Chất lượng không khí ngày 23/12: Hà Nội lại trở về mức đỏ

Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 23/12 đang ở mức xấu, có nhiều điểm rất xấu, còn tại TP.HCM duy trì ở mức màu vàng - bình thường.

Giáng sinh đang đến thật gần nhưng chất lượng không khí Hà Nội không có gì “tươi sáng”. Sau 2 ngày cuối tuần, không khí có chút cải thiện thì sáng nay bầu không khí toàn TP. Hà Nội lại trở về mức đỏ - có hại cho sức khỏe.

8h sáng nay (23/12), ứng dụng Air Visual hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội trung bình là 152 - mức màu đỏ. Mức độ màu đỏ này sẽ duy trì hết ngày hôm nay.

Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 23/12 đang ở mức xấu.

Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng 23/12 đang ở mức xấu.

Tại TP.HCM, hiện tại chất lượng không khí trung bình là 87 - mức màu vàng. Chất lượng không khí mức màu vàng kéo dài đến tầm 10h. Theo ứng dụng Air Visual dự báo từ 13h đến 19h hôm nay, chất lượng không khí có phần kém hơn, không khí duy trì ở mức màu cam - AQI = 101 - 150. Từ 22h đến 4h sáng ngày 24/12, chất lượng không khí ở TP.HCM trở về mức màu vàng.

Với sự chuyển biến tích cực này, TP.HCM đã thoát khá xa bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu, theo khảo sát của Air Visual. Người dân có thể tạm thời yên tâm hơn.

Trước tình trạng chất lượng không khí kém, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.

Một số nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí bước đầu được xác định như sau:

Khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại TP. Hà Nội có hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; TP. HCM 700 nghìn ô tô là 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông từ của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng, con số này lớn hơn tại TP. HCM).

Phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương.

Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..), riêng tại TP. HCM có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải.

Phát sinh từ việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh (chỉ tính riêng TP. Hà Nội, hiện nay có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng mỗi ngày).

Ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là xu hướng chung của các nước trong khu vực (Thái Lan, Iran, Hàn Quốc…) cũng đã xuất hiện các đợt ô nhiễm không khí trong thời gian qua.

Số liệu cập nhật lúc 8h, lấy số liệu từ ứng dụng Air Visual. Các chỉ số đo khác nhau có thể do địa điểm, công thức tính, máy đo.

Phong Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chat-luong-khong-khi-ngay-2312-ha-noi-lai-tro-ve-muc-do-a460564.html