Chất lượng không khí tại Hà Nội: biết tin vào ai?

'Qua các số liệu quan trắc của nhiều năm, chúng tôi thấy rằng số lượng ngày ở Hà Nội (giá trị trung bình ngày) có nồng độ bụi 2.5 (là lượng bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm – 10 µm- micromet) vượt quá quy chuẩn ngày càng tăng. Và đó là một thực tế rất đáng báo động!' - ông Hoàng Dương Tùng, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết.

Ô nhiễm khói bụi khiến người dân thủ đô luôn phải dùng khẩu trang khi ra đường. Ảnh: TTXVN

Vẫn theo ông Hoàng Dương Tùng thì, việc người dân đang lo ngại về chất lượng không khí của Hà Nội nói riêng và các đô thị khác nói chung là có cơ sở. Bởi việc đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội không thể thực hiện bằng cảm tính mà phải thực hiện quan trắc đo online 24/24.

Thở chung bầu không khí nhưng đánh giá khác nhau

Theo số liệu từ tổ chức Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID- thu thập dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội) thì 91% số ngày trong ba tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đã vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hà Nội là thành phố ô nhiễm xếp thứ 2 trong 23 thành phố được khảo sát ở Đông Nam Á. Mặc dù kết quả nghiên cứu của Green ID cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội năm 2017 có cải thiện so với năm 2016, nhưng số ngày chất lượng không khí bị ở mức “rất có hại” và “có hại cho sức khỏe” vẫn giữ xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, trả lời báo chí tại hội thảo “Không khí sạch, thành phố Xanh” gần đây, ông Mai Trọng Thái - Chi cục Trưởng chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội, lại cho rằng: “Để đánh giá chung chất lượng không khí thành phố cần khách quan trên cả tổng thể môi trường giao thông, môi trường đô thị…, và việc xác định chỉ số chất lượng AQI (không khí) bình quân hàng ngày phải dựa trên số liệu từ nhiều điểm quan trắc khác nhau”.

Ông Thái cho rằng: “Những thông tin về chất lượng không khí thu thập được từ một trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội chỉ mang tính chất cục bộ, chưa thể phản ánh chất lượng không khí chung của toàn thành phố”. Lý do chưa đáng tin cậy, theo ông Thái : “ Là vị trí của lắp đặt của trạm quan trắc này nằm gần ngã tư Láng Hạ - Đê La Thành, nơi có mật độ phương tiện giao thông rất cao, khu vực này lại có nhiều công trình xây dựng xung quanh, nên chỉ số PM 2.5 hơi cao.”

Ông Thái còn cho biết: “Hiện thành phố Hà Nội đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (hai trạm cố định và tám trạm cảm biến) số liệu được cập nhật 24/24. Những dữ liệu về chất lượng không khí (AQI), nồng độ PM2.5, nồng độ PM10… đều liên tục cập nhật trên trang Cổng thông tin điện tử của thành phố và thường xuyên qua Đài truyền hình Hà Nội, để người dân dễ dàng có thông tin về chất lượng không khí tại nhiều khu vực họ sinh sống”.

Dân tìm đến Airvisual

Trong khi số liệu về chất lượng không khí được các cơ quan, tổ chức đưa ra không đồng nhất, thì hiện tại, nhiều người dân thủ đô vẫn đang cùng sử dụng ứng dụng Airvisual (qua smartphone) để theo dõi chất lượng không khí tại khu vực mình cư trú.

Airvisual là ứng dụng dùng để đánh giá chất lượng không khí và dự báo mức độ ô nhiễm tại các thành phố lớn trên thế giới, dựa trên dữ liệu đo chất lượng không khí và môi trường từ US Embassy & US Consulate Readings for China với 8.000 trạm đo đặt ở khắp các thành phố lớn (theo trang web justbehome).

Điều này phản ánh tâm lý hoang mang, lo ngại về chất lượng không khí, và cũng là vì họ không biết tin vào số liệu nào. Bởi có một thực tế rằng, những số liệu về chất lượng không khí dẫu được công bố của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội công bố hàng ngày, nhưng các cơ quan liên quan, tổ chức nghiên cứu lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận lịch sử các nguồn số liệu để thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá?

Chúng ta sẽ tin ai đây? Khi ông GS.TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp khoa Môi trường (trường ĐH Khoa học tự nhiên), cho rằng “Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam chưa đến mức nguy hiểm và chúng ta không nên quá bi quan”. Thì, theo báo cáo về chỉ số năng lực quản lý môi trường (EPI) năm 2018 của đại học Yale ( Mỹ), Việt Nam xếp hạng thứ 159/180 quốc gia (gần đội sổ) về chất lượng không khí. Và số lượng ngày mà Hà Nội có hàm lượng bụi lơ lửng đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm – 10 µm- micromet (PM2.5, PM 10) ngày càng có xu hướng gia tăng.

Khí thải phương tiện vẫn thủ phạm chính

Báo cáo của Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội có 5 nguồn gây ô nhiễm không khí tại thủ đô, gồm: Ô nhiễm từ hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, sản xuất nông nghiệp và làng nghề; chôn lấp và xử lý chất thải rắn. Trong đó, phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu.

Chuyên gia môi trường TS. Ngô Thọ Hùng, nhận định: “Tại các đô thị lớn của Việt Nam, ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả thành phố, nồng độ khí thải ở các đường giao thông, khu vực đông dân cư rất lớn, vượt ngưỡng cho phép khá nhiều lần.”

Thống kê tại Hà Nội hiện có hơn 5,2 triệu xe máy, với mức tăng trưởng 6%/năm, dự báo đến năm 2020, thủ đô sẽ có khoảng 6,1 triệu xe. Trong khi đó, hiện TP.HCM có khoảng 7,5 triệu xe và với tốc độ tăng trưởng trên 5% mỗi năm, dự kiến đến năm 2020, TP.HCM sẽ có khoảng 8,2 triệu xe.

Chẳng cần đọc báo cáo, dân thủ đô, người tham gia giao thông Hà Nội cũng dễ dàng nhận thấy không khí ngột ngạt tại các nút giao thông và trên những tuyến đường trọng điểm của thành phố. Kết quả tại một số điểm quan trắc cũng cho thấy, tại một số khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc như ở khu vực Minh Khai - Bắc Từ Liêm, đường Phạm Văn Đồng, vườn hoa Hàng Đậu... các chỉ số về nồng độ bụi tăng cao.

TS Nguyễn Tùng Lâm, giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn và đào tạo (Viện Chiến lược, chính sách và tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường), lý giải: “Do các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel, hoặc các nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch. Khi lưu thông trên đường, trong quá trình đốt, các nhiên liệu này sản sinh ra khí CO2. Số lượng phương tiện tham gia giao thông càng nhiều, tỷ lệ khí thải phương tiện thải ra môi trường càng cao, và nhiều phương tiện đã cũ nát, không đảm bảo về tiêu chuẩn khí thải”. Tất nhiên khí thải từ phương tiện giao thông đã gây tổn hại đến sức khỏe (bệnh đường hô hấp, hệ thần kinh trung ương, bệnh tim mạch ...) của dân cư sống gần các trục đường giao thông lớn hay các nút giao thông trọng điểm...

Theo một kết quả nghiên cứu, hiện hàm lượng benzen trong xăng (nhiên liệu sử dụng chủ yếu của các phương tiện giao thông) tại Việt Nam cao hơn so với một số quốc gia khác, đó cũng là thêm một nguyên nhân gây trầm trong thêm ô nhiễm không khí.

Muôn thủa... chưa có giải pháp

Tình trạng ô nhiễm không khí càng nặng của Hà Nội (dẫu có ý kiến còn khác nhau) là không còn nghi ngờ. Cũng như chúng ta cũng không nghi ngờ có vô khối nguyên nhân sinh ra, như: Do công tác quy hoạch bố trí các khu dân cư và khu làm việc chưa hợp lý, nhiều người tham gia giao thông phải đi những quãng đường quá xa từ nhà tới các trường học, nơi làm việc làm tăng thêm mật độ phương tiện giao thông.

Ô nhiễm không khí Hà Nội đến từ nhiều phía, như việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô làm tăng đột ngột dân số, cũng là lập tức tăng phát thải khí CO2 từ phương tiện cơ giới... Ảnh TL

Hoặc việc bố trí các khu công nghiệp lân cận, đầu hướng gió đưa khí thải vào thủ đô. Rằng, quá trình đô thị hóa khiến một lượng lớn người dân từ các tỉnh lân cận tập trung về Hà Nội tăng cao, kéo theo sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Hay, hiện nay các đô thị mới có những quy định về kiểm soát khí thải phương tiện đối với ô tô , còn đối với xe máy, chưa có những quy định cụ thể v.v và vv.

Tức là ô nhiễm không khí Hà Nội đến từ nhiều phía, chứ không chỉ phải do một bên nào. Thí dụ: Việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô làm tăng đột ngột dân số, cũng là lập tức tăng phát thải khí CO2 từ phương tiện cơ giới, việc mở rộng Hà Nội nhưng không mở rộng, phân tán, để hình thành nên các không gian, công trình hành chính, sản xuất mới... khiến dòng người “sáng đi vào trung tâm, tối về ngủ” càng nườm nượp, kiệt sức vì di chuyển...

Ai đó nói: “Không khí- Đất- Nước” là ba tài nguyên mà dù giàu có đến bao nhiêu đi nữa thì con người vẫn không thể làm ra được. Tất nhiên ba tài nguyên đó là hữu hạn, theo nghĩa chúng không thể sạch mãi khi bị con người phá hủy. Các tác nhân làm suy kiệt, gây ô nhiễm bầu không khí vốn trong lành mà thiên nhiên cho Hà Nội có thể đã được nhận thức tương đối đầy đủ. Nhưng, tiến tới một giải pháp tổng thể, căn cơ thì chưa, vì chúng ta mới chỉ thấy những “ sự chạy chữa” riêng lẻ của từng ngành.

Vì thế, xin nhắc lại, bầu không ô nhiễm khí chúng ta đang hít thở không thể chỉ giao cho một ngành nào lo cho nó sạch, như xưa!

Theo GreenID, trong quý II/2018, chất lượng không khí của Hà Nội và TP.HCM có sự cải thiện hơn so với quý I.

Chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình của Hà Nội trong quý II là 86, hàm lượng bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm - micromet (PM 2.5) trung bình là 30,6 Micromet/m3. Con số này thấp hơn so với tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh của quốc gia 50 micromet/m3. Số ngày vượt ngưỡng tiêu chuẩn PM2.5 quốc gia cũng giảm xuống chỉ còn 7 trong 91 ngày trong quý 2 (8%). Khi so sánh với tiêu chuẩn PM 2.5 của Tổ chức y tế thế giới WHO, Hà Nội có 41 ngày trên 91 ngày vượt ngưỡng (45%), thấp hơn nhiều so với quý I.

Trong khi đó, nồng độ PM2.5 của TP.HCM trong quý 2, thấp hơn so với Hà Nội và TP.HCM không có ngày nào vượt quy chuẩn chất lượng không khí xung quanh quốc gia.

So với tiêu chuẩn không khí của WHO, TP.HCM có gần 40% số ngày vượt chuẩn.

Lê Minh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chat-luong-khong-khi-tai-ha-noi-biet-tin-vao-ai-15437.html