Chất lượng không khí ở Hà Nội tăng - giảm thất thường

Từ ngày 26-7 đến ngày 2-8, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng - giảm thất thường. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức tốt giảm mạnh, ngày trung bình và kém tăng cao. Đặc biệt, trong ngày 28-7, một số khu vực có chỉ số AQI ở mức xấu và rất xấu. Chỉ số AQI trong tuần dao động từ 20 đến 163.

Sau 7 tuần liên tục chất lượng không khí ở Hà Nội giữ ổn định ở mức tốt và trung bình, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cộng đồng thì sang tuần cuối tháng 7, chất lượng không khí giảm mạnh.

Từ ngày 28 đến 30-7, tại một số khu vực quan trắc: Hàng Đậu, Thành Công, Phạm Văn Đồng và Minh Khai, chỉ số AQI ở mức kém. Đặc biệt, khu vực Chi cục Bảo vệ môi trường và thị trấn Kim Bài từ 8h-10h ngày 28-7, chỉ số AQI dao động từ 211-288, ở ngưỡng rất xấu (màu tím), gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, trong tuần, một số khu vực có số ngày tốt vẫn chiếm ưu thế như: Tây Mỗ 5 ngày chỉ số AQI đạt mức tốt, 2 ngày trung bình; Tân Mai 4 ngày tốt, 3 ngày trung bình; các khu vực khác đan xen ngày tốt, trung bình và kém.

Riêng ngày 2-8, chỉ số AQI tại Hà Nội đa phần đạt mức tốt, chỉ có 3 khu vực mức trung bình: Minh Khai, Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu...

Lý giải về sự thay đổi này, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho rằng, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí, đó là: Phát thải cục bộ từ hoạt động sản xuất, giao thông; điều kiện thời tiết và các chất ô nhiễm từ vùng lân cận.

Thực tế, những ngày giữa tuần, điều kiện thời tiết thay đổi: Đêm và ngày không có mưa, tốc độ gió thấp từ 0,3-1,8m/s, ngày nắng nhẹ, nhiều mây, đêm nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm xuất hiện một lớp sương mù tầm thấp bao phủ toàn thành phố. Trong khi đó, hằng ngày các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục xả ra môi trường... Với điều kiện như vậy, các chất ô nhiễm không thể thoát lên cao, bị giữ lại ở lớp không khí sát mặt đất, gây ô nhiễm cục bộ.

Trong tình trạng chất lượng không khí và dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài trời. Nhóm nhạy cảm như: Người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp, bệnh tim mạch... không nên ra khỏi nhà; người dân nên trang bị khẩu trang đạt chuẩn để chống bụi PM2.5 và dịch Covid-19...

Để cải thiện chất lượng không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày... Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xuyên ùn tắc.

Ngoài ra, để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, hằng ngày, người dân nên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại website: "moitruongthudo.vn" để có biện pháp phòng tránh phù hợp, hiệu quả...

Hoàng Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/974594/chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-tang---giam-that-thuong