Chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện

Sáng 5/1, chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện hơn so với hôm qua. Tại các điểm quan trắc đã không còn thấy xuất hiện điểm màu đỏ gây nguy hại đến sức khỏe.

8h sáng nay (5/1), ứng dụng Air Visual hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội trung bình là 118 - mức màu cam. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi toàn thành phố ngoài màu cam thì xuất hiện nhiều màu vàng và không có điểm nào ở mức màu đỏ. Chất lượng không khí ở mức trung bình sẽ duy trì đến hết ngày hôm nay. Tuy nhiên, đến sáng thứ 2 đầu tuần, chất lượng không khí không có phần khả quan, lại quay về mức đỏ.

Chất lượng không khí Hà Nội ngày 5/1.

Chất lượng không khí Hà Nội ngày 5/1.

Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, với chỉ số chất lượng không khí như vậy, Hà Nội đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu.

Còn ở TP.HCM, chất lượng không khí ở mức cam - 106, chỉ số này duy trì đến 13h hôm nay. Từ 16h trở đi TP.HCM trở về mức màu vàng. Với chất lượng không khí ở mức trung bình, người dân tạm thời yên tâm.

Không khí ở TP.HCM ở mức trung bình, người dân yên tâm dạo chơi ngày cuối tuần.

Báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, trong tuần qua, từ ngày 29/12/2019 đến ngày 4/1/2020 cho thấy, chất lượng không khí (CLKK) trên địa bàn TP. Hà Nội trong đầu tuần này có xu hướng xấu hơn so với tuần trước, hầu như tất cả các ngày trong tuần AQI các trạm ở mức “Kém” và “Xấu”, một số ít ở mức “Trung bình”; không có ngày AQI ở mức “Tốt” (màu xanh).

Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này CLKK đã xấu đi đáng kể so với tuần trước, số ngày ở mức “Xấu” đã tăng lên nhiều và số ngày đặt mức “Trung bình” giảm sâu.

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và đường Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, CLKK tại hai trạm có xu hướng thay đổi khá tương đồng nhau, cụ thể cả 2 trạm đều có số ngày AQI ở mức “Xấu”, “Kém” và “Trung bình”.

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, CLKK của tuần này cũng có xu hướng thay đổi như những trạm khác là xấu đi.

Điều kiện thời tiết trong tuần vừa qua tác động rất lớn đến sự thay đổi CLKK. Thời tiết tuần vừa rồi chủ yếu là khô hanh, ít gió, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm; Ngày nghỉ lễ tết Dương lịch (1/1/2020) nhu cầu đi lại của người dân tăng cao cũng làm gia tăng khói bụi và các chất gây ô nhiễm.

Ngoài ra, hoạt động từ các công trình xây dựng và việc đốt rác, đốt phụ phẩm ở rất nhiều nơi trên địa bàn thành phố là một nguyên nhân không nhỏ làm gia tăng ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân Thủ đô. Đến thời điểm cuối tuần, CLKK đã được cải thiện hơn.

Trong đợt cao điểm ô nhiễm, khoảng thời gian ghi nhận giá trị AQI giờ ở mức kém đến rất xấu thường tập trung khoảng từ 22 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian lặng gió và thuận lợi cho hiện tượng nghịch nhiệt, điều này làm tích tụ các chất ô nhiễm trong không khí xuống tầng sát mặt đất.

Tổng cục Môi trường khẳng định, môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam đã bị ô nhiễm bởi thông số bụi PM2.5 ở các mức độ khác nhau, trong đó, Hà Nội có giá trị PM2.5 đo được là cao nhất, còn của Huế là thấp nhất.

Thành phố Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong thời gian mùa đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí - trong đó có PM2.5 - thường cao nhất trong năm. Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên sử dụng khẩu trang chống bụi và hạn chế các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ.

Số liệu cập nhật lúc 8h, lấy số liệu từ ứng dụng Air Visual. Các chỉ số đo khác nhau có thể do địa điểm, công thức tính, máy đo.

Phong Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-co-xu-huong-gia-tang-ca-ve-so-ngay-va-muc-do-a461944.html