Chất lượng không khí tại Hà Nội diễn biến theo chiều hướng xấu

Ngày 12/11/2019, thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong khoảng thời gian từ 5-12/11, chất lượng không khí tại Hà Nội lại diễn biến theo chiều hướng xấu. Chỉ riêng ngày 12/11 đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI đã vượt ngưỡng 300, được coi là mức nguy hại.

Theo đó, nồng độ trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường đã vượt quy chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT và có xu hướng tăng theo thời gian. Trong các ngày từ 05-12/11, có trạm quan trắc môi trường đo được nồng độ trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt hơn 2 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT. Tương đương với nồng độ PM2.5, có trạm quan trắc môi trường đo được giá trị AQI những ngày này ở mức cao (trên 200 - mức xấu).

Thông số PM2.5 trong các ngày từ 05-11/11/2019

Nồng độ PM2.5 tăng cao vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm. Đặc biệt, sáng ngày 12/11, từ 01-07h sáng, chỉ số AQI giờ tại các trạm quan trắc đặt tại phố Phạm Văn Đồng, số 556 đường Nguyễn Văn Cừ, phố Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và trạm quan trắc đặt tại Chi cục BVMT Hà Nội đã vượt ngưỡng giá trị 300 (mức nguy hại). Giá trị AQI giờ cao nhất ghi nhận được là 364 (mức nguy hại) tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ vào lúc 5 giờ sáng (Biểu đồ 2). Sau 7 giờ sáng, chỉ số AQI giờ ở tất cả các trạm đã xuống dưới ngưỡng nguy hại.

Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, chỉ số AQI có thể được coi là một dạng báo cáo chất lượng không khí hàng ngày, nhằm đo lường mức độ ô nhiễm không khí ở mức độ ra sao, có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân hay không. Còn bụi mịn PM 2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron, nhỏ hơn so với tóc con người khoảng 30 lần. Khi nồng độ PM 2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên thì sẽ làm cho tầm nhìn bị giảm trông giống sương mù, hơn nữa bụi mịn PM 2.5 có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây ra một số bệnh nguy hiểm như: đột quỵ, tim mạch, ung thư…tiếp xúc thường xuyên sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe như: hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt…về lâu dài sẽ làm giảm chức năng phổi, phế quản…cũng như các bệnh về tim mạch.

Diễn biến giá trị AQI giờ các ngày từ 08-12/11/2019

Tổng cục Môi trường nhận định, nguyên nhân của hiện tượng này là do trong khoảng thời gian từ 04-12/11, thời tiết tại khu vực miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Khoảng thời gian ghi nhận nồng độ PM2.5 tăng cao là vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 tích tụ trong không khí, không thể phát tán lên cao và đi xa.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 13/11, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh kèm theo mưa, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.

Gia Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chat-luong-khong-khi-tai-ha-noi-dien-bien-theo-chieu-huong-xau-post70345.html