Chất lượng không khí ngày 20/12: Mưa bay có khiến Hà Nội 'dễ thở'?

Sau nhiều ngày ô nhiễm không khí 'đạt đỉnh', chất lượng không khí tại Hà Nội đang dần được cải thiện.

10h sáng nay (20/12), ứng dụng Air Visual hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội trung bình là 161 - mức màu đỏ, không tốt cho sức khỏe. Một số điểm có mức độ ô nhiễm cao nhất là 170 - 178. Dự báo chất lượng không khí trong ngày hôm nay liên tục trong mức 151 - 200 ở mức màu đỏ.

Tại TP.HCM, hiện tại chất lượng không khí trung bình là 161 - mức màu đỏ. Theo ứng dụng Air Visual dự báo từ 13h đến 16h hôm nay chất lượng không khí có phần khả quan hơn, dù vào tầm cao điểm, lượng phương tiện đổ ra đường đông nhưng chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức màu cam - AQI = 140. Từ 19h chiều nay tới 4h sáng mai, dự báo chất lượng không khí tại TP sẽ về mức bình thường 51 - 100 ở mức màu vàng.

Hà Nội và TP.HCM đã thoát khá xa bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.

Hà Nội và TP.HCM đã thoát khá xa bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.

Với sự chuyển biến tích cực này, hai thành phố lớn nhất cả nước đã thoát khá xa bảng xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu, theo khảo sát của Air Visual. Người dân có thể tạm thời yên tâm hơn.

Chiều 19/12, tại cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Đặc biệt, tại Hà Nội, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019 các đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, liên tiếp trong nhiều ngày giá trị trung bình 24h của bụi PM2.5 vượt QCVN từ 2-3 lần. Thông thường nồng độ bụi PM2.5 tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm buổi sáng (từ 7-8 giờ) và chiều (18-19 giờ), giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa (13-14 giờ) và ban đêm (23 giờ - 1 giờ).

Tuy nhiên, trong những ngày xảy ra ô nhiễm không khí thì khoảng thời gian ghi nhận giá trị Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm, do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết (lặng gió, độ ẩm thấp kết hợp với nghịch nhiệt). Sau đó, khi nhiệt độ trong ngày bắt đầu tăng, AQI giảm dần và thường thấp nhất vào khoảng 15-18 giờ.

Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà do phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn; các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông; số lượng các nhà máy ven thành phố đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh, trong đó ở TPHCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.

Ngoài ra, ở Hà Nội có một số nguyên nhân đặc thù khác, đó là vấn đề đốt rơm rạ, đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong. Cộng với việc đốt rác thải không đúng quy định ở ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Phong Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chat-luong-khong-khi-ngay-20-12-mua-bay-co-khien-ha-noi-de-tho-a460328.html