Chất lượng không khí ở Hà Nội kém trở lại?

Chiều 21/10, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) thông tin, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được trong 24 giờ (tính từ chiều 20/10 đến chiều 21/10) tại 10 trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố dao động từ 113 đến 151 (thuộc mức kém).

Đến ngày 21/10, chất lượng không khí tại Hà Nội bị kém trở lại. (Ảnh: Zing)

Đến ngày 21/10, chất lượng không khí tại Hà Nội bị kém trở lại. (Ảnh: Zing)

Cụ thể, chỉ số AQI cao nhất tại trạm Minh Khai là 151, Phạm Văn Đồng 146, Hàng Đậu 143, Thành Công 138, Trung Yên 3 là 129, Hoàn Kiếm 121, Mỹ Đình 117, Kim Liên 114, Tây Mỗ 113, Tân Mai 113, theo Hà Nội Mới.

Nguyên nhân gây ra điều này được cho là do thời tiết Hà Nội xuất hiện sương mù ở tầng thấp khiến các chất ô nhiễm trong không khí không thoát được để phát thải và bị giữ lại ở sát mặt đất.

Đứng trước tình trạng ô nhiễm không khí trở lại đang diễn ra tại Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đưa ra khuyến cáo với người dân. Theo đó, đối với nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) cần hạn chế thời gian ở ngoài trời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu phải ra ngoài trời cần đeo khẩu trang đạt chuẩn.

Đồng thời, để làm giảm ô nhiễm không khí, khi tham gia giao thông, mọi người cần tuân thủ triệt để luật giao thông để hạn chế ùn tắc đường. Kết hợp với điều đó, cơ quan chức năng cần tăng cường điều tiết giao thông tại một số khu vực có mật độ giao thông cao; khu vực ngoại thành, người dân hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Theo ước tính gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc... Các hạt bụi mịn và siêu mịn - một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.

Lam Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-kem-tro-lai-90599.html