Chất lượng không khí Hà Nội tồi tệ thêm

Sáng nay (1/10), các chỉ số cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội lại tiếp tục tồi tệ thêm, với việc xuất hiện nhiều sắc tím (trên 200 µg/m3) – mức gây hại cao cho sức khỏe. Trước đó, tối 30/9, chất lượng không khí đã có vẻ cải thiện hơn với nhiều sắc vàng (dưới 100 µg/m3) – mức khá an toàn với sức khỏe.

 Ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn vào sáng nay (1/10)

Ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn vào sáng nay (1/10)

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày hôm nay, Hà Nội tiếp tục có dạng thời tiết sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Sương mù cũng chính là một trong những tác nhân gây ra ô nhiễm không khí nặng hơn bởi nó làm gián đoạn sự đối lưu trong khí quyển. Trong khi đó, quan sát ngoài trời cũng có thể thấy trời hầu như không có gió, một tác nhân giúp cho không khí đối lưu tốt.

Việc không khí tại Hà Nội liên tục rơi vào bảng xếp hạng tồi tệ nhất thế giới trong nhiều thời điểm khiến người dân Thủ đô đặc biệt hoang mang. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điều này không phải quá đặc biệt trong năm nay, bởi đây luôn là thời kỳ ô nhiễm không khí nhất trong năm ở miền Bắc.

Hơn nữa, trước đây, tình trạng đun than tổ ong, đun bếp củi, rơm rạ…, lò gạch thủ công, các nhà máy công nghiệp xả khói ra môi trường… rất phổ biến nên dù khi đó chưa có nhiều phương tiện giao thông như hiện nay thì môi trường không khí cũng rất ô nhiễm.

“Có thể trước đây chưa có các thiết bị đo, chưa có các phần mềm công bố công khai và tiện lợi như hiện nay nên ít thông tin, người dân cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều. Còn hiện nay, thông tin rất nhiều, nhanh trên nền tảng công nghệ phát triển, người dân cũng có ý thức quan tâm đến môi trường, đến sức khỏe nhiều hơn.” – một chuyên gia về môi trường lý giải về thông tin không khí ô nhiễm tại các đô thị trong những ngày vừa qua.

Điều này cũng được chứng mình khi trên thực tế, có những ngày lưu lượng tham gia giao thông giảm nhưng chất lượng không khí vẫn rất tồi tệ.

Trong khi đó, chia sẻ về những thông tin trái chiều đối với chất lượng không khí tại Hà Nội, TS Trịnh Thái Hà, chuyên gia môi trường độc lập, người đã có nghiên cứu lâu năm về vấn đề này cũng khẳng định, thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới do Air Visual công bố là không chính xác.

“Họ lấy dữ liệu từ 3.000 thành phố tại 73 quốc gia trên thế giới, trong khi trên thế giới có gần 200 quốc gia. Ngoài ra, bảng chỉ số này tính trung bình theo giờ, không có nghĩa là nó đại diện cho dữ liệu tổng kết trung bình hàng năm của tất cả các quốc gia. Để đánh giá tình hình chất lượng không khí thì cần phải quan sát các thông số khác như: ngoài bụi mịn thì có CO, SO2, NOX…,. Chỉ số này chỉ có ý nghĩa rằng tại thời điểm mà Air visual công bố, Hà Nội có chỉ số ô nhiễm nhất trong số 3.000 thành phố của 73 quốc gia mà thôi.” – bà Trịnh Thái Hà nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia độc lập về môi trường cũng lưu ý: “Đúng là tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang rất nghiêm trọng, và mọi người có thể nhìn thấy một thực tế rất rõ ràng trong những ngày gần đây.”

Trước tình trạng người dân khá hoang mang khi các thông tin về chất lượng không khí có vẻ là không hoàn toàn giống nhau, chuyên gia Trịnh Thái Hà nhấn mạnh, việc theo dõi chất lượng không khí để có thể đưa ra những biện pháp bảo vệ sức khỏe là rất quan trọng.

Bà Hà cho biết, hiện nay, một số cổng thông tin có sự đa dạng của các điểm đo cũng như mức độ thường xuyên cung cấp thông tin và cập nhật thông tin của các cơ quan quản lý như trang Môi trường Thủ đô của Sở TN&MT Hà Nội, trang web của Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường).

Song song với đó, các Viện nghiên cứu có mạng lưới Airnet với những dữ liệu mà người dân có thể xem qua Airnet.vn, hoặc thông qua ứng dụng Airnet trên điện thoại di động. Đây là những dữ liệu đo cảm biến chất lượng không khí.

Các đơn vị độc lập cũng có mạng lưới riêng, như mạng lưới của Pamair tại trang web Pamair.org để theo dõi chất lượng không khí ở nhiều tỉnh thành chứ không chỉ riêng Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, người dân cũng có thể tham khảo dữ liệu của Đại sứ quán Mỹ.

Bà Hà cũng nhấn mạnh, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 có tới 60.000 ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí, và Hà Nội cũng đang có sự gia tăng tình trạng này nên “chúng ta cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết thực trạng hiện nay.”

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/chat-luong-khong-khi-ha-noi-toi-te-them-641120/