Chất lượng không khí đang dần cải thiện

Quá trình đô thị hóa, gia tăng các phương tiện giao thông, biến đổi khí hậu…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí của Hà Nội. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cấp, ngành thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp phần cải thiện chất lượng không khí Thủ đô, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Đánh giá về thực trạng mức độ ô nhiễm không khí của Thủ đô trong những năm gần đây, bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố đạt mức trung bình cho tất cả các tháng mùa mưa và các tháng mùa khô. So với những năm từ 2010 trở về trước, chất lượng không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian.

Riêng chỉ tiêu Benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Chất lượng môi trường không khí của thành phố đã có biểu hiện suy thoái, nhất là ở khu vực nội thành, trên các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng.

Chất lượng không khí của Thủ đô đang dần được cải thiện

Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép. Theo kết quả quan trắc hàng năm, vấn đề đáng quan tâm nhất đối với chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội là chỉ tiêu bụi TSP và bụi PM10, tại một số vị trí và một số thời điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội mức độ ô nhiễm không khí đã vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh (QCVN 05:2013/ BTNMT) từ 1,5 – 2,0 lần.

Tuy nhiên, được sự quan tâm, đầu tư của thành phố Hà Nội, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp phần làm cho chất lượng không khí dần được cải thiện theo thời gian. Chất lượng không khí của Thủ đô thời gian gần đây đã và đang có chuyển biến tích cực khi chuyển từ mùa đông sang mùa hè và không còn xảy ra hiện tượng sương khói quang hóa, mù quang hóa. Riêng 4 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố có chuyển biến rõ rệt, từ các số liệu ghi nhận được ở 10 trạm quan trắc không khí của thành phố, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 đã giảm từ 1,5 đến 2,0 lần so với quý IV/2017 – bà Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh.

Trước thông tin Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh(GreenID) nhận định Hà Nội bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á với 91% số ngày trong quý I/2018 có mức độ ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, theo số liệu thu được tại 10 trạm quan trắc tự động hiện tại của thành phố trong quý I/2018, nồng độ bụi PM2.5 đo được tại các trạm dân cư đều ở mức dưới ngưỡng cho phép theo quy chuẩn của Việt Nam (dưới 50 µg/m3).

Chỉ riêng trạm giao thông đặt tại UBND Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), nồng độ đo được vượt ngưỡng cho phép (52,24 µg/m3 và 52,93 µg/m3). Do vậy, có thể khẳng định những số liệu mà tổ chức GreenID đưa ra là chỉ số có tính chất cục bộ, tham khảo vì chỉ mang tính đại diện cho duy nhất một địa điểm quan trắc (trạm quan trắc này đặt tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã 4 Láng Hạ- Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình cây dựng quy mô lớn).

Trước thông tin Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh(GreenID) nhận định Hà Nội bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á với 91% số ngày trong quý I/2018 có mức độ ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, theo số liệu thu được tại 10 trạm quan trắc tự động hiện tại của thành phố trong quý I/2018, nồng độ bụi PM2.5 đo được tại các trạm dân cư đều ở mức dưới ngưỡng cho phép theo quy chuẩn của Việt Nam (dưới 50 µg/m3).

Chỉ riêng trạm giao thông đặt tại UBND Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), nồng độ đo được vượt ngưỡng cho phép (52,24 µg/m3và 52,93 µg/m3). Do vậy, có thể khẳng định những số liệu mà tổ chức GreenID đưa ra là chỉ số có tính chất cục bộ, tham khảo vì chỉ mang tính đại diện cho duy nhất một địa điểm quan trắc (trạm quan trắc này đặt tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã 4 Láng Hạ- Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình cây dựng quy mô lớn).

Mặt khác, cách tính chỉ số chất lượng không khí (AQI) của trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội áp dụng theo tiêu chuẩn môi trường của Chính phủ Mỹ còn cách tính chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội áp dụng theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường và QCVN 05:2013/ BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. “Trong năm 2017 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã chỉ trì tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên đề về đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội. Một số chuyên gia đầu ngành về chất lượng không khí của Việt Nam và quốc tế đều khẳng định rằng không thể lấy số liệu tại một điểm đo để làm đại diện đánh giá toàn bộ chất lượng không khí của cả thành phố Hà Nội.” – Bà Lưu Thị Thanh Chi cho biết thêm.

Nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô, trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Triển khai thực hiện các giải pháp trong Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông; Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông công cộng (xe buýt nhanh BRT, đường sắt trên cao…) và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải; giảm dần và xóa bỏ các bếp than tổ ong; hạn chế, tiến tới không đốt rơm rạ; triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn thành phố, đến nay đã trồng hơn 800.000 cây xanh; nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức EURO 4, EURO 5 đến năm 2020; Đưa vào sử dụng các nhiên liệu sạch để hạn chế nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải… ví dụ: Sử dụng nhiên liệu xăng E5 thay thếRON92; tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các điểm đen về môi trường…

Bà Lưu Thị Thanh Chi cũng cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư để có một mạng lưới trạm quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại ngang tầm khu vực. Thành phố Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc môi trường cố định và 8 trạm cảm biến quan trắc môi trường không khí từ năm 2016. Các trạm có chức năng quan trắc chất lượng không khí; công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí... Tuy nhiên, số trạm quan trắc như vậy vẫn còn khá ít, chưa đại diện cho các khu vực.

Vì vậy, mục tiêu của Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư thêm 70 trạm quan trắc không khí (trong đó có 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định). Khi đó, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ có một hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của thành phố. Đây cũng sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lí môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chat-luong-khong-khi-dang-dan-cai-thien-74778.html