàn cầu.

Trung bình một ngày con người cần 10.000 lít không khí để hít thở, Người ta có thể không ăn trong nhiều ngày vẫn sống, nhưng chỉ ngừng thở vài phút có thể dẫn đến tử vong. Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả mọi người, nhưng những người nghèo thường là đối tượng phải gánh chịu hậu quả lớn nhất. Tổ chức WHO đã chỉ ra, ÔNKK là một trong 10 nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu, 92% dân số đang phải sống trong các khu vực có chất lượng không khí vượt ngưỡng khuyến cáo của tổ chức WHO. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, ÔNKK còn tác động gây hại môi trường và làm suy giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí cao được ghi nhận ở nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương với trên 2,3 tỷ người bị phơi nhiễm với mức độ lớn hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn hướng dẫn của WHO (WHO2016. Minh Hoàng 2019)

Kết quả nghiên cứu của cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã chỉ ra Ấn Độ là nước có tình trạng ÔNKK nghiêm trọng với 99% dân số phải hít thở bầu không khí có chỉ số bụi PM2.5 vượt quá nhiều lần giới hạn cho phép của tổ chức WHO. Mức độ ô nhiễm tại hầu hết các quốc gia châu Á khác cũng đã vượt qua giới hạn an toàn, đe dọa đến sức khỏe của 4,5 tỷ người chiếm 60% dân số toàn cầu. TS Park Kidong, trưởng Đại diện WHO tại Viêt Nam cho biết, Người dân ở các thành phố thu nhập thấp chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi ô nhiễm không khí. ÔNKK không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy, nhưng nó sẽ gây chết người. Theo ông, có tới 29% cái chết do ung thư phổi, 24% từ đột quỵ, 25% chết vì bệnh tim và tới 43% số ca tử vong là từ bệnh phổi. Bình quân hàng năm có khoảng 7 triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà và ở ngoài trời.

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí bao gồm trẻ em, phụ nữ và người lao động ngoài trời. Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi, ở đây, ÔNKK là yếu tố rủi ro chủ yếu. Phụ nữ làm việc trong nhà bếp nhiều khói có mức độ ÔNKK gia đình cao nhất, Đối với lao động ngoài trời như nhân viên giao thông và người bán hàng rong, họ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi ÔNKK ngoài trời ( Park Kidon 2019)

Ngoài ô nhiễm ngoài trời, vấn đề ít được quan tâm là ÔNKK trong nhà, Theo WHO, đây là loại ô nhiễm dẫn tới 3,7 triệu ca tử vong trong số những người chết vì ÔNKK hàng năm trên thế giới. Theo tư liệu công bố trên tạp chí The Lancet, năm 2017, ÔNKK đã lấy đi mạng sống của trên 1,24 triệu người dân Ấn Độ, làm giảm tuổi thọ trung bình tới 17 năm. Những nghiên cứu quốc tế cũng đã chỉ ra, ÔNKK gây ra hàng loạt tác động, làm tăng nguy cơ hen suyễn, đau tim, đột quỵ, ức chế sự phát triển của thai nhi, ảnh hưởng đến buồng phổi và gây ra những khuyết tật về thần kinh.

Theo các nhà phân tích, nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất được cho là khí thải từ các phương tiện giao thông, các công trình công nghiệp, xây dựng, nhà máy nhiệt điện, lò đốt rác và việc sử dụng năng lượng không sạch từ hàng trăm triệu hộ gia đình.

Vấn đề nổi cộm ở nhiều quốc gia là tác hại của bụi nhỏ và siêu nhỏ. Ô nhiễm bụi được phản ánh thông qua bụi lơ lửng PM10 và PM2.5. Bụi PM10 là những hạt có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 10 micromet, còn PM2.5 là những hạt bụi có đường kính bằng hoặc dưới 2,5 micromet, đồng nghĩa với kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc. Những hạt bụi lơ lửng dưới 2,5 micromet vô cùng nguy hiểm vì chúng có thể đi sâu vào trong cơ thể, gây nguy hại tới hệ hô hấp và tim mạch.

Các hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí và chỉ số đánh giá

ÔNKK gây ra bởi sự gia tăng nồng độ các chất gây ô nhiễm bao gồm bụi lơ lửng PM10,PM2.5, khí dioxyt carbon, NOx, SO2, vi khuẩn… phát sinh trong tự nhiên và từ hoạt động của con người.

Phun trào núi lửa phát sinh khói bụi chứa lưu huỳnh (SOx) và khí metal (CH4)…; cháy rừng thải ra lượng lớn chất hữu cơ bay hơi, bụi và đioxit carbon (COx..); bão cát và phân hủy xác động, thực vật để lại nhiều hạt lơ lửng…; hoạt động sinh hoạt hàng ngày phát thải nhiều loại khí gây ô nhiễm môi trường; phương tiện giao thông để lại bụi, khí thải và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; sản xuất công nghiệp và năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch thải ra môi trường lượng lớn khí dioxit, bụi, kim loại nặng và các chất độc hại khác….Trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phát tán chất độc hại vào không gian; canh tác lúa nước và nhất là đốt rơm rạ và phụ phẩm gây ô nhiễm và phát thải lượng lớn khói bụi, khí dioxit (COx, Nox,,,), khí metal và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi; đốt rác thải không kiểm soát ngoài trời sẽ phát tán hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, dioxin và furan độc hại….

Các yếu tố tự nhiên như mưa, gió, vị trí địa lý, địa hình, độ ổn định của khí quyển và nhất là hiện tượng nghịch nhiệt đều ảnh hưởng đến ÔNKK. Kết quả nghiên cứu cho thấy, môi trường không khí còn chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới. Ở miền Bắc Việt Nam nồng độ các chất ÔNKK thường thấp về mùa hè và cao trong mùa đông. Điều kiện khí tượng mùa hè cho phép các chất gây ô nhiễm có thể di chuyển lên cao, nồng độ được pha loãng hoặc được nước mưa rửa trôi. Ngược lại ,vào mùa đông lạnh, các chất gây ÔNKK khó di chuyển lên cao, khó khuyếch tán ra xa, dẫn đến tích tụ chất gây ô nhiễm.

Không phải lúc nào con người cũng có thể ngửi, nhìn thấy hoặc cảm nhận được không khí bị ô nhiễm, Để biết được không khí sạch và an toàn, các nhà khoa học thường xuyên nghiên cứu và đã sử dụng bộ chỉ số chất lượng không khí ( Air Quality Index –AQI-) để đánh giá.

AQI cho biết tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI càng cao tể hiện mức độ ÔNKK càng lớn. Trên thế giới có nhiều cách tính AQI khác nhau. Ở Hồng Kông, ÔNKK được phân thành 5 mức. Mức thấp có các bậc 1,2,3; trung bình gốm bậc 4,5,6; bậc 7 là mức cao; từ bậc 8 đến 10 là mức rất cao; trên bậc 10 là mức nghiêm trọng. Cũng như Mỹ và nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã phân loại và sử dụng chỉ số AQI vào đánh giá chất lượng không khí. Cách phân loại này được chia thành các mức độ tốt, trung bình, xấu, kém, rất kém và nguy hại. Theo đó, chất lượng không khí là tốt khi giá trị AQI đạt dưới 50, đạt trung bình khi AQI từ 51 đến 100, xấu từ 101 đến 150, kém từ 151 đến 200; từ 201đến 300 là rất kém và mức nguy hại khi AQI từ 301 đến 500. Giá trị AQI và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được thể hiện trong bảng 1.

Bảng 1 Chỉ số đánh giá chất lượng không khí AQI

Giải pháp cần được quan tâm trong cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội

Theo xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất được Airvisual đánh giá vào tháng 9 năm 2019, Hà Nội ở vị trí hàng đầu với chỉ số AQI luôn ở mức trên 200. Suốt trong những ngày cuối tháng 9, toàn miền Bắc Việt Nam trời ít mây, nắng ban ngày liên tục gay gắt. Mùa thu Hà Nội chìm trong lớp mù với những hạt bụi mịn lơ lửng cùng với khí dioxyt (COx, NOx, SOx) ở nồng độ vượt quá giới hạn cho phép. Đáng báo động trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này là bụi mịn PM 2.5 theo không khí có thể vào sâu đến tận phế nang, lắng lại ở đường hô hấp gây ra nhiều thứ bệnh như hen suyễn, viêm nhiễm, ung thư phổi hoặc thậm chí dẫn đến tử vong do đột quỵ (Việt Đan 2019).

Trong khi người dân phải tự cứu mình, họ phải theo dõi sát sao các chỉ số đánh giá chất lượng không khí để lựa chọn giải pháp ứng phó thì các cơ quan chức năng không thể né tránh mà cần có biện pháp để lấy lại môi trường trong lành cho mỗi người dân. Người dân cần được biết, được cập nhật thông tin về chất lượng không khí để chủ động ứng phó với những nguy cơ có thể xẩy ra.

Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian gần đây, thành phố Hà Nội đã tập trung vào xây dựng giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không khí và thực hiện việc xanh hóa môi trường. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phỗ, Hà Nội đã xây dựng dự án “hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường” với quy mô đầu tư xây dựng 33 trạm quan trắc không khí; đã đưa vào vận hành ổn định 10 trạm quan trắc tự động.

Cùng với thu gom xử lý các nguồn rác thải, nước thải, sử dụng năng lượng sạch, thành phố đã hoàn thành kế hoạch trồng một triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 60 vạn cây trong năm 2019 và 2020. Qua đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường không khí cho các cấp, các ngành và toàn dân Thủ đô (Nguyễn Thanh Thủy 2019).

Từ thách thức đặt ra, học hỏi kinh nghiệm của thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), Hà Nội đang tiến hành nghiên cứu thành phần của hạt bụi PM2.5, nhằm tìm lời giải cho nguồn gốc ô nhiễm để tìm cách khắc phục; thành phố còn tiến hành kiểm kê nguồn thải để đưa ra bức tranh tổng thể về sự lan truyền và dự báo các kịch bản khác nhau về ÔNKK. Theo đó, các nhà khoa học có thể đồng hành cùng với thành phố để cùng đưa ra giải pháp xử ký.

Để khắc phục ÔNKK, cần làm rõ được nguyên nhân. Theo các nhà quản lý Môi trường, Hà Nội đã xác định một trong những nguyên nhân quan trọng là thành phố đang trong quá trình đô thị hóa với nhiều công trình xây dựng phát sinh nhiều loại bụi. Cùng với xây dựng đô thị mở rộng, mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao, dẫn đến nhiều điểm ùn tắc; đặc biệt, do nhiều phương tiện quá cũ và xe chở vật liệu, phế thải không dược che chắn cẩn thận khiến ô nhiễm khói, bụi càng thêm nặng nề.

Từ những khó khăn, hạn chế tồn tai trong giao thông xây dựng, Thành phố đang triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông. Ngành giao thông thủ đô cũng gia tăng số lượng cầu vượt mới, nhằm tránh ùn tắc và tổ chức lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ. Đối với hoạt động xây dựng, thành phố chủ trương buộc các công trình xây dựng phải được che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Đối với những xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu và phế thải xây dựng, phải đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường...

Từ góc nhìn chuyên gia, Trưởng khoa Môi trường của Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, PGS.TS Lê Thị Trinh cho rằng, ÔNKK ở Thủ đô chủ yếu do bụi từ nguồn phát thải dân sinh, phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng các công trình. Theo bà, ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn vào thời gian này hằng năm thường do hiện tượng nghịch nhiệt, kết hợp với mật độ cao các công trình bê tông, làm cho các thành phần ô nhiễm trong không khí không khuếch tán được lên cao. Không thể giảm ngay số lượng phương tiện giao thông hay cấm các công trình xây dựng, mà biện pháp cần làm là các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn chặn việc phát tán bụi thông qua các biện pháp như yêu cầu quây kín các công trình xây dựng, tưới rửa thu dọn đất ở mặt đường thường xuyên để không phát tán bụi trong không khí (Gia Chính 2019).

Thay cho lời kết

Cho đến nay, việc dự báo chất lượng không khí hoàn toàn có khả năng thực hiện; các mô hình tính toán có thể đưa ra dữ liệu dự báo tin cậy về chất lượng không khí. Nhiều quốc gia đã dự báo được chất lượng không khí trước từ 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Hà Nội là vấn đề số liệu. Trong 10 trạm quan trắc đã vận hành của thành phố, chỉ có 2 trạm cố định có khả năng cung cấp các số liệu đủ độ chính xác phục vụ công tác dự báo. Các trạm còn lại, số liệu thu nhận được chỉ mang tính tham khảo. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 3.347,4 Km2 và dân số trên 8 triệu người, mạng lưới trạm quan trắc không khí của Hà Nội hiện còn quá mỏng. Để có đủ nguồn dữ liệu quan trắc môi trường không khí, Hà Nội phải phấn đấu để có 95 trạm quan trắc. Đây là vấn đề đòi hỏi phải tập trung đầu tư cả về trang bị kỹ thuật lẫn đào tạo nguồn nhân lực.

Giải quyết thách thức ô nhiễm không khí cần nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều bên, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Về tổng thể lâu dài cần nguồn vốn đầu tư cả về công nghệ, trang bị kỹ thuật và nguồn nhân lực có kỹ năng, song những giải pháp trước mắt vẫn có thể tiến hành được ngay như giáo dục nâng cao nhận thức, siết chặt quy định bảo vệ môi trường trong xây dựng và quản lý giao thông.

TS. Lê Thành Ý

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/xa-hoi/chat-luong-khong-khi-tren-dia-ban-thu-do-ha-noi-nhung-van-de-dat-ra-a297176.html